Ông Vũ Xuân Thành, phó tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn - Ảnh: T.T
Ông Vũ Xuân Thành, phó tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn - khẳng định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ về việc xử lý sạt lở tại Đồng bằng sông Cửu Long.
* Những giải pháp nào để hạn chế tình trạng sạt lở ở ĐBSCL, thưa ông?
- Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã giới thiệu bản đồ sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển vùng ĐBCSL.
Theo đó, các địa phương và cơ quan chức năng xây dựng bản đồ sạt lở, tiến hành cập nhật dữ liệu các vị trí, hình ảnh và video tại các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm lên bản đồ trực tuyến (WEBGIS).
Từ bản đồ này sẽ hỗ trợ các nhà quản lý, chính quyền địa phương và người dân tiếp cận trực tuyến một cách nhanh chóng, chi tiết các vị trí, hình ảnh và video tại các khu vực sạt lở nhằm từng bước kiểm soát diễn biến sạt lở, nâng cao năng lực ứng phó, chủ động phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại phòng chống sạt lở.
Một số giải pháp để hạn chế tình trạng sạt lở như xây dựng công trình kè và đê mềm chống sạt lở tại các khu vực sạt lở xung yếu ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn dân cư, cơ sở hạ tầng. Bố trí, sắp xếp di dời dân ra khỏi bờ sông, những nơi có nguy cơ cao về sạt lở.
Các địa phương cần tập trung xử lý một số vấn đề xã hội bức xúc hiện nay như: khai thác cát dưới sông, không quy hoạch, cấp phép khai thác cát quá mức. Đặc biệt, về công tác quản lý vùng bờ theo hình thức xã hội hóa, gắn với trách nhiệm trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng ven biển...
Tình hình sạt lở ở ĐBSCL diễn biến ngày càng nghiêm trọng do tác động của biến đổi khí hậu, phát triển cơ sở hạ tầng, gia tăng dân số...
Ông Vũ Xuân Thành
* Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý hỗ trợ 1.500 tỉ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2018 cho các địa phương vùng ĐBSCL để xử lý các khu vực sạt lở cấp bách ảnh hưởng trực tiếp đến khu dân cư tập trung, công trình hạ tầng thiết yếu. Nguồn vốn này được sử dụng như thế nào?
- Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trước mắt với các điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm cần được bổ sung ngân sách để hỗ trợ các địa phương vùng xử lý, khắc phục kịp thời theo cơ chế phòng chống thiên tai, phải bảo đảm an toàn tính mạng, giữ đất, giữ người, không để tình trạng "mất bò mới lo làm chuồng".
Khó khăn nan giải nhất hiện nay là chúng ta không phải đối phó với thiên tai bình thường mà là thiên tai bất thường, vượt tần suất. Các bộ, ngành và địa phương sẽ rà soát, đánh giá, phân loại sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển vùng ĐBSCL làm cơ sở đề xuất giải pháp xử lý trước mắt và lâu dài.
Trước mắt, tập trung xử lý các khu vực sạt lở cấp bách ảnh hưởng trực tiếp đến khu dân cư đông đúc, công trình hạ tầng thiết yếu, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu trong đó có bản đồ sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển vùng ĐBSCL.
Từ nguồn vốn 1.500 tỉ đồng, Bộ NN&PTNT sẽ chủ trì, tổng hợp, đề xuất danh mục dự án cần xử lý cấp bách, mức hỗ trợ cụ thể cho từng địa phương. Sau đó, các địa phương chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng số kinh phí được hỗ trợ đúng mục đích để xử lý sạt lở; đảm bảo xử lý nhanh, kịp thời, không để tiếp tục xảy ra sạt lở ở những khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm.
Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh (nguyên cán bộ Văn phòng công tác biến đổi khí hậu Cần Thơ): "Bốc thuốc" để "trị đúng bệnh"
Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh
Sạt lở ở ĐBSCL có nguyên nhân chung như do chế độ nước thay đổi, quy luật bồi lấp đồng bằng (nước và phù sa từ thượng nguồn đổ ra biển, bồi đắp đồng bằng) đã bị đảo ngược (nước biển dâng xâm nhập vào đất liền, phù sa giảm do đập thủy điện xây ở thượng nguồn) cũng như tình trạng sụt lún của toàn vùng...
Điều quan trọng trước tiên là cơ quan quản lý phải đi tìm nguyên nhân nhằm "bốc thuốc" để "trị đúng bệnh".
Muốn vậy phải có một nghiên cứu tổng quan và thiết kế hệ thống trị thủy cho toàn vùng ĐBSCL để biết được nguyên nhân sạt lở từng chỗ là gì, nguy cơ thế nào, cần làm công trình gì phù hợp và quan trọng hơn là để những công trình này cùng liên kết, phát huy hiệu quả.
Bởi thực tế thời gian qua làm theo kiểu tùy hứng, rời rạc, không nghiên cứu hệ thống đã khiến nhiều công trình chỉ vá víu, không phát huy hiệu quả.
TS Dương Văn Ni (Khoa môi trường và tài nguyên thiên nhiên Đại học Cần Thơ): Cần xây dựng bản đồ nguy cơ sạt lở
TS Dương Văn Ni
Điều quan trọng mà cơ quan chức năng cần làm là khảo sát, xây dựng lại bản đồ nguy cơ xảy ra sạt lở cho ĐBSCL, còn việc đã xảy ra sạt lở rồi đi thống kê thì không mang nhiều ý nghĩa.
Việc khảo sát, đánh giá này cần thông qua kênh ngoại giao để làm chi tiết từ thượng nguồn đến ĐBSCL, bởi nếu làm tại chỗ thì cũng chỉ dừng lại ở chỗ mô tả hiện trạng đã xảy ra.
Cả cơ quan quản lý và người dân nên hiểu là hiện nay việc sạt lở rất bất thường, có thể xảy ra bất cứ lúc nào chứ không an toàn hoặc xảy ra theo quy luật như trước đây nữa và cũng không có biện pháp nào hữu hiệu chống sạt lở cho cả vùng ĐBSCL, bởi cái gốc vấn đề là vùng đã bị mất cân bằng phù sa.
Giải pháp căn cơ, lâu dài là Nhà nước cần có chương trình cho người dân sinh sống ven sông, ven biển đi học nghề, đào tạo nguồn nhân lực để họ di tản đến chỗ khác nhưng vẫn đảm bảo sinh kế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận