Bộ Tài nguyên và Môi trường đang hoàn thiện dự thảo để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành định mức chi phí tái chế sản phẩm, bao bì (Fs). Đây là cơ sở cho nhà sản xuất, nhập khẩu thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì kể từ ngày 1-1-2024.
Theo đại diện bộ, trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì của nhà sản xuất, nhập khẩu đã được quy định trong điều 54, Luật Bảo vệ môi trường 2020. Theo đó, tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì có giá trị tái chế phải tái chế theo tỉ lệ và quy cách bắt buộc (khoản 1, điều 54).
Ngày 29-8, Tuổi Trẻ Online đã có cuộc phỏng vấn tiến sĩ PHAN TUẤN HÙNG - vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) - về các kiến nghị của 14 hiệp hội liên quan đến dự thảo định mức chi phí tái chế sản phẩm, bao bì (Fs).
"Định mức chi phí tái chế trong dự thảo cao hơn mức trung bình của các nước là không có cơ sở"
* Thưa ông, ông đánh giá thế nào về ý kiến của 14 hiệp hội cho rằng định mức chi phí tái chế với sản phẩm, bao bì (Fs) được đề xuất còn cao hơn trung bình của các nước Tây Âu?
- Ý kiến của 14 hiệp hội cho rằng định mức chi phí tái chế sản phẩm, bao bì (Fs) trong dự thảo cao hơn mức trung bình của các nước là không có cơ sở. Vì các nước áp dụng khác Việt Nam, không giống nhau cách tiếp cận.
Ở nước ngoài, nhà sản xuất thường ký với một đơn vị khác (PRO - bên thứ 3) để tái chế, họ sẽ thỏa thuận, dựa vào hợp đồng.
Ví dụ tái chế xong trả lại vật liệu cho nhà sản xuất thì một giá, nhưng bên thứ 3 dùng vật liệu đó thì lại có mức giá khác.
Hay như nhà sản xuất đi thu gom vật liệu đưa đến bên thứ 3 để tái chế thì bên tái chế còn phải trả lại tiền cho nhà sản xuất. Vậy nên mỗi nước có mỗi cách tiếp cận khác nhau.
Ngay tại Liên minh châu Âu, mức phí tái chế cho bao bì giữa các nước thành viên cũng có thể chênh lệch rất nhiều lần. Chẳng hạn với bao bì nhôm, phí tái chế ở Áo là 8.584 đồng/kg, ở Bỉ chỉ 579 đồng/kg, ở Thụy Điển lại lên tới 13.013 đồng/kg.
Ở Việt Nam thì khác. Nếu nhà sản xuất không làm tái chế thì Nhà nước đứng ra làm, vậy nên nhà sản xuất phải trả một khoản tiền để tái chế. Ngoài ra, chúng ta còn phải chi thêm một khoản phí quản lý hành chính, thuê người quản lý. Nếu cho rằng Fs cao thì nhà sản xuất có thể tự thuê nhà tái chế. Fs chỉ là phương án cuối cùng để nhà sản xuất lựa chọn.
Ngoài ra, hiện nay ở nước ta phân loại rác chưa tốt nên sẽ phát sinh chi phí hơn nhiều so với nhiều quốc gia khác.
Vậy nên so sánh giữa Việt Nam và các nước sẽ không đúng. Cần bám sát chi phí thực tế, nhân công, hạ tầng để đưa ra định mức chi phí Fs cho phù hợp.
Chi phí tái chế không mang tính bắt buộc mà là một trong các sự lựa chọn
* Chi phí tái chế với sản phẩm, bao bì (Fs) lớn sẽ làm tăng giá hàng hóa, gây khó khăn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ông nghĩ sao về nhận định này?
- Cần phân biệt rõ giữa chi phí tuân thủ quy định trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì của nhà sản xuất, nhập khẩu (gọi tắt là EPR) với quy định Fs, các hiệp hội đang có sự hiểu nhầm giữa EPR và Fs.
Theo quy định của pháp luật, nhà sản xuất, nhập khẩu có nhiều sự lựa chọn để thực hiện EPR, một trong những sự lựa chọn đó là đóng tiền trên cơ sở Fs. Fs không mang tính bắt buộc mà là trong các sự lựa chọn để nhà sản xuất, nhập khẩu thực hiện.
Fs làm tăng chi phí tuân thủ hay tăng giá hàng hóa là không có cơ sở. Trừ trường hợp các sản phẩm, bao bì chưa có cơ sở tái chế thì mới phải lựa chọn hình thức đóng tiền để thực hiện trách nhiệm.
Nghị định số 08 năm 2022 của Chính phủ đã có quy định miễn trừ EPR cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ có doanh thu từ sản xuất dưới 30 tỉ đồng/năm, hoặc giá trị nhập khẩu dưới 20 tỉ đồng/năm. Vậy nên EPR hay Fs sẽ không tác động đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
* Thưa ông, đến nay Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiếp thu, nghiên cứu, giải trình ra sao với kiến nghị của 14 hiệp hội về dự thảo Fs?
- Bộ đã nghiên cứu và tiếp thu ý kiến của 14 hiệp hội. Hiệp hội luôn muốn Fs xuống thấp, thậm chí bằng không. Trong luật thì đã quy định rồi, chi phí hợp lý, hợp lệ liên quan đến phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý.
Chúng tôi đã phối hợp với Hiệp hội tái chế chất thải khảo sát để đưa ra mức tái chế như hiện nay. 14 hiệp hội cho rằng với chi phí tái chế như hiện tại là cao, nhưng nhà tái chế cũng đề nghị nếu giảm thấp quá thì không phù hợp với chi phí tái chế tại Việt Nam.
Để hài hòa giữa nhà tái chế cũng như ý kiến của 14 hiệp hội, ban soạn thảo đã rà soát lại, có điều chỉnh theo hướng giảm chung từ 10-15%. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã áp dụng hệ số điều chỉnh để giảm lần 2 đối với các sản phẩm bao bì có khả năng tái chế cao, ví dụ như lon nhôm…cao nhất là giảm đến 80%.
Tuy nhiên với những sản phẩm khó tái chế như nhựa mềm, nhựa đa lớp, túi bóng…, chi phí tái chế không giảm, vẫn phải giữ lại bằng chi phí tái chế thực tế.
Đóng góp tái chế đã chiếm một phần không nhỏ lợi nhuận của doanh nghiệp?
14 hiệp hội kiến nghị về định mức chi phí tái chế sản phẩm, bao bì (Fs) gồm: Thực phẩm minh bạch; Lương thực thực phẩm TP.HCM, Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam; Sữa Việt Nam; Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao; Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam;
Dệt may Việt Nam; Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam; Gỗ và Lâm sản Việt Nam; Chè Việt Nam; Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam; Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam; Nhựa Việt Nam; Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật.
Theo khảo sát của Hiệp hội Bia rượu nước giải khát Việt Nam (VBA), tất cả các doanh nghiệp đều ủng hộ việc tái chế bao bì, tận dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, tuy nhiên tới 80% doanh nghiệp cho biết còn gặp nhiều khó khăn trong thực hiện.
Trước đó, tại một số cuộc hội thảo, theo các doanh nghiệp, định mức tái chế (Fs), phí quản lý hành chính vẫn cao, chưa phù hợp với tình hình thực tế doanh nghiệp Việt Nam, nhất là trong bối cảnh khó khăn hiện tại cần tiếp tục tính toán lại. Có hiệp hội cho rằng với mức phí Fs như đề xuất thì chỉ riêng tiền đóng góp tái chế đã chiếm một phần không nhỏ lợi nhuận của doanh nghiệp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận