Nhóm bạn chụp ảnh ở cổng Tò Vò, Lý Sơn - một vòm đá nham thạch tự nhiên đẹp nhất Việt Nam - Ảnh: T.T.D.
Lãnh đạo các huyện đảo hào hứng chia sẻ về những tiềm năng, thế mạnh của huyện đảo mình như cảnh đẹp, sản vật đặc trưng, những điều khách còn ít biết và cả những đổi mới về hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đi lại, cơ sở lưu trú.
Chia sẻ nhiều điều khách ít biết
Ông Phạm Tấn Lực, phó chủ tịch huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận), cho biết hiện nay Phú Quý đã có 4 tàu chở khách. Ngoài những cảnh đẹp, đảo Phú Quý còn có tiềm năng về phát triển các sản phẩm du lịch tâm linh khi có 34 cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo và có bảo tháp trên biển cao nhất Việt Nam.
Ông Lực còn giới thiệu một địa điểm mới có thể khai thác làm sản phẩm du lịch là đảo Hòn Hải. "Dù Hòn Hải nhỏ nhưng rất đẹp, các công ty lữ hành có thể nghiên cứu phát triển làm thành một điểm tham quan du lịch" - ông Lực nói.
Nhấn mạnh sự hoang sơ của huyện đảo mình, bà Phạm Thị Lan, phó chủ tịch HĐND huyện đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), chia sẻ: "Hiện Bạch Long Vĩ đẹp, có nhiều đặc sản quý hiếm nhưng mới chỉ có một số đoàn khách ra tham quan chứ chưa hẳn là du lịch. Chúng tôi mong được các nhà đầu tư, các công ty lữ hành quan tâm đầu tư, tìm hiểu, sớm đưa du khách ra huyện đảo".
Đại diện đảo Cô Tô (Quảng Ninh) cũng chia sẻ với dân số 6.800 người, hơn 50 đảo lớn nhỏ, hơn 50 bãi tắm đẹp, trong đó có 3 bãi tắm dài hơn 4km, xung quanh là biển nên bất kỳ mùa nào đảo này cũng có sản phẩm du lịch phù hợp cho người già, trẻ em tắm biển an toàn.
"Có cả bãi sóng lớn để chơi trò mạo hiểm" - ông Nguyễn Việt Hùng (phó chủ tịch huyện đảo Cô Tô) nói và tự hào cho biết Cô Tô là huyện duy nhất của Quảng Ninh có diện tích rừng còn nguyên vẹn. Ẩm thực có những nét riêng biệt đã xây dựng được thương hiệu như cá đục 1 nắng...
Đặc biệt, Cô Tô không chỉ có thể làm du lịch vào mùa hè mà cả mùa đông, đó là du lịch lịch sử, du lịch chủ quyền, tâm linh.
Đã kéo điện lưới quốc gia từ năm 2013, hiện đảo có 30 tàu cao tốc chạy chỉ 1 tiếng đồng hồ là đến đảo. Với những lợi thế đó, lượng khách những năm gần đây ra huyện đảo Cô Tô đều trên 300.000 lượt.
Ông Trương Mạnh Hùng - chủ tịch UBND huyện đảo Vân Đồn (Quảng Ninh) - tự hào cho biết huyện đảo hiện đã có sân bay quốc tế Vân Đồn, có đường cao tốc chạy thẳng từ Hà Nội chỉ hơn 2 tiếng, có đường kết nối 5 xã đảo và sắp tới các xã đảo đều có tàu cao tốc chạy 1 tiếng là đến nơi. Riêng tàu siêu cao tốc đi chỉ 45 phút.
Huyện đảo Vân Đồn có hơn 20 đảo lớn nhỏ có người ở. Hiện nay 100% xã đảo đều có điện. Huyện đảo vừa khai trương một số bãi tắm đạt chuẩn và trong tháng 10 này sẽ công bố đảo Minh Châu và Quan Lạn đạt khu du lịch cấp tỉnh.
Ông Trương Mạnh Hùng bày tỏ sự cầu thị: "Mong các doanh nghiệp lữ hành định hướng, hỗ trợ, kết nối quảng bá. Huyện đảo có bãi tắm đẹp, hang động, vườn quốc gia... nhưng chưa được khám phá, biết tới".
Thời điểm vàng để phát triển du lịch biển đảo
Nhiều doanh nghiệp và lãnh đạo huyện băn khoăn về khó khăn phương tiện đi lại khi chỉ vài đảo có sân bay.
Tuy nhiên, là chủ của một doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển, ông Trần Song Hải - tổng giám đốc Công ty công nghệ xanh DP (GreenlinesDP) - cho biết lãnh đạo huyện đảo không nên lo lắng về chuyện không có doanh nghiệp nào chịu mở thêm các tuyến tàu mới ra các đảo, huyện đảo.
Chỉ riêng Công ty công nghệ xanh DP hiện có 7 tàu chở 300 khách và đang chuẩn bị hạ thủy 2 chiếc chở 300 khách. Tháng 4-2021, công ty sẽ hạ thủy tàu chở 1.000 khách. Con tàu này có thể đi từ TP.HCM đến bất cứ hòn đảo nào ở Việt Nam như Côn Đảo, Trường Sa Lớn...
Tuy nhiên, ông Trần Song Hải cho biết việc mở các tuyến tàu cao tốc đến các huyện đảo vẫn gặp khó trong thủ tục, cấp phép.
Đôi khi chính quyền và các đơn vị quân đội vẫn chưa cởi mở vì có nhiều đảo còn là đảo bán quân sự và chưa có tư duy đổi mới về việc làm du lịch. Ông Hải cho rằng đây là thời điểm vàng cho việc phát triển du lịch biển đảo.
Giải quyết giao thông, tạo sự kiện có điểm nhấn
Thị trấn Vân Đồn nhìn từ trên cao - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Đưa ra 5 vấn đề du khách quan tâm, ông Trần Văn Long - tổng giám đốc Công ty Du lịch Việt - đề xuất các huyện đảo cần có những cảnh báo, hướng dẫn, tư vấn cho công ty lữ hành và khách du lịch tự đi về phương tiện đi lại, thời điểm đi du lịch an toàn không sóng gió.
"Có khi chúng tôi đưa đoàn ra tới bến cảng chuẩn bị lên tàu vào bờ rồi phải ở lại mấy ngày vì lệnh cấm tàu do bão gió, bị phạt tiền. Chúng ta phải có phương án dự trù tình huống đó xảy ra chứ ở Việt Nam cứ nghe bão mới từ xa là đã cấm tàu cả tuần, doanh nghiệp khổ lắm mà bảo hiểm thì không đền bù" - ông Long nói.
Ông Trần Song Hải đề xuất các huyện đảo phải có trang thông tin điện tử cập nhật về thời tiết, tư vấn phương tiện đi lại cho du khách từ những chuyện rất nhỏ nhưng hữu ích và cần thiết như: hôm nay, thời tiết như vầy thì nên đi loại tàu nào để đảm bảo sức khỏe.
"Cứ để khách tự tìm hiểu, tự đi ra mà say sóng, họ sợ, đi một lần không dám đi lại" - ông Hải nói.
Tham gia đề xuất, ông Nguyễn Việt Hùng cho rằng 12 huyện đảo cần chung tay xây dựng đề án nói không với rác thải đại dương để du khách ra đảo không xả rác bừa bãi và ngư dân không thả túi nilông xuống biển. Đề xuất này nhận được sự đồng tình của lãnh đạo các huyện đảo có mặt trong buổi gặp gỡ.
Để thông tin với nhau, kết nối cho ra những sản phẩm du lịch tốt hơn, độc đáo hơn, ông Trần Quốc Bảo (phó tổng giám đốc Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist - Lữ hành Saigontourist) đề nghị thành lập một câu lạc bộ các huyện đảo và doanh nghiệp.
Còn ông Đỗ Tuấn Anh - giám đốc Công ty du lịch VietMark - khiến nhiều người bất ngờ với đề xuất tổ chức cuộc thi hoa hậu các huyện đảo Việt Nam: "Mỗi năm một đảo thay nhau đăng cai thì sẽ tạo được sự chú ý, kích thích du lịch".
Tránh những chuyện tréo ngoe
Ông Trương Đức Hải (chủ tịch HĐQT Công ty du lịch Hòn Ngọc Viễn Đông) cho biết: xu hướng của du khách hiện nay rất thích đi đến những nơi xa xôi, hẻo lánh. Biển đảo là nơi hút khách nhiều nhất.
Nhưng hiện nay, các cơ sở lưu trú ở một số huyện đảo đang quá tải. Nhiều nơi khác, khách ra đảo nhưng không có nhà hàng, khách sạn. Và còn nhiều chuyện tréo ngoe trong quản lý của Nhà nước về phát triển du lịch. Chẳng hạn không cho xe điện chạy trên đảo, không cho du khách thuê xe máy...
Bà Dương Kim Chi (đại diện Công ty du lịch Vietravel) thẳng thắn nói: "Chúng tôi đã từng nghĩ làm sản phẩm du lịch ở đảo Nam Du (Phú Quốc, Kiên Giang), Phú Quý (Bình Thuận) nhưng cơ sở hạ tầng không đảm bảo được an toàn cho du khách dù có nhiều điểm bãi biển, cảnh đẹp và du khách rất muốn tới. Phải cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, phương tiện giao thông thì mới đưa được nhiều khách tới".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận