Cơ sở của tỉ lệ nêu trên, theo bác sĩ Thắng xuất phát từ những điều tra dịch tễ cắt ngang về tần suất các loại bệnh tâm thần thường gặp trong dân chúng tại TP cho thấy có đến 16% dân số có thể có vấn đề về sức khỏe tâm thần.
Trong số này, có môt số loại bệnh thường diễn tiến mãn tính như tâm thần phân liệt 0,3% - 1%, động kinh 0,5%, trầm cảm 6%, rối loạn lo âu 7%, nghiện hoặc lạm dụng rượu 5%. Đặc biệt là nhóm loạn thần liên quan tới chất kích thích ngày càng tăng cao ở người trẻ.
Theo bác sĩ, hiện bệnh viện đang quản lý 10.000 bệnh nhân tâm thần phân liệt, 8.000 bệnh nhân động kinh. Trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận khám bệnh ngoại trú, trị liệu tâm lý, khám giám định 800 lượt/ngày, tăng 10-15% mỗi năm.
Thực tế là vậy, tuy nhiên theo bác sĩ Thắng về nguồn nhân lực và cơ sở vật chất đều chưa đáp ứng nhu cầu. Ngoài ra, thu nhập thấp cũng khiến việc tuyển dụng nhân viên, bác sĩ gặp nhiều khó khăn.
Nhiều bác sĩ Trung tâm cấp cứu 115 'ra đi'
Chiều cùng ngày, bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Duy Long – giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 (TP.HCM) cũng đã báo cáo với đoàn giám sát Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP hiện nhân lực của Trung tâm có 140 người.
Trong năm 2018, đơn vị tuyển dụng 14 người nhưng có đến 23 người nghỉ việc, trong đó có tới 6 bác sĩ. Đa phần nguồn nhân lực hiện tại còn trẻ, thiếu và chưa có kinh nghiệm về chuyên môn, quản lý.
PGS.TS Tăng Chí Thượng – Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM phát biểu tại buổi giám sát ở Trung tâm cấp cứu 115 chiều 10 - 4 - Ảnh: HOÀNG LỘC
Lý giải việc nhiều người xin nghỉ, bác sĩ Long nói có nhiều nguyên nhân như một thời gian dài đơn vị thiếu vị trí giám đốc, các bác sĩ làm việc tại bệnh viện được cấp chứng chỉ hành nghề trong khi ở Trung tâm không được cấp, thời gian trực 24/24, do đó với một bác sĩ được đào tạo bài bản vào đơn vị làm việc hơi…phí phạm.
Đặc biệt, mức lương, chế độ đại ngộ thấp và cơ hội phát triển không cao… cũng là lý do khiến nhiều bác sĩ ra đi.
Theo bác sĩ Long, hiện nay nhu cầu cấp cứu của người dân rất lớn và thực tế đơn vị vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu vận chuyển, cấp cứu người bệnh.
Trong năm 2017 Trung tâm nhận được gần 21.000 cuộc gọi (trong đó có khoảng 200 cuộc gọi quậy phá/tháng), tiến hành xuất gần 15.000 lượt xe với trên 12.000 bệnh nhân.
"Trong nhiều cuộc gọi yêu cầu hỗ trợ xe chúng tôi phải từ chối khá nhiều trường hợp vì người dân muốn thuê xe cấp cứu chở người nhà đi bệnh viện.
Đặc biệt, có khoảng 30% số người gọi yêu cầu cấp cứu nhưng khi xe đến họ đã đi phương tiện khác. Đây là lý do khiến các trạm vệ tinh tốn tiền xăng gây thất thu lớn"., bác sĩ Long nói.
PGS.TS Tăng Chí Thượng – Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM khẳng định để đáp ứng nhu cầu chăm sóc người bệnh Trung tâm phải được đầu tư quy mô, hiện đại hơn nữa.
Ông yêu cầu Trung tâm với tư cách là chủ đầu tư phối hợp với các ban ngành triển khai xây dựng trung tâm điều hành thông minh, thí điểm hệ thống Paramedic (cấp cứu ngoại viện)…nhằm giải quyết tình trạng quá tải, đáp ứng nhu cầu của người bệnh.
Bên cạnh đó, phải có kế hoạch cụ thể trong đầu tư trang thiết bị, tạo cơ chế thuận lợi để giữ chân đội ngũ bác sĩ.
Phát biểu tại buổi giám sát, bà Thi Thị Tuyết Nhung – Trưởng ban Văn hóa – Xã hội (HĐND TP) đồng tình với các đề xuất của Trung tâm, đồng thời yêu cầu đơn vị phải quảng bá hình ảnh, chức năng nhiệm vụ của đơn vị nhiều hơn nữa đến người dân, từ đó đo lường sự tín nhiệm của người dân.
Đặc biệt, để giảm tải, chồng chéo không chỉ gầy dựng vệ tinh ở 24 quận, huyện mà phải mở rộng ra cả ngoại viện. Bà Nhung cũng yêu cầu Sở Y tế làm việc với các bộ, ngành liên quan sớm có mã ngành đào tạo riêng bác sĩ cấp cứu để đáp ứng nhu cầu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận