24/01/2025 11:11 GMT+7

150 năm trường xưa Chasseloup Laubat - Lê Quý Đôn - Kỳ cuối: Ngọn lửa khát vọng tri thức

Để chuẩn bị cho ngọn lửa tri thức lưu truyền xuyên thế hệ tượng trưng bằng ngọn đuốc hôm nay, từ tháng 12-2023 Trường THPT Lê Quý Đôn TP.HCM đã thực hiện một chuyến về nguồn 'vô tiền khoáng hậu'...

150 năm trường xưa Chasseloup Laubat - Lê Quý Đôn - Kỳ cuối: Ngọn lửa khát vọng tri thức - Ảnh 1.

Ngọn lửa khát vọng tri thức - Ảnh: ĐÌNH CHƯƠNG

Đại lễ, các thầy cô nguyên hiệu trưởng nhà trường cùng nhau thắp sáng một ngọn đuốc, rồi đuốc lại được chuyền tay đến những học sinh tuổi 18 trong hội trại truyền thống, tượng trưng sự trao truyền khát vọng tri thức luôn được nuôi dưỡng trong ngôi trường.

Không chỉ có ngọn lửa biểu tượng, khát vọng ấy còn hiện diện được trên tay với một vật phẩm đặc biệt...

Đồng xu may mắn

Một đồng xu lấp lánh vàng như nắng với hình ảnh cổng trường - mái ngói - hàng rào quen thuộc được in nổi, sắc sảo những đường nét li ti, hàng số 1875 - 150 - 2025 nổi bật, tên trường Chasseloup Laubat - Jean Jacques Rousseau - Lê Quý Đôn chạy vòng quanh.

Đồng xu kỷ vật cho đại lễ 150 năm thành lập trường này do họa sĩ Trung K. Le - Studio Molting (Đức) vẽ mẫu và Công ty đúc tiền Osborne Coinage (Mỹ) sản xuất với phiên bản giới hạn chỉ 500 chiếc trên toàn cầu.

Như vậy đã là đặc biệt, nhưng còn một câu chuyện đặc biệt hơn nữa ở bên trong: đây là sản phẩm biểu tượng cho thành tựu sự nghiệp mang tầm thế giới của một cựu học sinh Jean Jacques Rousseau - tiến sĩ Trương Công Hiếu.

Những ai quan tâm đến sự phát triển của công nghệ đúc tiền thế giới thì đều đã nghe tên tiến sĩ Trương Công Hiếu của Nhà máy đúc tiền Hoàng gia Canada. Sở hữu khả năng học tập xuất sắc, Trương Công Hiếu đậu Tú tài ban toán tại Trường Jean Jacques Rousseau Sài Gòn năm 1959 với hạng nhất quốc gia.

Nhận học bổng du học, ông tiếp tục tốt nghiệp thủ khoa khóa kỹ sư và thạc sĩ tại Đại học New York (Mỹ), trở về Việt Nam giảng dạy và làm trưởng khoa hóa học của Trường Kỹ nghệ Phú Thọ (tức Đại học Bách khoa TP.HCM ngày nay).

Tiếp tục học tiến sĩ tại Mỹ, kinh qua nhiều nơi làm việc, ông dừng chân tại Nhà máy đúc tiền Hoàng gia Canada, đi từ một kỹ sư sửa máy đến giám đốc kỹ thuật phụ trách chiến lược phát triển. Ông gặt hái 10 bằng phát minh sáng chế cải tiến kỹ nghệ đúc tiền, giúp đưa Canada lên vị trí hàng đầu trong ngành đúc tiền thế giới, cung cấp và chuyển giao công nghệ cho các quốc gia khác.

Tiền đồng giờ có thể thay đổi chất liệu để mỏng hơn, nhẹ hơn, bền hơn, sắc nét hơn, không han gỉ, in màu không phai, có thể kết hợp hai loại vật liệu, có mã ADN riêng trên từng đồng tiền phát hành.

Nhà máy đúc tiền Hoàng gia Canada đã thành lập một cơ sở đặc biệt với tên gọi "Trung tâm nghiên cứu xuất sắc Tiến sĩ Trương Công Hiếu"...

Hôm nay, ông sử dụng những thành tựu tâm huyết của mình để thiết kế đồng xu kỷ niệm dành tặng ngôi trường đầu tiên bồi đắp cho mình nền tảng tri thức.

Những đồng xu kết tinh của đam mê thành hiện thực, của tình cảm trò cũ trường xưa, ân tình quê hương đất nước được chuyền tay giữa các cựu học sinh, thầy cô giáo, các học sinh đương thời. Ai cũng xuýt xoa ngắm nhìn. Đồng xu kết nối ân tình và sưởi ấm những khát vọng.

"Một điều kỳ diệu là tình bạn bè, đồng môn giữa chúng tôi vẫn duy trì, thân thiết qua thời gian - làm sáu mươi, bảy mươi năm. Hội ái hữu cựu học sinh Chasseloup Laubat - Jean Jacques Rousseau được thành lập hơn 30 năm nay, mỗi người mỗi nơi nhưng liên kết vẫn bền chặt hoạt động vẫn hiệu quả... Đó là một góc trân quý trong đời chúng tôi", tiến sĩ Vĩnh Đào kể.

Là một nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử, ông đã tìm ra được cả văn bản, danh sách Ban chấp hành Hội ái hữu cựu học sinh Chasseloup Laubat từ tận năm 1927-1928. Trang điện tử aejjrsite.free.fr của hội là cả một kho tư liệu về trường, 250 thành viên cùng nhau nhắc nhớ từng kỷ niệm, từng thầy cô giáo, và những chủ đề thảo luận khoa học - văn hóa - xã hội như khi xưa họ vẫn còn ở trường, trong lớp.

Không chỉ giao lưu trên mạng, không chỉ họp mặt thân hữu, các thành viên dù lớn tuổi, dù khoảng cách địa lý tính bằng châu lục, vẫn tụ họp về Việt Nam, thăm trường, đến các vùng sâu vùng xa còn nghèo khó để cấp những học bổng, xây những ngôi nhà.

"Chúng tôi đã xây được 300 ngôi nhà cả Nam lẫn Bắc, hiện đang duy trì 44 suất học bổng hằng tháng giúp các em học sinh nghèo ở Cần Thơ, Vị Thanh, Gò Công, Huế vượt khó đến trường. 

Đây là một chút ân tình chúng tôi đền đáp quê hương, và rất hy vọng hoạt động của hội sẽ còn phát triển những năm sau...", tiến sĩ Vĩnh Đào xúc động nói.

150 năm trường xưa Chasseloup Laubat - Lê Quý Đôn - Kỳ cuối: Ngọn lửa khát vọng tri thức - Ảnh 3.

Đồng xu kỷ vật cho đại lễ 150 năm thành lập trường Lê Quý Đôn do họa sĩ Trung K. Le - Studio Molting (Đức) vẽ mẫu và Công ty đúc tiền Osborne Coinage (Mỹ) sản xuất với phiên bản giới hạn chỉ 500 chiếc trên toàn cầu

Ở Việt Nam, Ban liên lạc cựu giáo chức - cựu học sinh Lê Quý Đôn cũng đã được thành lập từ 1998. Mỗi năm họp mặt tại sân trường là một lần các thầy cô sống lại những yêu thương, trong câu chuyện thăm hỏi nhau, ngoài chuyện sức khỏe, gia đình, hoạt động từ thiện của hội, mối quan tâm lớn nhất vẫn là sự trưởng thành của học trò. Tôi và bạn bè mỗi lần về họp mặt là một lần thêm ngạc nhiên bởi những khám phá mới về thầy cô của mình.

Mấy mươi năm trôi qua mà gặp mặt thầy vẫn nhớ tên, nhớ số hiệu lớp, chỉ đúng ngay phòng chúng tôi đã học, hỏi thăm những người bạn phương xa chưa về... Những nghiêm khắc của ngày nào - mà mỗi chúng tôi vẫn còn ấn tượng đậm sâu - dường như biến mất, chỉ còn lại thương yêu và chờ đợi.

Vậy mới biết những khó khăn đến khắc nghiệt khi xưa cũng chính là những hy vọng trưởng thành thầy đặt vào học trò.

Như lời thơ của thầy Đoàn Vy, ngày xưa sau giờ học thường thưởng cho lớp bằng cách đọc một bài thơ: "Đường đời trăm nẻo bôn ba/ Ngẩn ngơ bụi phấn kiêu sa bảng màu/ Tình trường nghĩa bạn thâm sâu/ Trắng đen vẫn nhức đôi đầu trở trăn/Hỏi rằng ai đã đem trăng/ Khắc vào kỷ niệm trên vầng trán tôi/ Trong veo ánh mắt nụ cười/ Thay cho cơm áo một đời đò đưa".

"Tự hào trường tôi Lê Quý Đôn..."

Để chuẩn bị cho ngọn lửa tri thức lưu truyền xuyên thế hệ tượng trưng bằng ngọn đuốc hôm nay, từ tháng 12-2023 Trường THPT Lê Quý Đôn TP.HCM đã thực hiện một chuyến về nguồn "vô tiền khoáng hậu": hơn 1.000 thầy trò cùng vượt gần 2.000km về Khu lưu niệm nhà bác học Lê Quý Đôn ở thôn Đồng Phú, xã Độc Lập, huyện Hưng Hóa, tỉnh Thái Bình.

Lần đầu khu lưu niệm đón số lượng khách đông đến thế, "sự kiện chưa từng có" ở huyện và với khách thì "muôn trùng cảm xúc" cho đến hôm nay. Đại diện học sinh đã đọc chúc văn trước lễ đường ở nhà thờ gia tộc Lê Quý: "Nhớ linh xưa/ Nợ khoa danh thẳng cánh chim bằng/ Nơi đình thi treo tên bảng hổ/ Tài như sông biển, lưu muôn đời bộ thông sử "Đại bách khoa thư"/ Trí tựa non cao, truyền vạn kiếp áng danh văn "Vân đài loại ngữ"...".

Niềm tự hào nằm trên phù hiệu Lê Quý Đôn của các cô cậu học sinh chưa bao giờ được thấu rõ như lúc ấy. Được là lứa học sinh thứ 150 của trường quả là một may mắn.

Trong hội trại truyền thống tổ chức ngày 21-1-2025, khi ngọn đuốc được rước từ tượng nhà bác học Lê Quý Đôn lên lễ đài, hàng ngàn học sinh khối 12 đã bật đèn flash chiếu lung linh lên trời đêm, cùng hứa: "Chúng tôi sẽ là những công dân toàn cầu xứng đáng". Từ những câu chuyện các bạn được tìm hiểu, những con người các bạn được gặp trong dịp đại lễ 150 năm này, ước mơ của các bạn đã biến thành lòng quyết tâm và sự tự tin.

Và tất cả cùng nhau hát bài hát truyền thống: "Ta cùng nhau trở về/ tìm lại bao yêu thương của những năm xưa một thời/ Kìa hàng cây xanh bên những ghế đá bâng khuâng đợi chờ/ gợi nhớ/ Chiếc nôi ấm ngày nào/ Để rồi hôm nay trong tôi biết mấy yêu thương tự hào/ Từng đàn chim bay muôn phương đón những tia nắng mặt trời rạng ngời/ Cùng về đây bên nhau về đây với nhau/...

Tự hào trường tôi Lê Quý Đôn/ Là nơi chắp cánh để đàn chim bay xa thật xa/ Tự hào trường tôi Lê Quý Đôn/ Vườn ươm tri thức một trăm năm mươi năm qua/ Và tôi luôn tin luôn khát khao/ Trường tôi hôm nay và sẽ mãi mãi mai sau/ Cùng một tình yêu trong trái tim/ Về đây bên nhau ta hát bài hát tuyệt vời/ Chung tay vì một ngày mai...".

150 năm trường xưa Chasseloup Laubat - Lê Quý Đôn - Kỳ cuối: Ngọn lửa khát vọng tri thức - Ảnh 3.150 năm trường xưa Chasseloup Laubat - Lê Quý Đôn - Kỳ 4: Phi trí bất hưng

Hôm nay, bước chân vào cổng trường Lê Quý Đôn sẽ không còn thấy những hàng chữ Pháp mà là bức tượng nhà bác học Lê Quý Đôn cầm cuốn sách đón các học trò, và lời nhắc nhở của ông 250 năm trước: 'Phi trí bất hưng' được khắc dưới bệ tượng…

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp