Liên hoan ca trù toàn quốc năm 2018 sẽ diễn ra từ 1-5/11. Ảnh: TTXVN
Liên hoan được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao cho Cục Văn hóa cơ sở, Viện Âm nhạc (thuộc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam), Cục Di sản văn hóa phối hợp cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh tổ chức, nhằm thiết thực bảo vệ và phát huy di sản văn hóa ca trù, hướng tới việc đưa di sản ca trù thoát khỏi tình trạng cần được bảo vệ khẩn cấp.
Tại buổi họp báo ngày 24-10, thông tin về các hoạt động của Liên hoan, bà Phạm Minh Hương, Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc, cho biết: Liên hoan ca trù toàn quốc lần này là cơ hội tổng kết và đánh giá lại toàn bộ thành quả phục hưng ca trù, báo cáo thực trạng sức sống của ca trù hiện nay trong đời sống xã hội đương đại, qua đó khẳng định Việt Nam đã thực hiện đầy đủ và đạt được những kết quả thiết thực như đã cam kết với UNESCO về sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa ca trù. Kết quả của Liên hoan sẽ là một cơ sở dữ liệu tiến tới thực hiện hồ sơ xin chuyển di sản ca trù từ danh sách "Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp" sang danh sách "Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại".
Các đơn vị thuộc 13 tỉnh, thành phố sẽ tham gia Liên hoan lần này, gồm: Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Thành phố Hồ Chí Minh.
Đêm khai mạc Liên hoan diễn ra tối 1-11. Từ ngày 2-4.11, các đơn vị nghệ thuật ca trù sẽ trình diễn các tác phẩm tham dự. Đêm bế mạc, trao giải và trình diễn các chương trình xuất sắc được tổ chức vào tối 5-11.
Chương trình của các đơn vị nghệ thuật tham gia Liên hoan sẽ gồm một phần nội dung bắt buộc và một phần không bắt buộc, có tổng thời lượng trình diễn cho phép từ 45-90 phút. Với nội dung chương trình bắt buộc, mỗi đoàn xây dựng một chương trình tham gia Liên hoan với tổng thời lượng quy định trong đó phải trình bày tối thiểu 3/15 thể cách và 1 tác phẩm của Nguyễn Công Trứ (có thể được hát bằng 1/3 thể cách bắt buộc đã chọn). Phần còn lại của chương trình là các tiết mục tự chọn mang phong cách vùng miền, thể hiện những nét đặc trưng độc đáo của địa phương.
Các thể cách quy định trong Liên hoan gồm: Giáo hương, dâng hương, hát giai, thét nhạc, gửi thư, bắc phản, mưỡu - hát nói, tỳ bà hành, nhịp ba cung bắc, ngâm thơ cô đầu, ả phiền 36 giọng, hát đò đưa, hát múa bài bông, hát múa bỏ bộ, các thể cách trong hát múa chúc hỗ.
Phần thi tài năng ca trù 2018 không mang tính chất bắt buộc, chiếm khoảng 1/3 tổng thời lượng chương trình. Đối tượng tham dự phần thi này là đào nương, kép đàn, quan viên, có độ tuổi từ 15 đến 55.
Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan, Tổng đạo diễn, cố vấn chuyên môn của Liên hoan ca trù toàn quốc năm 2018 cho biết: Khác với những Liên hoan trước, tham gia Liên hoan lần này hoàn toàn là thế hệ kế cận, trong đó có nhiều người trẻ (từ 15 tuổi), "vắng bóng" các nghệ nhân do phần lớn họ đã qua đời hoặc tuổi cao, không còn đủ sức khỏe để tham gia. Sự tham gia đông đảo của lớp đào nương mới cho thấy sức sống của ca trù trong xã hội đương đại. Đây là cơ hội để nâng cao sự hiểu biết của cộng đồng về di sản văn hóa ca trù cũng như khuyến khích, động viên sự tham gia của những người đam mê loại hình nghệ thuật này.
Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan cũng chia sẻ: Đáng tiếc, 2 tỉnh được coi là những trung tâm phát triển di sản ca trù, lại không góp mặt tại Liên hoan lần này, đó là Vĩnh Phúc và Nam Định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận