Theo thông tin của thị xã Điện Bàn cung cấp về phiên đấu giá mỏ cát ĐB2B xã Điện Thọ, đơn vị trúng đấu giá đã chốt 370 tỉ đồng cho mỏ cát 159.000m3 (theo trữ lượng được phê duyệt).
Như vậy, doanh nghiệp sẽ mua của Nhà nước mỗi khối cát với giá 2,3 triệu đồng, trong khi giá được Quảng Nam phê duyệt chỉ 150.000 đồng.
Chưa rõ ý định, tính toán của doanh nghiệp
Một doanh nghiệp trong lĩnh vực khai thác cát ở Đại Lộc (Quảng Nam) nói với phóng viên rằng hiện giá cát tại bến dao động quanh mốc 150.000 đồng đến 200.000 đồng.
Cộng với các chi phí khác, tùy vào nơi cung cấp xa hay gần mà giá cát cao nhất có thể đạt 450.000 đồng (ở Quảng Nam, Đà Nẵng).
Lâu nay nguồn cát cung cấp cho ngành xây dựng Quảng Nam và Đà Nẵng chủ yếu được lấy ở lưu vực sông Vu Gia, Thu Bồn và các nhánh sông, suối ở Nam Giang, Điện Bàn…
Thị trường cát hai năm qua ghi nhận một số biến động nhưng chưa từng "sốt" tới mức hàng triệu đồng mỗi m3 cát.
"Nếu doanh nghiệp trúng mỏ cát ở Điện Bàn không bỏ cọc mà hoàn tất các thủ tục thì họ sẽ phải bỏ ra 2,3 triệu đồng/m3 mua cát tại bãi.
Cứ cho rằng khái toán trữ lượng có dao động, khối lượng thực tế chênh lệch theo hướng tăng lên có lợi cho doanh nghiệp thì mỗi m3 cát ít nhất bán ra tiền triệu thì mới hy vọng huề vốn, có lãi. Đây là điều không thực tế" - đại diện một doanh nghiệp ở Quảng Nam nói.
Thông tin mỏ cát chỉ 159.000m3 nhưng được chốt đấu giá 370 tỉ đồng tiếp tục gây xôn xao cộng đồng doanh nghiệp miền Trung.
Ông V. - chủ một doanh nghiệp ở Quảng Ngãi - bày tỏ hoài nghi về khả năng theo đuổi tới cùng của doanh nghiệp trúng mỏ cát 370 tỉ đồng ở Quảng Nam.
"Có tăng giảm gì thì trữ lượng thật của mỏ cát này cũng chỉ quanh 100.000 - 200.000m3. Với hơn 2,3 triệu đồng/m3 nghĩa là doanh nghiệp phải nộp đủ 300 tỉ đồng đến 400 tỉ đồng để được khai thác.
Nếu tính bài toán đơn thuần thương mại thì không doanh nghiệp nào chấp nhận tỉ suất đầu tư quá chênh lệch như vậy" - ông V. nói.
Còn ông M., nhiều năm đấu giá khai thác cát ở Quảng Ngãi, thì cho rằng ngoài 370 tỉ đồng đã chốt, doanh nghiệp còn phải nộp nhiều loại thuế phí khác như thuế tài nguyên, phí môi trường…
"Cộng tất cả các nghĩa vụ tài chính thì phải cát tại mỏ 2,6 triệu đồng/m3 mới có lời. Đây là giá phi lý, không thể bán được. Tôi nghĩ là họ đấu sống chết rồi bỏ cọc", ông M. nói.
Quảng Nam đề nghị chưa công nhận kết quả đấu giá
Sau khi có kết quả chốt phiên đấu giá mỏ cát ở thị xã Điện Bàn, trong sáng 19-10 nhiều sở ngành, địa phương ở Quảng Nam đã có các động thái xác minh, làm rõ.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam đã nắm bắt thông tin từ thị xã Điện Bàn, gửi báo cáo ban đầu lên UBND tỉnh.
Theo ông Bùi Ngọc Ảnh, giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam, trước mắt đã đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo chưa công nhận kết quả đấu giá mỏ cát 370 tỉ đang gây xôn xao dư luận.
Đồng thời cho rà soát lại quy trình tổ chức đấu giá, xem xét kỹ các quy định liên quan.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng cho biết đã yêu cầu các cơ quan nắm bắt, xác minh phiên đấu giá mỏ cát ở Điện Bàn. Nếu phát hiện có sai phạm quy định về đấu thầu thì xử lý nghiêm.
Chiều 19-10, phóng viên Tuổi Trẻ Online cùng các cơ quan báo chí tìm cách liên hệ với Công ty CP MT Quảng Đà (phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) - đơn vị trúng đấu giá mỏ cát 370 tỉ đồng - nhưng vẫn chưa thể liên hệ được.
Đại diện các phòng ban ở Điện Bàn cũng nói chưa nắm đầu mối để liên hệ được với doanh nghiệp này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận