Nhân dịp này, Đại sứ Thụy Điển Ann Måwe và Điều phối viên thường trú của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam Pauline Tamesis gửi Tuổi Trẻ bài viết để truyền thông điệp thúc đẩy chấm dứt bạo lực giới.
Câu chuyện ở Việt Nam
Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em là vấn nạn lớn toàn cầu, thường diễn ra một cách thầm lặng. Trên khắp thế giới, có một trong ba phụ nữ từng trải qua bạo lực ít nhất một lần trong đời.
Mỗi giờ có hơn 5 phụ nữ hoặc trẻ em bị giết do chính một thành viên trong gia đình của mình. Một trong năm phụ nữ từ 20 - 24 tuổi đã kết hôn trước khi tròn 18 tuổi.
Ở Việt Nam, hơn 72% trẻ em trong độ tuổi từ 10 đến 14 đã trải qua hình phạt bạo lực. Trong số đó, có 39% trẻ em đã bị bạo lực tinh thần, 47% bị lạm dụng về thể chất, 20% bị lạm dụng tình dục và 29% bị bỏ bê.
Gần hai phần ba phụ nữ đã kết hôn đã từng trải qua một hoặc nhiều hình thức bạo lực bao gồm bạo lực về thể chất, tình dục, tinh thần và kinh tế cũng như hành vi kiểm soát từ chồng trong suốt cuộc đời, và gần 32% đã trải qua những hoàn cảnh như vậy trong 12 tháng gần đây.
Một trong những phụ nữ này là Mỹ Hà. "Chồng tôi đã đe dọa sẽ cắt cổ tôi nếu tôi dám đưa con cái ra khỏi nhà" - Mỹ Hà chia sẻ cô đã phải sống trong một cuộc hôn nhân bạo lực kéo dài trong 5 năm, nhưng cuối cùng cô đã tìm cách thoát khỏi tình huống đó, mang theo hai con và bắt đầu cuộc sống mới.
Câu chuyện của Mỹ Hà là một câu chuyện về sự gan dạ và quyết tâm. Đồng thời, đó cũng là một câu chuyện về một xã hội chưa bày tỏ rõ quan điểm chống lại những kẻ gây ra bạo lực giới.
Nhiều người thân trong gia đình Mỹ Hà cũng như họ hàng và chính quyền địa phương đều cố gắng níu kéo gia đình của cô, mặc dù cô phải luôn đối mặt với những hình phạt bạo lực đáng sợ.
Nhìn vào tương lai, chúng ta cần nhận thức những nguy cơ tiềm ẩn. Chúng ta nhận thấy rằng có những rủi ro có thể làm gia tăng tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Thiên tai, biến đổi khí hậu và các cuộc xung đột làm tăng thêm tỉ lệ bạo lực giới.
Trong trường hợp của Việt Nam, một trong những quốc gia đối mặt với những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, những mối đe dọa này cần được xem xét một cách nghiêm túc và phải được ngăn chặn để bảo vệ sự phát triển của con người.
Đầu tư trong phòng ngừa là rất hiệu quả. Tuy nhiên, việc đầu tư đúng mức vào phòng ngừa vẫn còn hạn chế trên thế giới.
Quay trở lại Việt Nam, chúng tôi thấy đất nước bạn đã tổ chức Tháng hành động quốc gia để chấm dứt mọi hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, bao gồm bạo lực tình dục. Đây là thời điểm chúng ta cùng nhau đoàn kết đảm bảo rằng những đau khổ mà như Mỹ Hà đã trải qua sẽ không bao giờ tái diễn.
Gây thiệt hại 1,8% GDP Việt Nam
Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em có những tác động đa tầng vượt xa sự đau khổ cá nhân gây ra cho những người bị bạo lực.
Ước tính cho thấy bạo lực đối với phụ nữ gây thiệt hại cho khoảng 1,8% GDP hằng năm của Việt Nam, bao gồm các chi phí chăm sóc sức khỏe, dịch vụ pháp lý, mất nguồn thu nhập, cả sự giảm năng suất làm việc và nghỉ làm. Hơn nữa, ước tính rằng phụ nữ bị bạo lực kiếm ít hơn 35% so với phụ nữ không bị bạo lực.
Bạo lực đối với trẻ em ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, nhận thức và tâm lý của các em và có thể gây ra hậu quả suốt đời.
Do đó, đầu tư vào phòng ngừa bạo lực cũng là một yếu tố không thể thiếu trong những hoạch định của Việt Nam để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao vào năm 2045, và chúng ta chỉ còn rất ít thời gian để làm điều đó.
Việt Nam đã thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc chống lại bạo lực gia đình. Ví dụ, vào năm 2022 Luật Phòng chống bạo lực gia đình đã được sửa đổi nhằm đơn giản hóa quy trình và tập trung vào việc bảo vệ người bị bạo lực.
Sửa đổi luật đã xác định rõ trách nhiệm của Chính phủ trong việc phân bổ nguồn lực để ngăn chặn bạo lực gia đình và đảm bảo phản ứng hiệu quả đối với những phụ nữ đã trải qua bạo hành như Mỹ Hà trong gia đình.
Phòng ngừa bạo lực có thể qua nhiều hình thức và chúng ta có thể đóng góp vào việc xây dựng xã hội không bạo lực giới. Như một phần của cộng đồng quốc tế, việc nâng cao tiêu chuẩn là rất quan trọng, bởi vì chỉ có ít hơn 0,002% nguồn viện trợ phát triển chính thức trên toàn cầu được dành cho phòng ngừa bạo lực dựa trên giới.
Chấm dứt mọi hình thức bạo lực dựa trên giới vào năm 2030 là một trong các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) - được các chính phủ trên thế giới thống nhất - và rất quan trọng để đạt được tất cả các SDG khác.
Tuy nhiên, đến nay tiến trình vẫn chưa đạt được kế hoạch và còn nhiều công việc phải được thực hiện để đảm bảo chính sách phòng ngừa có tính chất biến đổi và đầy đủ nguồn lực tại cấp quốc gia.
Chúng ta cần có thêm đối tác để tăng cường nguồn lực cần thiết và khả năng đáp ứng của toàn xã hội.
Một môi trường thuận lợi cho phòng ngừa đòi hỏi sự tham gia đầy đủ của các bên liên quan. Sự tham gia của nam giới là một phần tất yếu của giải pháp và khuyến khích sự thể hiện nam tính lành mạnh rất quan trọng.
Đầu tư vào học đường và giáo dục để nâng cao nhận thức từ cấp cơ sở là điều cần thiết. Các tổ chức phi chính phủ, đặc biệt là những tổ chức làm việc vì bình đẳng và tự do của phụ nữ và trẻ em, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự thay đổi xã hội và giải quyết quan hệ quyền lực không công bằng giới tính.
Đầu tư vào các dịch vụ công cộng cần thiết chất lượng cao, bao gồm cả sức khỏe sinh sản và tình dục, cũng như các sáng kiến về tăng cường kinh tế cho nạn nhân bạo lực, cũng là một yếu tố không thể thiếu trong bức tranh này. Những dịch vụ này cần phải có sẵn, dễ tiếp cận và đảm bảo an toàn.
Hãy hợp lực vì một hành tinh tốt đẹp và công bằng cho con cháu chúng ta và những thế hệ tiếp theo. Chúng tôi chúc bạn thành công tham gia chiến dịch ý nghĩa 16 ngày hành động.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận