23/01/2025 11:11 GMT+7

150 năm trường xưa Chasseloup Laubat - Lê Quý Đôn - Kỳ 4: Phi trí bất hưng

Hôm nay, bước chân vào cổng trường Lê Quý Đôn sẽ không còn thấy những hàng chữ Pháp mà là bức tượng nhà bác học Lê Quý Đôn cầm cuốn sách đón các học trò, và lời nhắc nhở của ông 250 năm trước: 'Phi trí bất hưng' được khắc dưới bệ tượng…

150 năm trường xưa Chasseloup Laubat - Lê Quý Đôn - Kỳ 4: Phi trí bất hưng - Ảnh 1.

Lễ khai giảng niên học 1975-1976 ở Trường THPT Lê Quý Đôn - Ảnh tư liệu

Dạo sân trường xưa - nay

Chắc chắn rồi, 150 năm lịch sử, từ một trường Tây thành lập sớm nhất xứ Đông Dương, đến một trường công lập, và bây giờ là một trường THPT tiên tiến - hội nhập quốc tế, chưa bao giờ các thầy và trò ở Lê Quý Đôn quên điều cốt yếu ấy ở một trường học, luôn trân trọng say mê với tri thức, luôn hiểu rõ chỉ có tri thức mới làm nên chỗ đứng vững chắc trong cuộc đời, góp phần vào thịnh suy của xã hội, đất nước.

Ngôi trường xưa tỏa bóng/ Đỏ mái ngói hôm nay/ Đàn bồ câu sà cánh/ Lá vàng cứ bay bay/ Thăm lại mái trường xưa/ Vừa thân quen - bỡ ngỡ/ Đâu rồi hình bóng cũ/ Lá vàng cứ đong đưa/ Ba mươi năm bục giảng/ Già đi với hàng cây/ Buồn vui cùng kỷ niệm/ Rưng rức tim người thầy...

Thầy Nguyễn Ngọc Hy

Tôi nhớ những ngày hoa niên được học ở trường cách nay đã hơn ba mươi năm. Những ngày ấy, Lê Quý Đôn chưa phải là một ngôi trường tiên tiến hiện đại như bây giờ, danh xưng "trường Tây" giàu có khi xưa chỉ còn là tiếng tăm, cái nghèo mới là thật.

Có những buổi trưa nắng gắt, hầm hập, thầy giáo đẫm ướt mồ hôi trên bục giảng, học trò chuyền tay nhau cái quạt giấy giữa các dãy bàn, nhưng cầu dao điện của cả dãy bị cắt, cái quạt trần cũ kỹ không được phép quay vì nhà trường thực hiện tiết kiệm điện.

Có những buổi chiều mưa ầm ào bên ngoài, phòng học phải khép cửa sổ cánh chớp, không đủ ánh sáng, cô giáo thắp nến cắm ngang trên bảng đen…

Ấy vậy nhưng cô trò vẫn say mê với những công thức đại số, vật lý, hình chiếu hình học, phương trình hóa học, những câu chuyện trong bài giảng văn, những giai thoại trong giờ lịch sử…

Có một buổi khi chuông báo kết thúc tiết học thứ 5 vang lên, chúng tôi ôm cặp, mong mau mau được về nhà. Khi đang dắt xe đạp qua sân trường, nhìn lên hành lang lớp học bỗng thấy thầy dạy toán đang đứng một mình, miệng cười tươi, tay vẫy gọi bảo quay trở lại lớp.

Cả lớp bỏ xe dưới sân, quay lên lầu trong sự ngạc nhiên, hoang mang trộn lẫn mệt và đói. Tiết toán của thầy đã kết thúc từ buổi sáng rồi. Trên bục giảng, thầy tôi đã đứng sẵn, tay cầm viên phấn, miệng cười vui:

"Bài toán khó sáng nay lớp mình giải được bằng 4 cách, khi nãy thầy mới nghĩ ra thêm được cách thứ 5 nữa, hay hơn, ngắn hơn, vui quá nên gọi các em lên cùng học. Chịu khó nhé, vài phút thôi". Cả lớp ồ lên: "Ôi thầy ơi, em chỉ còn biết khóc…".

Tôi còn nhớ đứa học trò 16 tuổi là mình đã kinh ngạc chừng nào khi một lần đi ngang phòng giáo viên, thấy các thầy cô đang tụ tập, vui vẻ nhận mỗi người một bịch bột giặt mang về.

Khi ấy thấy tổn thương vì nghĩ nụ cười này của các thầy cô chỉ nên nở tươi khi học trò giải được bài toán khó, hiểu được câu thơ cổ thôi kìa chứ, lớn lên rồi, tôi mới biết được đó là những ngày tháng khó khăn biết bao của nghề giáo, và để giữ được sự đam mê trên bục giảng, truyền được ngọn lửa ham học ấy xuống học trò, các thầy cô đã phải cố gắng biết bao nhiêu.

Là trường học nên truyền thống có dày bao nhiêu thì vẫn luôn đầy ắp thanh xuân, sức trẻ. Những khó khăn ngày cũ dường như đã qua nhanh. Sau này, mỗi lần được về thăm trường, đám bạn bè tôi cứ thay nhau ồ lên, xuýt xoa trước những thay đổi.

Lớp học nay đẹp quá, bàn ghế mới, thưa rộng, có thể dễ dàng dịch chuyển, xếp lại theo từng nhóm, phòng nào cũng cửa kính, máy lạnh, máy chiếu. Phòng thí nghiệm hóa - lý ngày xưa thiếu thốn, nay được trang bị hiện đại đủ đầy.

Sinh hoạt chuyên đề, các đội nhóm học sinh trình bày bài bằng sơ đồ tư duy đủ hình dạng, màu sắc. Sinh hoạt ngoại khóa môn văn, các em trình diễn kịch, tiểu phẩm, ca múa như một đoàn văn nghệ chuyên nghiệp. Năm xưa ấy, THPT Lê Quý Đôn tiên phong trong việc thành lập và duy trì câu lạc bộ.

Câu lạc bộ Lá Sóng của chúng tôi sinh hoạt cuối tuần ở vườn Tao Đàn, mỗi năm lại ra một tập san Nắng sân trường tự sáng tác, tự biên tập, trình bày, in ấn lẫn phát hành cả sang các trường bạn.

Nay, số câu lạc bộ của học sinh trường lên đến hàng chục, đủ cho hàng ngàn học sinh tha hồ lựa chọn theo sở thích, thỏa sức thể hiện năng khiếu của mình. Xưa, lớp chúng tôi cùng nhau đạp xe đi Lái Thiêu, Bửu Long, thuê xe đi Vũng Tàu đã là xa nhất, sang lắm.

Nay, nhà trường lớp học có thể tổ chức đoàn học sinh đến cả ngàn ra Bắc, những nhóm đi học trao đổi tận Mỹ, Anh, sẵn sàng cho "ra lò" những công dân toàn cầu. Và truyền thống độc đáo "một và chỉ một" của THPT Lê Quý Đôn là ngày hội xuân - đêm lửa trại tưng bừng dành riêng cho khối 12 vẫn được duy trì từ bao năm… Những bài học từ sách vở, từ cuộc sống cứ thấm dần.

150 năm trường xưa Chasseloup Laubat - Lê Quý Đôn - Kỳ 4: Phi trí bất hưng - Ảnh 2.

Khoảnh khắc học sinh tập trung chia tay thầy giáo được điều chuyển về trường mới - Ảnh: Lê Tuấn

Kéo gần những chân trời

Tôi nhớ trong mắt mình khi xưa, các thầy cô đã là một khoảng trời. Thi thoảng, thầy cô lại mời những nhà văn, nhà thơ, nhà khoa học, nhạc sĩ đến trò chuyện với học trò, thật hay nhưng cũng thật xa. Thế hệ đàn em bây giờ may mắn hơn nhiều lắm.

Cuộc trò chuyện giữa hàng ngàn học sinh với những danh nhân từ bên kia trái đất trở về như nhà thiên văn Trịnh Xuân Thuận, giáo sư Phan Văn Trường, nhà nghiên cứu Vĩnh Đào, tiến sĩ Trương Công Hiếu có thể diễn ra không một khoảng cách nào khi tất cả các ông đều vui vẻ giới thiệu: "Chúng ta là đồng môn. Tôi ngày xưa học dưới mái trường này".

Sự thân thuộc như đã in sẵn trên lớp vỏ cổ thụ xù xì, trên chiếc ghế đá nấp trong bóng râm, và các lớp học trò tuổi mười lăm mười tám thấy ước mơ vươn đến thế giới như các anh, các chú bỗng thật gần.

TS Huỳnh Công Minh - nguyên giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo TP.HCM - nói: "Chúng ta đã biết rất nhiều danh nhân uy tín trong nước xuất thân từ Trường THPT Lê Quý Đôn, đã gặp rất nhiều tài năng thành đạt ở các nơi trên thế giới xuất thân từ học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn.

Chúng ta sẽ cùng nhau tiếp tục phát triển Trường THPT Lê Quý Đôn thành điểm son đậm nét hơn trên bản đồ giáo dục trong và ngoài nước như một ngôi trường cung cấp các tài năng trẻ cho thế giới… Trường THPT Lê Quý Đôn là trường đầu tiên thực hiện kế hoạch "hội nhập quốc tế" của ngành từ 2006 và điều đó không phải là ngẫu nhiên".

Không ngẫu nhiên bởi bao thế hệ thầy cô giáo trong bao năm phải vượt khó khăn, thiếu thốn chung của xã hội để giữ niềm say mê trên bục giảng thì cũng đồng thời giữ trong tim truyền thống trăm năm của trường, hiểu rằng sẽ đến một ngày vươn lên - trở lại với những chuẩn chất quốc tế về tri thức, về con người.

Cô cựu hiệu trưởng Hà Thị Phương Thịnh mỗi lần về trường lại ao ước được tự tay cầm dùi gióng lên một hồi trống, như khi xưa tiếng trống trường của cô giục giã học sinh đi tới.

Cô hiệu trưởng Bùi Minh Tâm mới về trường mấy năm. Cô xúc động bên hành lang cổ kính: "Được làm việc trong ngôi trường có 150 năm lịch sử, đối với tôi không chỉ là may mắn mà là niềm tự hào và biết ơn.

Khuôn viên cổ kính và xanh mát này như một vùng địa linh nhân kiệt, mỗi khoảng sân, lớp học, hành lang đều ghi dấu những bước chân tiền nhân mà sự nghiệp mỗi người để lại cho đời đều là những bài học quý giá.

Cách sống hết mình của thế hệ cha ông, cách làm việc hết mình của các thế hệ nhà giáo bao năm qua trao truyền cho thế hệ ngày nay trọng trách và vinh dự.

Lịch sử sẽ còn tiếp tục ghi lại một trường THPT Lê Quý Đôn đậm bản sắc Việt Nam và đầy tinh thần tiên tiến, hội nhập quốc tế, những thế hệ học sinh tiếp nối sẽ tung cánh bay cao, chinh phục mọi giấc mơ của chính mình và nhân loại".

************

Đại lễ, các thầy cô nguyên hiệu trưởng nhà trường cùng nhau thắp sáng một ngọn đuốc, rồi đuốc lại được chuyền tay đến những học sinh tuổi 18 trong hội trại truyền thống, tượng trưng sự trao truyền khát vọng tri thức luôn được nuôi dưỡng trong ngôi trường…

>> Kỳ tới: Ngọn lửa khát vọng trí thức

150 năm trường xưa Chasseloup Laubat - Lê Quý Đôn - Kỳ 4: Phi trí bất hưng - Ảnh 3.150 năm trường xưa Chasseloup Laubat - Lê Quý Đôn - Kỳ 3: 'Nhà tôi bao đời học Lê Quý Đôn'

Một trong những góc check-in, chụp ảnh do nhà trường chuẩn bị dành riêng cho cựu giáo chức - cựu học sinh được yêu thích nhất là tấm background với hàng chữ thật to: "Nhà tôi bao đời học Lê Quý Đôn".

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp