Từ trái sang: chị Hoàng Thị Trang, anh Nguyễn Văn Thơ, chị Trương Thị Thưởng mở quán cà phê tái chế để lan tỏa việc bảo vệ môi trường - Ảnh: MINH PHƯỢNG
Sau 10 năm, lần này trở lại Việt Nam, chị bắt tay vào quán cà phê tái chế ở TP.HCM, mong muốn góp sức nhỏ thay đổi ý thức của mọi người trong việc giảm thiểu rác thải nhựa, chung tay bảo vệ môi trường.
Từ triển lãm về Việt Nam đến nhân viên bảo tàng
Chồng chị là giám đốc Phòng Công nghiệp và thương mại Đức, đặc thù công việc 3 năm anh chuyển công tác một lần. Mỗi lần như vậy, chị Trang lại làm quen với cuộc sống, công việc ở một đất nước mới, điều mà chị đùa vui là "chu kỳ khởi nghiệp 3 năm một lần".
Những ngày ở thủ đô Tbilisi (Georgia), chị nhận ra mình là người Việt Nam duy nhất sống ở đây, và người dân ở đây không có nhiều thông tin về Việt Nam. Họ thường hỏi "Việt Nam các bạn còn chiến tranh, nghèo đói lắm đúng không?". Chính vì thế, người phụ nữ này trăn trở làm sao để bạn bè nước ngoài biết và yêu đất nước, bản sắc, văn hóa con người Việt.
Tốt nghiệp chuyên ngành dân tộc học và là người yêu nghệ thuật, chị Trang có nhiều bạn bè ở Georgia là nghệ sĩ, trong số đó có một người bạn họa sĩ chuyên vẽ tranh trên lụa. Chị bàn sẽ mang lụa từ Việt Nam sang và người bạn dùng lụa này để vẽ.
Những gì đặc biệt gắn với Việt Nam như nón lá, áo dài... cũng được chị mang từ Việt Nam qua. Sau đó, chị mở một buổi triển lãm nhỏ. Tại đây chị giới thiệu về Việt Nam, đặc biệt là đất nước và con người Việt Nam bây giờ, cũng như nói về sản phẩm lụa Việt Nam.
Buổi triển lãm nhận được sự chú ý của nhiều người, và giám đốc của một bảo tàng ở Tbilisi đã mời chị đến nói chuyện. Sau cuộc nói chuyện, người phụ nữ Việt này đề xuất làm một chương trình về Việt Nam cho bảo tàng. Chương trình thành công, chị làm thêm vài chương trình nữa và chính thức được bảo tàng mời về làm việc.
"Công việc ấy là cơ duyên từ chính tình yêu của mình. Khi ra nước ngoài, có những người chưa hiểu đúng về Việt Nam nên có cơ hội tiếp xúc, mình sẽ cố gắng để họ hiểu được bản chất của người Việt, văn hóa Việt, truyền thống Việt rất đẹp và khác biệt lắm" - chị Trang nói.
2.000 lời hứa với Sài Gòn
Khi bạn bè Georgia biết về Việt Nam nhiều hơn, năm 2020 chị Hoàng Thị Trang lại "cuốn gói" cùng chồng về TP.HCM khi anh chuyển công tác đến Việt Nam. 10 năm xa Việt Nam, sau khi sắp xếp nhà cửa xong xuôi, là người thích làm việc nên chị bắt đầu tìm hiểu làm điều gì đó có ý nghĩa.
Những lần đi trên đường, cô con gái mang dòng máu Việt - Đức của chị cứ thấy rác là nhặt bỏ vào thùng rác. Chị cùng con mua dụng cụ về vệ sinh, dọn rác ở quanh khu vực mình sống. Tuy nhiên, chị nhận ra một người không làm xuể, quan trọng là thay đổi nhận thức của mọi người để cùng bảo vệ môi trường.
Khi đi uống cà phê ở những chuỗi lớn, chị rất trăn trở khi cửa hàng vẫn sử dụng đồ nhựa một lần. Nhẩm tính số ly nhựa thải ra mỗi ngày là khủng khiếp đã thôi thúc chị hành động.
Chị lên ý tưởng và cùng với hai người bạn là Nguyễn Văn Thơ và Trương Thị Thưởng mở quán cà phê nghệ thuật theo phong cách tái chế ở quận 2 (nay là TP Thủ Đức). Ở quán, từ bàn ghế đến các đồ vật trang trí đều là đồ cũ, tái chế do chính tay các thành viên đi nhặt và xin về, cũng như các bạn trẻ, người dân mang đồ cũ đến tặng.
Điểm ấn tượng của quán là hàng ngàn chai nhựa xếp thành tấm cách nhiệt tránh ánh nắng xuyên xuống. "Đây là 2.000 chai nhựa các bạn mang đến, tượng trưng 2.000 lời hứa với Sài Gòn về hạn chế sử dụng đồ nhựa, nếu lỡ sử dụng thì hãy cố gắng tái chế" - chị Trang mong mỏi.
Quán cà phê ra đời vào tháng 12-2020, đến nay trở thành điểm đến của nhiều người yêu tái chế và yêu nghệ thuật. Đây cũng là nơi chị Trang thường xuyên tổ chức các buổi workshop về bảo vệ môi trường dành cho trẻ em.
Trong không gian quán cà phê tái chế có một góc triển lãm nho nhỏ mang tên Indochine (Đông Dương). "Quê tôi là Nam Định - nơi thời Đông Dương người Pháp thành lập Nhà máy dệt Nam Định. Tôi rất thích tìm hiểu những gì liên quan đến Đông Dương. Ở góc này tôi đặt giá sách về Đông Dương cùng sách về cắt may, nghệ thuật, học vẽ và trưng bày máy quay tơ để mọi người hiểu hơn" - chị Trang cho biết.
Khi làm ở bảo tàng, chị Trang tổ chức rất nhiều hoạt động như mang màu, than tre... từ Việt Nam sang hướng dẫn mọi người làm tranh Đông Hồ; mang máy quay tơ, khung cửi dệt lụa sang tặng cho bảo tàng; dạy dệt vải theo kỹ thuật truyền thống của người Việt Nam; nấu các món ăn Việt Nam khiến bạn bè xuýt xoa để "thấy Việt Nam hấp dẫn thế nào".
Chị còn làm nhiều chương trình cho các bảo tàng khác, các câu lạc bộ bạn bè quốc tế và đến giảng dạy về Việt Nam ở khoa văn hóa nghệ thuật của một trường đại học tại Tbilisi. Hình ảnh cô gái Việt duyên dáng với áo dài khiến mọi người quan tâm và đề nghị được vẽ chị với tà áo dài. Suốt 3 tháng trời, chị sắp xếp thời gian đến ngồi làm mẫu và không lấy tiền, chỉ lấy tranh "các bạn vẽ mình" làm kỷ niệm.
"Hơn 20 người vẽ mình từ nhiều góc và nhiều chất liệu khác nhau. Mình làm mẫu vì thấy rất vui, muốn biết hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong cảm nhận và qua nét cọ của các bạn nước ngoài sẽ như thế nào. Khi mình làm mẫu như vậy, nhiều người tò mò về Việt Nam rồi yêu tà áo dài Việt Nam và có ấn tượng rất tốt về Việt Nam" - chị Trang kể.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận