Hiện nay tỉ lệ quảng cáo trên xe buýt vẫn còn khá thấp - Ảnh một xe buýt có hình ảnh quảng cáo bên ngoài - Ảnh: QUANG KHẢI
Thông tin từ Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản TP.HCM cho biết đến sáng 7-3, vẫn chưa có đơn vị, cá nhân nào gửi hồ sơ tham gia đấu thầu quảng cáo trên xe buýt. Vì vậy kế hoạch tổ chức đấu giá ngày 8-3 gần như không thực hiện được.
Hiện Trung tâm quản lý giao thông công cộng đã có văn bản đề nghị gia hạn thời gian nhận hồ sơ tham gia đấu giá đến ngày 12-3. Nhưng khả năng đấu giá lần thứ 4 này cũng sẽ thất bại mặc dù quy định đấu thầu lần này "mềm dẻo" hơn.
Theo Trung tâm quản lý giao thông công cộng - Sở Giao thông vận tải TP.HCM, lần đấu giá thứ 4 quảng cáo trên thân xe buýt được chia nhỏ 11 gói thầu của 1570 xe buýt. Trong đó, gói thấp nhất gồm 5 tuyến và cao nhất là 8 tuyến.
Các đơn vị tham gia đấu giá cũng có thể chọn thời gian thuê quảng cáo là 1 năm, 2 năm hoặc 3 năm (những lần trước áp dụng 3 năm).
Cũng theo quy trình, các doanh nghiệp tham gia đấu giá chỉ đặt trước tiền mặt tương ứng với thời gian thuê, thấp nhất là 5% so với giá khởi điểm của gói đấu giá trong thời gian thuê 3 năm, 7% của thời gian thuê 2 năm và 10% nếu thuê 1 năm.
Trường hợp trúng đấu giá, khoản tiền đặt trước sẽ chuyển thành phí đặt cọc để bảo đảm thực hiện hợp đồng. Đơn vị trúng thầu sẽ được quảng cáo trên 50% diện tích bề mặt của thân xe buýt, kể cả phần cửa, kính xe…
Tuy nhiên hiện chưa có đơn vị, cá nhân nào gửi hồ sơ tham gia đấu giá.
Nhiều xe buýt chưa được quảng cáo - Ảnh: QUANG KHẢI
Một cán bộ Trung tâm quản lý giao thông công cộng TP cho biết nếu quá thời gian gia hạn (ngày 12-3) vẫn không có đơn vị tham gia đấu thầu, đơn vị này sẽ không tổ chức đấu thầu quảng cáo trên xe buýt nữa.
Thay vào đó, Trung tâm quản lý giao thông công cộng sẽ báo cáo và đề xuất Sở Giao thông vận tải giao lại cho các doanh nghiệp vận tải chủ động trong việc cho thuê quảng cáo trên thân xe. Hướng trước đó đã được phó chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến đồng ý.
Nhiều năm liền ngành giao thông đặt ra vấn đề quảng cáo trên xe buýt có thể thu về hàng trăm tỉ đồng giúp giảm ngân sách trợ giá (mỗi năm trên 1.000 tỉ đồng - PV) nhưng không được cơ quan thẩm quyền cho phép.
Đến đầu năm 2017, việc quảng cáo trên xe buýt mới được "bật đèn xanh", trong năm này có một công ty quảng cáo Nhật trúng thầu quảng cáo trên 492 xe buýt với chi phí 162 tỉ đồng trong ba năm.
Còn hơn 1570 xe buýt còn lại sau nhiều lần đấu giá (dự kiến thu về 177 tỉ đồng/năm) vẫn không có đơn vị nào tham gia.
Nguyên nhân được cho thị phần quảng cáo trên xe buýt không còn thu hút như trước và giá quảng cáo trên xe buýt khá cao.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận