11/12/2024 13:47 GMT+7

150 đại học, tổ chức kiểm định ASEAN bàn về đảm bảo chất lượng giáo dục

150 trường đại học, các tổ chức giáo dục và kiểm định chất lượng của Việt Nam và các nước ASEAN họp hội nghị bàn về đảm bảo chất lượng giáo dục đại học.

150 đại học, tổ chức kiểm định ASEAN bàn về đảm bảo chất lượng giáo dục - Ảnh 1.

Các đại biểu tham gia Hội nghị quốc tế của Mạng lưới bảo đảm chất lượng đại học Đông Nam Á - Ảnh: N.T.

Sáng 11-12, Hội nghị quốc tế của Mạng lưới bảo đảm chất lượng đại học Đông Nam Á (AUN-QA) năm 2024 do Trường đại học Tôn Đức Thắng đăng cai khai mạc với sự tham gia của 150 trường đại học, tổ chức kiểm định và tổ chức giáo dục trong khu vực ASEAN.

Hội nghị diễn ra trong ba ngày với nhiều chủ đề thảo luận khác nhau. Trong đó, diễn đàn chính thức có chủ đề "Đổi mới giáo dục đại học khu vực Đông Nam Á: ứng dụng trí tuệ nhân tạo, quản lý dữ liệu và phát triển văn hóa chất lượng hướng đến tương lai". 

Các chuyên gia, nhà giáo dục và đại diện các trường đại học chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận về vai trò quan trọng của trí tuệ nhân tạo, chiến lược dựa trên dữ liệu và văn hóa chất lượng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục.

Ngoài ra còn có các diễn đàn dành cho các đánh giá viên AUN-QA chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận về các vấn đề chuyên môn và nâng cao năng lực đánh giá chất lượng giáo dục, diễn đàn dành riêng cho lãnh đạo bảo đảm chất lượng của các trường đại học thành viên AUN-QA.

Phát biểu tại hội nghị, ông Huỳnh Văn Chương - cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ Giáo dục và Đào tạo - cho biết bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục Việt Nam đã được luật hóa khá mạnh.

Công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục hiện nay được Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ sở giáo dục đào tạo đại học Việt Nam đặt sự quan tâm hàng đầu. Tính đến ngày 30-11-2024, Việt Nam đã có 2.179 chương trình đạt kiểm định chất lượng, trong đó có 621 chương trình được đánh giá theo tiêu chuẩn nước ngoài.

Bên cạnh đó, 208 cơ sở giáo dục đại học đạt kiểm định chất lượng, trong đó có 12 cơ sở giáo dục kiểm định theo tiêu chuẩn nước ngoài.

Việc bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học không chỉ là trách nhiệm của mỗi quốc gia, mà còn là mối quan tâm chung của toàn thể cộng đồng quốc tế, nhất là đối với khu vực ASEAN.

Trong bối cảnh nền kinh tế tri thức, kinh tế xanh, tinh tế tuần hoàn, kinh tế số, những thay đổi sâu rộng trong các lĩnh vực khoa học công nghệ và sự phát triển chóng mặt của công nghệ thông tin, việc kiểm định chất lượng giáo dục lại càng trở nên cấp thiết.

"Hội nghị quốc tế AUN-QA là dịp để các chuyên gia, các đánh giá viên trong khu vực cùng nhau ngồi lại làm rõ các tiêu chuẩn và quy trình kiểm định chất lượng giáo dục, đưa ra những cải tiến cho bộ tiêu chí đánh giá phù hợp hơn trong bối cảnh hiện tại, tạo cơ sở vững chắc để các cơ sở giáo dục đại học thực hiện các quy trình kiểm định chất lượng hiệu quả" - ông Chương nói.

Lần đầu đại học Việt Nam tổ chức

Hội nghị quốc tế AUN-QA lần đầu tiên được tổ chức năm 2016 tại Indonesia. Đến nay, hội nghị đã được tổ chức 6 kỳ tại 4 quốc gia (Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines).

Hội nghị không chỉ mang lại cơ hội để các quốc gia trong khu vực ASEAN và cộng đồng quốc tế liên quan chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận về các vấn đề mang tính thời sự, thực tiễn trong quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục đại học.

Bên cạnh đó, hội nghị này cũng là dịp để các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam khẳng định vai trò và cam kết trong công tác bảo đảm chất lượng giáo dục tại khu vực và hội nhập sâu rộng vào thế giới.

Đây là lần đầu tiên hội nghị này được tổ chức tại Việt Nam.

150 đại học, tổ chức kiểm định Asean bàn về đảm bảo chất lượng giáo dục - Ảnh 2.Khổ với kiểm định chất lượng giáo dục

Nhiều giảng viên đại học cho biết rất sợ mỗi khi trường vào đợt kiểm định vì họ mất rất nhiều thời gian, công sức cho việc này.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp