08/07/2018 10:28 GMT+7

2.300 tuổi, độc nhất vô nhị của Đông Nam Á, Cổ Loa vẫn ngủ yên?

NGỌC DIỆP
NGỌC DIỆP

TTO - Tại sao Cổ Loa, một di tích quốc gia đặc biệt, một di tích lịch sử 2.300 năm tuổi, độc nhất vô nhị của Đông Nam Á, không thể trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn của thủ đô?

2.300 tuổi, độc nhất vô nhị của Đông Nam Á, Cổ Loa vẫn ngủ yên? - Ảnh 1.

Một góc của di tích Cổ Loa (huyện Đông Anh, Hà Nội). Năm 2013, Cổ Loa được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt, có giá trị về lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Câu hỏi nêu trên đã được đặt ra cho các nhà khoa học, nhà quy hoạch, nhà quản lý tham dự tọa đàm "Cổ Loa: Từ giá trị cốt lõi đến bảo tồn và phát triển" để nhìn nhận lại giá trị của một di tích đang chịu đựng sự xâm thực của đô thị hóa một cách khốc liệt. 

Cuộc tọa đàm được tạp chí Tia Sáng tổ chức tại Hà Nội hôm 7-7, sau một thời gian khảo sát, nghiên cứu di tích Cổ Loa.

Tôi còn thấy một thực tế, nhà kinh tế rất ghét nhà khảo cổ. Điều đó không hề có lợi. Hiện nay các nhà khoa học đều thống nhất bảo tồn di sản để phát triển, biến di sản thành nguồn lực, chứ không ai còn nghĩ bảo vệ để đấy giữ là niềm tự hào

GS.TS LÂM MỸ DUNG (Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội)

"Năm cha ba mẹ"

Sau đợt khảo sát di tích Cổ Loa, những người thực hiện đã không khỏi đau lòng khi chứng kiến dấu vết còn lại như thành, hào đang bị đô thị hóa xóa đi nhanh chóng. Việc bảo tồn di tích đang mâu thuẫn với nhu cầu phát triển của chính người dân địa phương, có quá nhiều vấn đề cần gỡ rối.

Ông Lê Viết Dũng - phó Ban quản lý khu di tích Cổ Loa - cho biết thực trạng ở Cổ Loa: "Đang có 1.000 hộ dân sống trên mặt thành, mặt hào của di tích. 

Họ đã sống ở đây từ trước khi Cổ Loa được công nhận là di tích quốc gia. Sau đó, theo Luật đất đai, các hộ dân này đã được cấp sổ đỏ. Khi gia đình mở rộng, họ lại phải xây nhà cửa và xâm phạm tới di tích. Với máy móc xây dựng bây giờ, chỉ cần một ca máy xúc là đi một đoạn thành rồi".

Bi kịch của Cổ Loa hiện nay là bị quản lý theo kiểu "năm cha ba mẹ". Ban quản lý di tích Cổ Loa chỉ quản lý đình, đền, miếu, giếng ngọc, vườn thuyền, ao mắm. 

Trong khi đó ba vòng thành, ba vòng hào và sông Hoàng Giang (điều kiện tự nhiên hình thành nên Cổ Loa) là do chính quyền xã Cổ Loa quản lý. Khi có vi phạm, ban quản lý cũng chỉ báo với chính quyền xã xử lý. Cách quản lý di tích thiếu đồng bộ khó lòng bảo vệ được Cổ Loa chứ chưa nói gì đến phát huy giá trị di tích.

Theo PGS.GS Lại Văn Tới (Trung tâm nghiên cứu Kinh thành), hiện nay tư duy bảo tồn Cổ Loa đang tập trung bảo vệ "lõi" là những công trình đình, đền, miếu mà quên đi thành và hào, sông quan trọng chẳng thua kém gì. Tất cả những yếu tố này cộng hưởng mới tạo nên tính toàn vẹn và giá trị độc đáo của Cổ Loa.

Cẩn trọng khi bảo tồn di tích bằng vốn xã hội hóa

Trong cuộc tọa đàm, nhiều nhà khoa học cũng đặt câu hỏi vì sao Tập đoàn Sun Group được chọn vào làm quy hoạch 1/500 ở Cổ Loa. Ông Phan Duy Thắng, phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, cho biết việc này đảm bảo đúng luật, thực hiện theo đúng quy định chung. 

Ông Trần Đình Thành - phó cục trưởng Cục Di sản - cho rằng các dự án bảo vệ di sản của Nhà nước làm không hiệu quả, rất cần có sự tham gia của tư nhân.

Tuy nhiên, những nhà khoa học tham gia tọa đàm đều bày tỏ sự lo ngại khi tư nhân tham gia. Theo GS.TS Lâm Mỹ Dung (Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội), những chương trình đề án nào vay tiền của tổ chức quốc tế như World Bank thì thường sẽ làm đúng theo Luật di sản, còn tư nhân thực hiện thì bà cảm thấy nghi ngại. 

PGS.TS Nguyễn Văn Huy (phó giám đốc Trung tâm bảo tồn và phát huy giá trị di sản VUSTA) cho rằng: "Nhiều doanh nghiệp lớn đã giúp di sản cất cánh, du lịch địa phương phát triển. Không phải doanh nghiệp nào cũng đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của di sản. Tuy nhiên, nỗi lo lớn nhất là sau khi tham gia doanh nghiệp sẽ coi trọng lợi ích nào".

Ông Huy đau đáu: "Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua từ khi Cổ Loa được công nhận là di tích quốc gia. Đến giờ chúng ta không thể ngồi chờ thêm nữa". 

Tuy vậy, hiện nay Cổ Loa vẫn đang... chờ quy hoạch chi tiết 1/500. Nếu chưa có quy hoạch này, việc bảo tồn sẽ vẫn chưa thể thực hiện triệt để. Các nhà khoa học đều khuyên rằng khi có một giải pháp tổng thể đã được nghiên cứu bàn bạc kỹ lưỡng hãy làm, còn không nên làm manh mún sẽ chỉ làm tổn hại di tích.

Vắng khách đến với Cổ Loa

Thành Cổ Loa được An Dương Vương xây dựng vào những năm đầu của nhà nước Âu Lạc và là kinh đô nước Âu Lạc (tồn tại từ năm 208 TCN đến năm 179 TCN). Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Cổ Loa được đánh giá là một công trình kiến trúc độc nhất vô nhị ở Đông Nam Á. Ngoài ra, lịch sử về Loa thành, huyền thoại về Mỵ Châu - Trọng Thủy đã khiến cho di tích này thêm phần đặc biệt.

Theo số liệu do tạp chí Tia Sáng cung cấp, mỗi năm Cổ Loa đón khoảng 130.000 lượt khách. Phần lớn khách tập trung vào lễ đầu năm. Còn 11 tháng còn lại, Cổ Loa không có khách. Trong khi cố đô Huế đón 1 triệu lượt khách chỉ trong ba tháng.

Cổ Loa sẽ thành công viên lịch sử - sinh thái - nhân văn

TTO - Dự kiến kinh phí đầu tư quy hoạch khu di tích thành Cổ Loa khoảng 7.400 tỷ đồng, bao gồm nguồn vốn ngân sách và vốn xã hội hóa.

NGỌC DIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp