25/06/2022 13:30 GMT+7

125 năm cao su 'cho vàng' ở Việt Nam - Kỳ 7: Những dòng họ nhiều đời dưới tán cao su

SƠN LÂM - THÁI LỘC
SƠN LÂM - THÁI LỘC

TTO - Được Công ty TNHH MTV cao su Bình Long giới thiệu, chúng tôi tìm đến nhà của chị Giang Thị Kiều Oanh (ở tổ 5, KP Xa Cam, P.Hưng Chiến, thị xã Bình Long, Bình Phước).

125 năm cao su cho vàng ở Việt Nam - Kỳ 7: Những dòng họ nhiều đời dưới tán cao su - Ảnh 1.

Mẹ con bà Xuân bên kỷ niệm chương và giấy vinh danh gia đình 4 thế hệ theo ngành cao su - Ảnh: S.LÂM

Chị Oanh là thế hệ thứ 4 trong số gia đình liên tục gắn bó với ngành cao su và từng được Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam vinh danh.

Lo cho con cháu bây tiếp nối thế hệ làm cao su thứ 5 cho gia đình rồi bây muốn làm gì làm.

Bà Nguyễn Thị Tươi

"Cao su cho tôi cả gia đình"

Trong căn nhà mát mẻ khuôn viên hơn 300m2, khi chị Oanh còn đang tất bật phía sau nhà, bà Hà Thị Tuyến Xuân giới thiệu là mẹ chị Oanh

Bà Xuân, 57 tuổi, từng là giám đốc Nông trường Đồng Nơ thuộc Cao su Bình Long. Chúng tôi hỏi tiếp về mẹ của bà Xuân làm công việc gì trong ngành cao su thì bà Xuân đã trả lời: "Tôi là mẹ nuôi của Oanh. Dòng họ của Oanh mới 4 đời làm nghề cao su".

Thì ra, bà Xuân là người từ Thuận An, Bình Dương đến, năm 1995 mới vào Công ty cao su Bình Long. Năm 1997, trong một lần tham gia giải bóng chuyền do nông trường tổ chức, bà Xuân thấy cô gái trẻ tên Oanh có vẻ hiền lành, chịu khó, đang là nhân viên cạo mủ cao su nông trường bèn hỏi đùa: "Có về ở với cô không, cô nuôi". 

Vậy mà chị Oanh đồng ý thật, mấy hôm sau rời gia đình ở sâu trong Nông trường Đồng Nơ để về ở với "mẹ Xuân" từ ấy.

"Ông cố ngoại mình người Hà Nội, đã vào làm "công tra" cho người Pháp từ lúc cao su mới bắt đầu được trồng ở Bình Long. Trải qua đời ông bà ngoại đến đời cha mình làm trong nhà máy chế biến, mẹ là công nhân khai thác mủ, liên tục cho đến đời mình", chị Oanh kể.

Sinh ra và lớn lên giữa nông trường cao su năm 1982, thời còn thuộc "vùng sâu", chị Oanh cũng chỉ có thể theo học được hết lớp 7 trường do ngành cao su thành lập rồi bắt đầu tay dao tay thùng vào nông trường khai thác mủ phụ mẹ. 

Khi gặp bà Xuân năm 1997, chị Oanh cũng mới vừa được tuyển vào thành công nhân chính thức của nông trường. "Gia đình đông anh em. Khi gặp mẹ Xuân, như duyên trời định, nghe mẹ hỏi thì mình về nói với bố mẹ. Bố mẹ ruột cũng biết tiếng mẹ Xuân từ trước và cũng quý mến nên đồng ý cho mình đi luôn", chị Oanh cười.

Nhờ được bà Xuân bảo ban, vừa tiếp tục làm công nhân cạo mủ, chị Oanh theo học các lớp bổ túc, tốt nghiệp trung cấp nông lâm do Cao su Bình Long phối hợp với các trường về mở lớp. Sau đó, chị lại tiếp tục đi học để tốt nghiệp Trường đại học Bình Dương, rồi chuyển sang làm nhân viên kỹ thuật tại phòng quản lý kỹ thuật cao su nông trường cho đến nay.

Và bà Xuân lại tổ chức đám cưới cho chị Oanh. Anh Võ Xuân Hoan, chồng chị Oanh, cũng là công nhân khai thác mủ của Nông trường Đồng Nơ và xuất thân từ cha mẹ cũng từng là những người trong ngành cao su.

Trên vách phòng khách, bên cạnh những bằng khen của Chính phủ và của ngành cao su dành cho bà Xuân về những thành tích đã đạt được, một kỷ niệm chương và giấy vinh danh gia đình 4 thế hệ của chị Oanh từ Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam trao tặng năm 2014 cũng được treo trang trọng. 

Tấm giấy vinh danh ghi đầy đủ tên tuổi, năm sinh của 14 người từng làm trong ngành cao su của tập đoàn từ ông cố ngoại (sinh năm 1897), ông ngoại, bà ngoại, cha, mẹ, cha chồng, mẹ chồng, dì ruột, cậu ruột, chị ruột...

Đó là chưa kể những người trong dòng họ, bà con cũng làm cao su tiểu điền, hoặc gắn bó với ngành cao su của tập đoàn trong một giai đoạn ngắn. "Mỗi lần giỗ ông bà, riêng những người đã từng và hiện đang làm trong ngành cao su của tập đoàn ngồi đến 3 bàn không đủ chỗ", chị Oanh vui vẻ nói.

"Tôi không lập gia đình. Nhưng tôi luôn cảm ơn cây cao su vì nhờ đó mà tôi có con Oanh, hai đứa cháu kêu là bà ngoại. Cao su cho tôi cả một gia đình và một cuộc đời, sự nghiệp mà đến bây giờ tôi vẫn được nhận lương hưu hằng tháng", bà Xuân nói bằng giọng nghẹn ngào khi nhắc về sự gắn bó với "nghiệp cao su".

125 năm cao su cho vàng ở Việt Nam - Kỳ 7: Những dòng họ nhiều đời dưới tán cao su - Ảnh 3.

Cảnh con cái phụ cha mẹ làm cao su. Những đứa trẻ lớn lên đã sẵn nghề và rất dễ theo “nghiệp cao su” - Ảnh: THÁI LỘC

Nối truyền thống gia đình

Trong suốt chuyến đi tìm hiểu 125 năm cao su trên đất Việt, chúng tôi đã gặp gỡ rất nhiều thế hệ thứ 2, thứ 3, thứ 4 trong gia đình theo "nghiệp cao su" khắp các vùng Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước...

Như trường hợp anh Trần Nguyễn Nhân thuộc Nông trường Bình Minh, Công ty cao su Bình Long, đang sống cùng mẹ tại ấp 2, xã Minh Đức, Hớn Quảng, Bình Phước cũng là thế hệ thứ 4 trong gia đình theo ngành cao su. "Bà cố ngoại, ông ngoại, bà ngoại và mẹ mình đều từng là người của tập đoàn, đến chị em mình lại tiếp nối truyền thống", anh Nhân cười kể.

Bà Nguyễn Thị Tươi, mẹ anh Nhân, tiếp lời từ năm 1947, bà cố ngoại đã đưa bà ngoại của anh Nhân lúc đó vừa 17 tuổi về làm "công tra" cho chủ Pháp ở đất Hớn Quản này. Bà Tươi sinh năm 1959, mới hơn 10 tuổi đã biết xách thùng, cầm dao đi cạo mủ.

"Đến năm 1972, gia đình phải di tản chiến tranh lên tận Campuchia, sau đó về lại Lộc Ninh, Bình Phước, rồi cạo mủ tiếp ở đó. Hồi đó tui cạo mủ rành lắm rồi. Nhưng năm 1976, tui và hai đứa em khi về lại Hớn Quản này làm cho Cao su Bình Long cũng phải đi học cạo lại theo đúng chuẩn mới được", bà Tươi cười kể.

Bản thân bà Tươi từ thời cạo mủ cao su cho chủ Tây cũng đã tham gia cách mạng, đi rải truyền đơn trong các vườn cao su. Về sau, bà được Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng I cho những chiến công giai đoạn này. 

"Nghề từ đời mẹ, đời bà truyền lại, lúc tui nghỉ công ty cao su cũng day dứt lắm. May mà hai đứa con lớn lên, công ty có chính sách ưu tiên cho những người từng làm trong ngành nên tụi nó đã được nhận", bà Tươi kể.

Đã 63 tuổi, nhưng hiện bà Tươi vẫn đủ sức để đi cạo 8 sào hơn 300 cây cao su sau vườn nhà. "Cao su có giá cao, người ta mướn tui cũng còn đủ sức đi cạo thuê như thường. Mẹ của tui lúc xưa hơn 70 tuổi còn đi cạo cao su được mà", bà Tươi nói vẻ tự hào.

Nối lại truyền thống gia đình, anh Nhân cũng đã được Tập đoàn Cao su Việt Nam vinh danh vì gia đình có 4 thế hệ làm cao su vào năm 2014. Từ công nhân khai thác mủ, gần đây anh đã chuyển sang làm bảo vệ cho nông trường.

"Lo cho con cháu bây tiếp nối thế hệ làm cao su thứ 5 cho gia đình rồi bây muốn làm gì làm", bà Tươi cười trìu mến với con trai.

Số người lao động trong ngành cao su dưới thời Pháp lúc đông nhất từng ước tính lên đến khoảng 40.000 công nhân, trong đó số công nhân "công tra" xấp xỉ ngang với số công nhân tự do. Thống kê 10.567 số "công tra" vào năm 1936 cho thấy có 3/4 là đàn ông và 1/4 là phụ nữ, 90% là người từ Bắc Kỳ và 10% là người Trung Kỳ được tuyển di cư vào Nam.

Sau khi tiếp quản, mở rộng đến giai đoạn 1995 đến 2000, công nhân thuộc Tổng công ty Cao su Việt Nam lúc bấy giờ đã xấp xỉ 80.000 người, gần bằng công nhân thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam hiện nay.

************

Trước khi đến Viện Nghiên cứu cao su Việt Nam, chúng tôi dừng lại để tìm một địa điểm đã nổi tiếng từ đầu trong lịch sử cao su Việt Nam: Vườn thực nghiệm Ông Yệm, nơi nhận 1.000 cây cao su được ươm lên từ Thảo cầm viên vào năm 1897.

>> Kỳ tới: Vành nôi của ngành cao su Việt

125 năm cao su 125 năm cao su 'cho vàng' ở Việt Nam - Kỳ 6: Thị trấn cao su trù phú

TTO - Chúng tôi về thăm lại thị trấn Dầu Tiếng (huyện Dầu Tiếng, Bình Dương) - một thị trấn có thời tiết dễ chịu, nhiều con đường phủ cây xanh mát rượi, đi bất kỳ hướng nào cũng đụng phải vườn cao su.

SƠN LÂM - THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp