Nhân viên Hội Chữ thập đỏ Philippines tiêm chủng phòng sởi cho trẻ em trong khu ổ chuột ở thủ đô Manila, Philippines. Số nhiễm sởi tại Manila đã tăng gấp 10 lần - Ảnh: EPA-EFE
Số liệu mới nhất được DOH công bố ngày 18-2 cho thấy, tính từ ngày 1-1 đến sáng 16-2, số ca mắc sởi tại Philippines là 8.443 và 136 ca tử vong.
Vào hôm 6-2, cơ quan y tế Philippines chính thức xác nhận dịch sởi bùng phát trên diện rộng tại khu vực thủ đô Manila (với 12 triệu dân), sau đó lan rộng tới các khu vực khác như đảo Luzon và nhiều vùng trên đảo Visayas ở miền trung Philippines.
Báo Rappler của Philippines dẫn số liệu cho thấy số ca mắc sởi như vậy đã tăng 253% và số ca tử vong tăng 491% so với cùng kỳ năm 2018 (số chết năm trước chỉ là 23 trường hợp).
Báo Philstar Global cho biết thêm: trong số 136 người chết vì sởi có 40% là trẻ dưới 4 tuổi.
Theo DOH, hầu hết các ca mắc sởi là trẻ em dưới 4 tuổi. Một nửa các ca mắc bệnh và 60% các ca tử vong tập trung ở vùng thủ đô Manila và Calabaron.
Bộ trưởng Y tế Philippines Francisco Duque lo ngại các ca mắc mới sẽ tiếp tục tăng vì dịch hiện vẫn chưa được kiểm soát. DOH đang phối hợp với các cơ quan chính phủ để ứng phó với đợt dịch này, đồng thời triển khai chiến dịch tiêm chủng toàn quốc.
Để chiến đấu chống dịch bệnh đang có nguy cơ đe dọa này, DOH cậy nhờ đến một nhân vật rất được lòng dân ở nước này là Thượng nghị sĩ Manny Pacquiao thuyết phục người dân đưa con cái đi tiêm chủng.
Trong chiến dịch tuyên truyền mới công bố ngày 18-2 với cái tên "Hạ gục bệnh sởi", TNS Pacquiao - vốn là một tay đấm quyền Anh nhiều lần vô địch thế giới, vận dụng sức mạnh cá nhân của mình trên bình diện thiện cảm của người dân.
"Trên sàn đấu, tôi có sự hỗ trợ của các bạn. Nhưng trong cuộc chiến chống sởi lần này, chúng ta cần có nhau", võ sĩ Pacquiao phát biểu trong đoạn video clip dùng tuyên truyền.
Hôm 15-2, đích thân Tổng thống Rodrigo Duterte cũng đã xuất hiện trên truyền hình để kêu gọi người dân đi tiêm chủng và cảnh báo nguy cơ dịch diễn biến phức tạp.
Sởi là bệnh nhiễm virút cấp tính đặc trưng ở giai đoạn cuối bằng các nốt phát ban xuất hiện tuần tự từ cổ, mặt, ngực, thân, chân tay kèm theo sốt cao. Bệnh dễ lây nhiễm qua tiếp xúc nước mũi, nước bọt người bệnh.
Bệnh sởi có thể gây mất thính lực, rối loạn chức năng não ở trẻ em và thậm chí có thể gây tử vong cho người bệnh.
Những người nhiễm virút sởi có thể lây bệnh cho người khác trong 4 ngày cả trước và sau khi những nốt sởi đầu tiên xuất hiện.
Cho đến năm 1985, vẫn còn hơn 1 triệu trẻ em khắp thế giới qua đời vì bệnh sởi và các biến chứng của nó. Đến năm 1996, con số đó cũng còn hơn nửa triệu mỗi năm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận