01/05/2017 13:45 GMT+7

150 ngày cuối của đồng bạc Trần Hưng Đạo

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TTO - Sau tháng 4-1975, những người lính tập kết trở lại miền Nam bỡ ngỡ cầm tờ bạc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam Cộng hòa cũ vẫn còn được phép lưu hành.

Nhiều người chưa biết mua bán như thế nào vì giá trị của nó khác với đồng tiền miền Bắc.

Ngân hàng Quốc gia VNCH - Ảnh: tư liệu
Ngân hàng Quốc gia VNCH - Ảnh: tư liệu

“Hằng ngày, chưa đến giờ làm việc đã có hàng ngàn khách xếp hàng ở ngay cửa. Toàn cơ quan tập trung phục vụ công tác đổi tiền. Anh chị em tự vệ được huy động giữ gìn trật tự, phát phiếu và hướng dẫn khách đổi. Mỗi bàn đổi tiền có trưởng bàn để kiểm soát giấy tờ, một kế toán, hai thủ quỹ. Anh chị em làm việc suốt ngày, không có cả thời gian để nghỉ trưa

Ông PHAN THÚC DƯƠNG (nguyên trưởng phòng quỹ Vietcombank)

“Tôi nhớ hồi ấy có anh em Hà Nội vào hỏi: Giải phóng rồi, sao trung ương không “giải phóng” luôn đồng tiền chế độ cũ? Tôi cười, trả lời đồng bạc xanh đỏ thì có tội tình gì mà giải phóng? Miễn sao người dân quen sử dụng, họp được chợ búa, làm ăn tiện lợi là tốt rồi” - thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, cựu trưởng đoàn đại biểu quân sự Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ở trại Davis, nói.

Những ngày cuối của đồng bạc Sài Gòn

Thật sự, nhiều người không thể biết được vì sao tờ bạc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam cộng hòa vẫn “sống” tiếp 150 ngày sau 30-4-1975?

Theo thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, ngay cuối tháng 3-1975 miền Bắc đã có những kế hoạch quản lý miền Nam thời hậu chiến. Rất nhiều ý kiến được đặt ra, trong đó có cả ý kiến nên đổi ngay tiền của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam cộng hòa sang tờ bạc giải phóng của cách mạng miền Nam hay tiền miền Bắc.

Tuy nhiên, quyết định cuối cùng là cần phải có một thời gian để tránh xáo trộn trong đời sống người dân và tiếp tục vận hành nền kinh tế của chính quyền Sài Gòn để lại.

Đặc biệt, nếu có đổi tiền ngay thì việc in ấn, phát hành tiền mới cũng không thể chuẩn bị kịp với thời gian quá gấp rút, trong khi nhu cầu sử dụng tiền của người dân miền Nam rất lớn. Do đó, đồng tiền chế độ cũ tiếp tục được lưu hành.

Theo ông Huỳnh Bửu Sơn - viên chức Ngân hàng Quốc gia cũ, lượng tiền dự trữ còn rất nhiều vì chính quyền Sài Gòn đang chuẩn bị phát hành thêm đợt tiền mới gồm các tờ 500 đồng và 1.000 đồng.

Chúng được đựng trong các thùng gỗ thông cất dưới tầng hầm ở tòa nhà số 17 Bến Chương Dương. Mỗi thùng gồm 50 triệu đồng, có niêm phong cẩn thận.

Ngoài ra, Ngân hàng Quốc gia cũ còn có một hầm dự trữ tiền khác ở đường Phan Đình Phùng (đường Nguyễn Đình Chiểu hiện nay) cất các loại tiền mệnh giá nhỏ hơn.

Trước đây, nguồn tiền này được in tại các công ty Mỹ như ABC (American Banknote Company), SBC (Security Banknote Company). Về sau, chúng được in tại công ty Anh Thomas Delarue.

Những tờ tiền Sài Gòn này được đánh giá rất đẹp, có kỹ thuật chống giả cao với cách in hình lộng, băng huỳnh quang, chấm huỳnh quang, in chồng hai mặt... Năm 1974, giai đoạn 1 của dự án xây dựng nhà máy in bạc tại Sài Gòn đã tạm hoàn tất.

Các máy móc, thiết bị in nhập từ Công ty Thomas Delarue đang được lắp đặt thì diễn ra bước ngoặt lịch sử tháng 4-1975. Dự án quốc gia chủ động in tiền riêng của Việt Nam cộng hòa bị ngưng hoàn toàn.

Sau ngày giải phóng, toàn bộ số tiền trong các kho quỹ của hệ thống ngân hàng Việt Nam cộng hòa được kiểm kê và tiếp tục cho lưu hành sử dụng.

Theo tài liệu Ngân hàng Nhà nước, trong toàn bộ 150 tỉ đồng thu được từ các kho quỹ ngân hàng miền Nam, Bộ Chính trị và Trung ương Cục miền Nam quyết định dành phần lớn đảm bảo nhu cầu chi tiêu của quân đội. 20 tỉ đồng mua lúa gạo ở ĐBSCL, 15 tỉ đồng chi viện cho khu 5 và Trị Thiên. Sài Gòn - Gia Định và các tỉnh, thành khác thì tự túc.

Một vấn đề khó khăn đối với quân đội và người miền Bắc vào Nam sau tháng 4-1975 là không có tiền Sài Gòn sử dụng trong khi nhu cầu này rất lớn. Tình trạng thiếu tiền mặt ngày càng trầm trọng.

Ngoài nhu cầu tăng đột biến, còn có lý do một số đơn vị quân đội, cơ quan nhà nước, xí nghiệp giữ chặt tiền mặt để đảm bảo chi tiêu riêng mặc dù Chính phủ cách mạng lâm thời có ban hành quy chế “quản lý tiền mặt và thanh toán không dùng tiền mặt”.

Ông Nguyễn Duy Lộ, nguyên phó tổng giám đốc Vietcombank, kể: “Thời điểm ấy chúng tôi được giao nhiệm vụ đổi tiền miền Bắc ra tiền Sài Gòn để người miền ngoài vào có tiền thanh toán. Để khắc phục tình trạng thiếu tiền mặt nghiêm trọng, các hạn mức đổi tiền được quy định rất nghiêm ngặt.

Tuy nhiên, nhiều cán bộ ngân hàng thông cảm anh em quân đội sau bao nhiêu năm xa cách, giờ trở về quê hương lại thiếu tiền tiêu nên cũng du di hạn mức. Họ xếp hàng đổi tiền theo hạn mức xong rồi lại xếp hàng lần nữa”.

Thực tế quy định “hạn mức” lúc ấy rất chặt chẽ: mỗi cán bộ vào Nam công tác chỉ được đổi 5 đồng/ngày nếu có mức lương từ 115 đồng trở lên, và 2 đồng/ngày nếu có mức lương dưới 83 đồng.

Theo ông Lộ, hồi ấy đồng tiền Sài Gòn cũ vẫn có sức mua trên thị trường thực tế mạnh hơn tiền miền Bắc. Ban đầu, những người lính miền ngoài vào còn bỡ ngỡ, sau mới quen dần với việc chi tiêu tờ bạc này.

Tờ bạc giá trị nhất của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam cộng hòa, in hình Trần Hưng Đạo
Tờ bạc giá trị nhất của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam cộng hòa, in hình Trần Hưng Đạo

Đổi tiền

Sau gần 5 tháng cuối cùng được phép lưu hành kể từ ngày 30-4-1975, tờ bạc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam cộng hòa chính thức kết thúc “vòng đời” của mình. Nó đã tồn tại được 20 năm kể từ khi Chính phủ Pháp chuyển giao quyền độc lập cho Việt Nam và tờ bạc có chữ Ngân hàng Quốc gia đầu tiên được phát hành vào năm 1955.

Sau một thời gian âm thầm chuẩn bị, ngày 22-9-1975, gần 70.000 người đã được huy động bí mật từ lực lượng bộ đội, công an, cán bộ các ngành, sinh viên, viên chức ngân hàng... để phục vụ cho đợt đổi tiền đầu tiên.

Cuộc đổi tiền lịch sử đổi từ đồng bạc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam cộng hòa cũ sang tiền Ngân hàng Việt Nam mới, hay còn gọi là tiền giải phóng ở miền Nam. Tỉ giá được ấn định 500 đồng tiền cũ bằng 1 đồng tiền mới. Và 1 đồng tiền Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ở miền Bắc bằng 0,66 đồng mới phát hành của miền Nam.

Ông Lộ kể chính mình lúc ấy là phó phụ trách Ngân hàng Ngoại thương ở Đà Nẵng cũng chỉ được biết thông tin đổi tiền trong một đêm trước ngày 22-9-1975. Tất cả mọi người liên quan đến công tác đổi tiền phải tập trung “cắm trại” 100% trong đêm này.

Sau khi nghe phổ biến kế hoạch, mọi người phải ở lại, không được liên lạc với gia đình để sáng hôm sau đến thẳng nơi đổi tiền.

Trước đó một ngày, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ban hành một quyết định hạn mức tiền được đổi trong đợt này: không quá 100.000 đồng tiền Sài Gòn cũ với nhu cầu sinh hoạt; từ 200.000 - 500.000 đồng và tối đa không quá 1.000.000 đồng đối với hộ và tổ chức kinh doanh.

Riêng số tiền còn lại mà người đổi đã kê khai được quy ra tiền mới nhưng phải gửi tại ngân hàng và chỉ được phép rút dần theo quy định.

Kế hoạch đổi tiền đợt đầu chỉ kéo dài trong 1-2 ngày, nhưng thực tế đến 3 ngày, rồi phải thêm một đợt nữa. Tổng số tiền Sài Gòn cũ được thu đổi là 486 tỉ đồng, trong đó tiền từ người dân chiếm 77%.

Kể từ tháng 9-1975, Việt Nam hình thành hai khu vực tiền tệ: tiền Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành ở miền Bắc và tiền Ngân hàng Quốc gia phát hành ở miền Nam.

Đến năm 1978, một đợt thu đổi sang loại tiền thống nhất lại được thực hiện. Người dân chỉ được sử dụng một loại tiền duy nhất trên cả nước. Và đồng bạc Ngân hàng Quốc gia của chính quyền Sài Gòn cũ nếu ai còn giữ lại đã trở thành kỷ niệm...

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp