Ông Phạm Văn Tài - Tổng giám đốc Tập đoàn Thaco Trường Hải
Tuổi Trẻ đã có cuộc trò chuyện với ông Phạm Văn Tài - Tổng giám đốc Tập đoàn Thaco Trường Hải, xung quanh việc lần đầu xuất khẩu thành công xe bus sang thị trường Philippines góp phần vẽ lại bản đồ ô tô Việt.
* Thưa ông, từ bao giờ Thaco nghĩ đến chiến lược xuất khẩu, có phải là khi thị trường trong nước có sự cạnh tranh khốc liệt?
Từ khi đặt chân đầu tư vào Chu Lai năm 2003, chúng tôi đã tính toán tới chuyện phải tìm được đầu ra Đông Nam Á một khi thuế suất nhập về 0%. Phải xuất khẩu ra thị trường 600 triệu dân này chứ không thể quanh quẩn trong nước được. Từ ngày đó, Thaco đã thấy rằng muốn làm được vậy thì không những chỉ phát triển công nghiệp ô tô mà còn phải làm cả công nghiệp phụ trợ, tức sản xuất linh kiện phụ tùng và gia tăng tỷ lệ nội địa hóa.
Con đường đó phải đi rất dài, để lắp ráp với các sản phẩm ngoại nhập mà tiêu chuẩn phải tương đương nhau (tức tiêu chuẩn quốc tế).
Chúng tôi xin khẳng định là từ năm 2003 đã nghĩ đến xuất khẩu rồi. Bởi quy mô, sản lượng trong công nghiệp ô tô đòi hỏi phải sản xuất ra số lượng rất lớn thì mới có nhiều lợi nhuận. Với thị trường trong nước thì khó lòng để chúng tôi đầu tư nội địa hóa. Muốn nội địa hóa thì cần phải làm sản lượng lớn, còn ô tô thì cần phải có đầu ra trước. Nguyên lý sản xuất kinh doanh ngành này là vậy.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh (áo vest trắng) cùng Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương (thứ ba từ trái qua) tham quan các phân xưởng sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô xuất khẩu. Ảnh: Bá Dũng
* Vậy thì thời điểm nào Thaco quyết định chuyển hướng kinh doanh, tập trung đầu tư cho các dòng xe xuất khẩu?
Qua thời gian, chúng tôi từng bước tăng tỷ lệ nội địa hóa. Đến năm 2015, Thaco đã khảo sát thị trường các nước Đông Nam Á. 15 chiếc xe đầu tiên qua Philippines không phải là chuyện của ngày hôm qua mà cách đây 2 năm chúng tôi đã đàm phán giao dịch với họ. Chúng tôi phải làm 2 chiếc xe mẫu xuất qua cho họ vào 5-2019, 6 tháng sau thì họ mới đặt hàng sau khi đã chạy thử, mang đến sự hài lòng cho khách hàng.
* Khi đi "chinh phục" thị trường vốn đã được nhiều hãng xe lớn khai thác, Thaco gặp những khó khăn gì?
Có một điều khá khôi hài khi khách hàng Philippines chạy xe của chúng tôi nhưng lại không tin đó là xe sản xuất tại Việt Nam, nên họ cử nhiều đoàn sang nhà máy của chúng tôi tham quan để tận mắt chứng kiến những dây chuyền sản xuất hiện đại. Nhà máy Thaco Bus có dây chuyền thiết bị tự động, đặc biệt là dây chuyền sơn tĩnh điện có thể nhúng được xe với body có chiều dài đến 13,7 mét hiện đại nhất Đông Nam Á. Vì sao tôi nhắc đến dây chuyền này, bởi 13,7 mét là tiêu chuẩn của quốc tế, còn VN chỉ có 12m. Chúng tôi đã đầu tư trước để đón đầu vì từ lâu chúng tôi đã nghĩ đến việc phải tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Dẫu cho chỉ xuất khẩu linh kiện, phụ tùng hay xe ô tô thành phẩm. Trong năm qua, 186 xe của Thaco cùng 14,5 triệu USD phụ tùng là thành quả của chinh phục quốc tế.
Chuyền hàn khung xương Bus lớn tại nhà máy Thaco - Chu Lai (Quảng Nam)
* Để tiếp tục tăng sức cạnh tranh, thời gian tới Thaco sẽ đưa ra những chiến lược gì?
Chúng tôi đầu tư nâng cấp liên tục các nhà máy theo hướng tự động hóa, tức hạn chế phụ thuộc vào con người để đảm bảo chất lượng. Quản trị theo hướng số hóa, sản xuất theo nhu cầu riêng biệt của khách hàng một cách nhanh nhất. 2 yếu tố này chính là tinh thần của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mà Thaco đã làm.
Trên thực tế, có những nhà máy sản xuất ô tô của chúng tôi đã đạt tiêu chuẩn quốc tế. Ví dụ như nhà máy Mazda, họ có mang sản phẩm lắp ráp từ nhà máy ở Hiroshima (Nhật Bản) sang so sánh thì thấy rằng chất lượng tương đồng. Hay như Philippines lâu nay chỉ nhận xe đến từ Châu Âu, Nhật Bản thì nay họ đã chấp nhận xe bus của chúng tôi.
Thaco cũng đầu từ nghiên cứu và thiết kế sản phẩm với hơn 600 kỹ sư chỉ làm công việc thiết kế theo yêu cầu của khách hàng.
* Ngành sản xuất ô tô của chúng ta còn ít tên tuổi, Thaco đã làm gì để gầy dựng lòng tin khi đưa sản phẩm đi giới thiệu?
Họ không tin chúng ta làm được nên mời họ qua để giới thiệu. Thứ hai là mang sản phẩm qua để họ test thì chúng ta không thua kém. Thứ ba là vượt qua đăng ký đăng kiểm ở các quốc gia sở tại.
Chúng tôi xuất khẩu theo yêu cầu của khách hàng, trong ngoài nước đặt loại xe gì chúng tôi cũng làm được. Từ xe bus, tải, con, xe chuyên dụng chúng tôi đều làm được.
Chúng tôi đã bỏ ra sự đầu tư lớn thì phải sản xuất với số lượng lớn để giảm giá thành và cạnh tranh hiệu quả. Năm 2019 là bước đệm bởi chúng tôi tập trung vào quảng bá giới thiệu để chuẩn bị cho cuộc "đổ bộ" ra nước ngoài vào năm 2020.
Ông Đặng Phong - Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Quảng Nam:
Hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp ôtô
Ngay từ năm 2018, tỉnh đã thống nhất chủ trương để Thaco triển khai dự án "Khu công nghiệp cơ khí ô tô Chu Lai Trường Hải mở rộng" diện tích khoảng 68,2ha. Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để mở rộng sản xuất và tiến tới xuất khẩu ô tô. Tỉnh cũng đã đồng ý về chủ trương, cho Thaco làm chủ đầu tư dự án "Khu nhà ở công nhân và tái định cư" để phục vụ chỗ ở cho công nhân của Thaco.
Về lâu dài, tỉnh sẽ triển khai xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng để phục vụ phát triển kinh tế công nghiệp - dịch vụ và phục vụ cho xuất nhập khẩu. Theo đó, đến năm 2025 nâng cấp sân bay Chu Lai trở thành cảng hàng không quốc tế và là trung tâm trung chuyển, vận tải hàng hóa lớn nhất cả nước. Để hỗ trợ hiệu quả cho các đơn vị tham gia đầu tư vào Khu phức hợp Chu Lai và cũng để hỗ trợ phát triển chung cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, bên cạnh những ưu đãi hấp dẫn về đầu tư, đất đầu tư và thuế suất từ phía Chính phủ; tỉnh sẽ hỗ trợ về thủ tục đầu tư, nguồn nhân lực và quảng bá hình ảnh cho tất cả các doanh nghiệp đầu tư vào khu phức hợp, nhất là đối với công nghiệp hỗ trợ ô tô.
LÊ TRUNG ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận