Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp (người tạo ra không gian Ơ kìa Hà Nội) trò chuyện với anh em sinh đôi 1977 Vlog - Ảnh: NGỌC DIỆP
1977 Vlog, virus lây qua đường cáp quang
Tối 8-12, cặp sinh đôi Nguyễn Trung Anh, Nguyễn Việt Anh đã có mặt tại không gian Ơ kìa Hà Nội (Đại học Mỹ thuật công nghiệp, Hà Nội) mà không có "cậu Vàng" em họ Nguyễn Văn Tân đi cùng.
1977 Vlog đang là hiện tượng mạng xã hội khi chuyển thể những tác phẩm văn học giai đoạn 1930 - 1945 thành phim kiểu Vợ chồng A Phủ, Chị Dậu, Làng Vũ Đại ngày ấy… nhưng dưới dạng hài hước, châm biếm.
Nhà văn Nam Cao có sống dậy chắc cũng không thể tưởng tượng đến ngày văn chương của mình lại bị "toang" thành hài kịch như cách 1977 Vlog đang làm.
1977 Vlog
Chính các cô giáo dạy văn cũng bị 1977 Vlog "đánh úp". Có cô đang dạy Lão Hạc thì bị học sinh nói "cô ơi, cô về nhà xem 1977 Vlog đi". 1977 Vlog chẳng khác nào virus lây qua đường cáp quang, mà hiện chưa có vắc-xin nào chống được.
Từ 18h30, dân chuyên văn, cô giáo đang dạy văn, cô giáo văn bỏ nghề đã ngồi sẵn ở Đại học Mỹ thuật công nghiệp đợi 1977 Vlog. Ai cũng biết 1977 Vlog được học sinh tung hô nhưng cảm nhận của thầy cô thì… chưa biết.
1977 Vlog có yêu văn không?
Đây là câu hỏi rất nhiều người muốn hỏi những kẻ phá văn cụ Nam Cao. Trung Anh (cá tính hài hước, nhanh nhảu) trả lời luôn: "Bởi vì mình rất yêu văn học". Việt Anh (hài hước, chín chắn) tủm tỉm cười: "Trung Anh giỏi rất nhiều thứ, trong đó có nói phét nên tin nó vừa vừa thôi".
Trong quá trình hỏi MC của Ơ kìa vô tình nói nhân vật chị Dậu trong tác phẩm của Nam Cao, Việt Anh giả vờ "hóc chữ" nhắc "của cụ Ngô Tất Tố chứ nhỉ". Giữa những câu nói bông đùa của hai anh em sinh đôi, vẫn có những thông tin mà khán giả nghĩ là họ nói thật.
Trung Anh (trái) hài hước, nhanh nhảu, còn Việt Anh hài hước và điềm đạm - Ảnh: NGỌC DIỆP
"Bọn mình chọn giai đoạn văn học 1930 - 1945 vì bọn mình nghèo. Bọn mình từng bị ám ảnh với kiếp sống mòn của anh giáo Thứ. Đã có lúc bọn mình ngửa cổ lên giời tự hỏi không biết mình đang làm cái gì".
Cặp sinh đôi này đã từng thi vào Đại học Sân khấu và điện ảnh và trượt. Thất bại đó đã để lại trong lòng cả hai một vết sẹo. Những thất bại tiếp sau đó khiến họ cảm thấy chùn bước. Cả hai đã làm đủ nghề, nhưng không ai cảm thấy hạnh phúc, trong họ vẫn tồn tại cảm giác anh giáo Thứ.
Cho đến khi họ thấy cư dân mạng bỗng dưng "sốt" vì một bộ phim cũ, họ đã nảy ra ý tưởng làm clip theo phong cách điện ảnh thời làm phim nhựa. "Cả hai đứa đều nghĩ mình sắp 30 rồi, còn cơ hội nào sống lần nữa không. Thôi bỏ nỗi sợ cũ đi, thế là 1977 Vlog ra đời", Việt Anh kể.
Cuộc chất vấn của các thầy cô
Có một câu hỏi lớn mà hẳn nhiều thầy cô sẽ đặt ra: cho học sinh xem 1977 Vlog liệu có ảnh hưởng gì đến việc học văn của các con không? Câu hỏi này khó có thể trả lời ngay, vì để trả lời cần phải có khảo sát, thống kê đàng hoàng.
Chỉ biết trong bối cảnh việc học văn - dạy văn đang trở nên quá chán ngán như hiện nay, 1977 Vlog xuất hiện như một kẻ phá bĩnh vui vẻ, khiến cho những nhân vật văn học tưởng như đã rất nhàm chán trên trang sách như lão Hạc, chị Dậu, Chí Phèo, Thị Nở bỗng nhiên "hot" một cách không thể kiểm soát.
Cô giáo Nguyễn Thị Yến đến cuộc giao lưu với 1977 Vlog vì con trai nài nỉ - Ảnh: NGỌC DIỆP
Trong cuộc gặp gỡ tại Ơ kìa Hà Nội (Đại học Mỹ thuật công nghiệp), có ít nhất 5 cô giáo văn đã đặt câu hỏi cho 1977 Vlog. Hầu hết các cô đều phải xem 1977 Vlog vì tự dưng thấy học sinh quan tâm bất thường tới các tác phẩm của Nam Cao và dùng những cụm từ cực kỳ buồn cười.
Cho đến giờ, khó ai có thể nói 1977 Vlog lợi hay hại. Bản thân nhóm này ý thức được fan của họ đang mở rộng nên có hứa sẽ hạn chế những từ tục trong các Vlog, và hứa đụng đến tác phẩm văn học nào sẽ vẫn cố gắng giữ được tinh thần của tác phẩm đó.
Cô giáo Tâm An vì học trò mà tìm hiểu về 1977 Vlog - Ảnh: NGỌC DIỆP
Cuộc trò chuyện với 1977 Vlog kéo dài suốt 3 tiếng tiếng đồng hồ, kết thúc là màn xin chữ ký kéo dài tới gần 23h cho thấy họ "hot" thế nào.
Sau buổi trò chuyện, có cô giáo đã nói với tôi: "Chị biết không, tôi đang dạy học sinh lớp 9. Tôi không chỉ kiệt sức để dạy chúng vượt qua các kỳ thi, mà còn kiệt sức vì nghĩ không biết những gì tôi dạy có thể giúp ích cho chúng sau này".
Cô giáo này là một trong những cô giáo dạy văn đến gặp 1977 Vlog để biết học sinh mình đang thích gì, và bản thân cô cũng cần tìm nguồn cảm hứng mới.
Trung Anh, Việt Anh ngay lập tức ngồi ngay ngắn khi biết có cô giáo văn hỏi - Ảnh: NGỌC DIỆP
Biểu cảm của cặp sinh đôi khi đối mặt với những câu hỏi khó - Ảnh: NGỌC DIỆP
Khán giả đến đầy chật sân và ở lại đến tận 23h xin chữ ký 1977 Vlog - Ảnh: NGỌC DIỆP
Cô giáo Tâm An (Trường THPT Ngô Sĩ Liên): Khi dạy Lão Hạc học sinh bảo cô về xem 1977 Vlog đi tôi mới biết đến 1977 Vlog. Nhờ các bạn mà học sinh của tôi đã đọc thêm nhiều truyện ngắn của Nam Cao, xem cả phim Làng Vũ Đại ngày ấy, Cánh đồng hoang, bản thân tôi cũng cởi mở hơn.
Cô giáo Nguyễn Thị Yến (THPT Văn Hiến): Mới đây tôi đã gọi các học sinh "lại đây, để Mị bảo cho mà nghe", các em "á à cô cũng biết Mị à". Sau đó cô trò châu đầu vào xem Vlog. Cô hiệu trưởng đi qua đăm chiêu lắm cũng ngó vào xem Vlog rồi nhận xét "ơ mấy cậu này là ai mà giỏi thế nhỉ".
Phụ huynh Bình Phương (sinh năm 1977): Tôi biết 1977 Vlog nhờ hai con của tôi. Tôi thấy các bạn làm clip rất vui. Còn việc học văn bây giờ khó có thể trách các con. Muốn con học tốt văn thì bố mẹ, thầy cô phải là người thay đổi trước. Học văn mà coi như nhiệm vụ thì còn gì vui nữa, giống như việc cha mẹ ép con ăn rất ngớ ngẩn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận