Nguồn tin của Hãng tin Reuters ngày 23-5 cho biết hơn 125.000 giáo viên Myanmar đã bị đình chỉ, vì tham gia các hoạt động phản đối chính biến ngày 1-2 - Ảnh: REUTERS
Hãng tin Reuters đưa tin về lệnh cấm mới chỉ vài ngày trước khi năm học mới bắt đầu ở Myanmar, do nhiều giáo viên và phụ huynh tham gia các hoạt động phản đối việc quân đội đảo chính giành quyền lực từ chính quyền dân sự ngày 1-2.
Theo nguồn tin từ lãnh đạo MTF của Reuters, tổng cộng 125.900 giáo viên bị đình chỉ từ ngày 22-5. Người này cho biết bản thân cũng có mặt trong danh sách truy nã của chính quyền quân sự vì cáo buộc kích động. Theo số liệu mới nhất cách đây 2 năm, Myanmar có 430.000 giáo viên.
Vị lãnh đạo MTF, người cũng là một giáo viên, cho biết các lệnh đình chỉ mới chỉ mang tính cảnh cáo để “mọi người quay lại làm việc”. “Nếu họ thật sự sa thải nhiều người như vậy, toàn bộ hệ thống sẽ ngừng hoạt động", ông nói. Vị lãnh đạo này chia sẻ thêm bản thân ông được hứa hẹn sẽ không còn tội danh nếu "đi đúng hướng".
Reuters cho biết chưa tiếp cận được người phát ngôn của chính quyền quân sự và Bộ Giáo dục Myanmar để lấy thông tin.
Trong khi đó, tờ báo Global New Light of Myanmar kêu gọi giáo viên và học sinh quay lại trường để tiếp tục việc học và giảng dạy. Theo MTF, khoảng 19.500 nhân viên tại các trường đại học cũng bị đình chỉ.
Không chỉ hệ thống giáo dục, cả hệ thống y tế cùng nhiều cơ quan chính quyền, doanh nghiệp tư nhân khác của Myanmar ngưng hoạt động từ sau chính biến ngày 1-2. Bà Aung San Suu Kyi là một trong số các lãnh đạo dân sự bị bắt trong sự kiện này.
Lãnh đạo quân đội Myanmar - tướng Min Aung Hlaing - hôm 22-5 xuất hiện trên một cuộc phỏng vấn truyền hình hiếm hoi và khẳng định sức khỏe của bà Suu Kyi vẫn tốt.
Phiên tòa xét xử bà Suu Kyi tiếp theo dự kiến diễn ra ngày 24-5 tại thủ đô Naypyidaw. Truyền thông đưa tin bà Suu Kyi vẫn chưa được trao đổi trực tiếp với luật sư riêng, và cũng chỉ xuất hiện qua video.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận