Phối cảnh tổng thể khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma - Ảnh do Tổng LĐLĐ VN cung cấp |
Khu tưởng niệm ( tại xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa), thuộc khu du lịch bắc bán đảo Cam Ranh.sẽ là một địa chỉ đỏ để mỗi người khi đến với Khánh Hòa sẽ có dịp dừng chân, suy ngẫm về những đóng góp của các liệt sĩ trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, từ đó nâng cao trách nhiệm trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa |
Ông ĐẶNG NGỌC TÙNG |
* Trao tặng 180 tư liệu và bản đồ quý về Hoàng Sa, Trường Sa cho Trung ương Đoàn
Theo đó, khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma được xây dựng trên vùng đất rộng 2,5ha. Kinh phí xây dựng tượng đài được đầu tư từ nguồn đóng góp của tổ chức công đoàn cùng tất cả công nhân lao động trên cả nước và huy động từ các cơ quan, đơn vị, tấm lòng hảo tâm của đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước.
Ông Tùng cho biết sau khi tổ chức cuộc thi tuyển thiết kế công trình khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, ban tổ chức đã chọn đồ án của Trung tâm nghiên cứu kiến trúc (Sở Quy hoạch - kiến trúc TP.HCM) với chủ đề “Hành trình khát vọng” và đồ án của tác giả Lý Thị Liễu (Công ty TNHH mỹ thuật - nhiếp ảnh Oanh Vũ) có chủ đề “Những người nằm lại ở phía chân trời” để phối hợp thành một đồ án tổng thể.
Hiện nay, đồ án tổng thể đang hoàn thiện để lên dự toán toàn công trình. Dự kiến trong năm nay công trình sẽ triển khai thi công và đến năm 2016 khánh thành.
Theo ông Tùng, khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma được xây dựng nhằm tưởng niệm những người con đất Việt đã hi sinh trên biển Đông trong công cuộc bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc.
Dự kiến nhân lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng khu tưởng niệm này, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ phát động mỗi công nhân viên chức - lao động đóng góp một viên gạch (tương đương 20.000 đồng) hoặc tham gia nhắn tin với cú pháp “GM” gửi 1407 để xây dựng khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma.
Trong thông cáo báo chí về buổi lễ đặt đá cho công trình này, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam nêu rõ: Ngày 14-3-1988, quân đội Trung Quốc đã dùng vũ lực cưỡng chiếm đảo Gạc Ma thuộc chủ quyền Việt Nam. Lực lượng hải quân Việt Nam đã anh dũng chiến đấu bảo vệ lãnh thổ và chịu nhiều tổn thất, hi sinh.
Trong trận chiến, thiệt hại của Việt Nam bao gồm ba tàu bị bắn cháy và chìm, ba người hi sinh, 11 người khác bị thương, 70 người mất tích. Sau này, Trung Quốc đã trao trả cho phía Việt Nam 10 người bị bắt, 64 người vẫn mất tích và được xem là đã hi sinh. Đã tròn 27 năm, kể từ ngày trận hải chiến nổ ra, nhân dân Việt Nam vẫn khắc khoải tưởng nhớ hướng về các anh hùng liệt sĩ hi sinh bảo vệ Tổ quốc.
* Cùng ngày, tại trụ sở Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Thông tin - truyền thông (TT-TT) đã trao tặng 180 tư liệu và bản đồ quý “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - những bằng chứng lịch sử” cho Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên (LHTN) Việt Nam.
Tại lễ trao tặng, Thứ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn nhấn mạnh đây chỉ là một trong số rất nhiều hoạt động hợp tác thường xuyên giữa Bộ TT-TT với Trung ương Đoàn và Trung ương Hội LHTN Việt Nam trong công tác thông tin, tuyên truyền và thông tin đối ngoại về biển đảo giai đoạn hiện nay.
Trước đó, hai bên đã có nhiều hoạt động, nhất là trong đợt đấu tranh phản đối các hành vi vi phạm của Trung Quốc trên biển Đông giữa năm 2014, các báo của Đoàn, Hội như báo Thanh Niên, Tiền Phong, Tuổi Trẻ TP.HCM đã có nhiều đợt tuyên truyền hiệu quả. Và thanh niên cả nước đã tổ chức rất nhiều hoạt động có ý nghĩa, có tác dụng rất tốt hướng về Trường Sa, Hoàng Sa thân yêu.
Ông Trương Minh Tuấn lưu ý năm 2015 có nhiều ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước và của thanh niên Việt Nam, trong đó có kỷ niệm 40 năm giải phóng Trường Sa, các tư liệu trao tặng cho Trung ương Đoàn và Hội LHTN Việt Nam ngày hôm nay sẽ góp phần nhỏ bé tri ân hàng ngàn chiến sĩ - cũng là hàng ngàn thanh niên Việt Nam đã ngã xuống để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam trên biển Đông.
Đồng thời, đây cũng là lời tri ân tới đồng bào, đồng chí trong và ngoài nước đã dày công sưu tầm, lưu giữ và truyền lại cho thế hệ hôm nay và mai sau những tư liệu quý giá về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, là sự khích lệ toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta củng cố tinh thần đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, tiếp tục kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc từng thước đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Thay mặt lãnh đạo Trung ương Đoàn, Hội LHTN Việt Nam, ông Nguyễn Phi Long - bí thư Trung ương Đoàn, chủ tịch Hội LHTN Việt Nam - đã trân trọng cảm ơn Bộ TT-TT đã quan tâm trao tặng bộ bản đồ và tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - những bằng chứng lịch sử” ngày hôm nay là minh chứng sinh động cho sự phối hợp có hiệu quả giữa Trung ương Đoàn và Bộ TT-TT trong thời gian qua.
Hai cơ quan sẽ phối hợp chặt chẽ, đáp ứng tốt yêu cầu ngày càng cao về công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ Việt Nam trong giai đoạn mới.
Gửi ấm áp cho Trường Sa “Khăn len này do chúng tôi tự tay móc từng sợi len tạo thành, tuy không đẹp nhưng đó là tất cả tình cảm của chúng tôi mong muốn gửi đến anh em chiến sĩ đang làm nhiệm vụ bảo vệ quê hương với mong mỏi anh em sẽ được ấm lòng nơi đầu sóng ngọn gió” - những lời nhắn gửi của tổ công đoàn Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Q.1, TP.HCM) cũng là cảm xúc chung của những thí sinh dự thi hội thi đan khăn len do công đoàn ngành giáo dục TP.HCM tổ chức ngày 11-3. Với chủ đề “Gửi ấm áp cho Trường Sa”, cuộc thi thu hút giáo viên, cán bộ của hơn 170 đơn vị của TP tham gia. Điều đặc biệt là mặc dù không đăng ký dự thi, nhiều giáo viên, học sinh, cán bộ của các trường học vẫn gửi đến hội thi những chiếc khăn len đã được đan sẵn để gửi đi Trường Sa. |
Chương trình “Nghĩa tình biên giới, biển đảo quê hương” lần 3: Hướng tới cán bộ, chiến sĩ khó khăn nơi biên giới, hải đảo Ngày 11-3, ông Nguyễn Phong Quang - phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam bộ - cho biết chương trình “Nghĩa tình biên giới, biển đảo quê hương” lần 3 năm 2015 (một sáng kiến của ban chỉ đạo) sẽ diễn ra tối 27-3 tại khu vực sân bay Phú Quốc cũ, thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc (Kiên Giang). Tiếp nối thành công của hai chương trình tại Kiên Giang vào năm 2013 và Đồng Tháp năm 2014, chương trình “Nghĩa tình biên giới, biển đảo quê hương” lần 3 năm nay hướng tới mục tiêu chính là vận động cất nhà nghĩa tình đồng đội cho cán bộ, chiến sĩ có hoàn cảnh nghèo, khó khăn về nhà ở đang trực tiếp công tác, chiến đấu tại các vùng biên giới, hải đảo. Ngoài ra, chương trình còn gắn với việc công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận di tích lịch sử trại giam tù binh cộng sản Việt Nam tại Phú Quốc (nhà tù Phú Quốc) là di tích đặc biệt cấp quốc gia. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận