Trong đó có 5 huy chương vàng (mỗi huy chương trị giá 20 triệu đồng), 7 huy chương bạc (mỗi huy chương được trao 10 triệu đồng) và 4 giải phụ.
Cải lương đang có nhiều tài năng?
Cuộc thi cải lương Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền năm 2023 do UBND thành phố Cần Thơ phối hợp với Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức.
Ban tổ chức cho biết đây là hoạt động trọng tâm, chào mừng kỷ niệm 20 năm thành lập thành phố Cần Thơ trực thuộc trung ương.
Đồng thời cũng kỷ niệm 70 năm ngày mất soạn giả Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền. Soạn giả Nguyễn Trọng Quyền sinh ra tại Thốt Nốt, Cần Thơ.
Năm nay, cuộc thi được nâng tầm quốc gia và tuyển sinh khắp cả nước.
Đã có 43 thí sinh đăng ký dự thi và tranh tài từ ngày 3 đến 29-11, qua ba vòng sơ tuyển, bán kết và chung kết.
Từ vòng bán kết, có 12 thí sinh được chọn vào vòng thi chung kết tối 29-11. Trong đêm trao giải tối 30-11, ban tổ chức công bố 12 huy chương, gồm 5 huy chương vàng và 7 huy chương bạc.
Năm huy chương vàng thuộc về thí sinh Nguyễn Hùng Vương (Đoàn nghệ thuật cải lương Bến Tre), Trần Chí Hòa (Đoàn cải lương Cao Văn Lầu), Nguyễn Thị Kim Ngân, Nguyễn Phương Anh (Nhà hát cải lương Tây Đô) và Phùng Ngọc Bảy (Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang).
Bảy huy chương bạc dành cho Lê Vũ Anh Duy, Nguyễn Văn Thinh (Nhà hát cải lương Tây Đô), Đinh Thị Nga, Đoàn Hoa Mai (Nhà hát cải lương Việt Nam), Nguyễn Hoàng Anh Tuấn (Đoàn Văn công Quân khu 9), Huỳnh Thị Kim Tuyến (Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh An Giang), Nguyễn Văn Dững (Đoàn cải lương Cao Văn Lầu).
Như vậy, thí sinh nào vào chung kết cũng đều có huy chương.
Lo lắng cho chất lượng vàng
Có thể nói, với lần đầu tiên nâng cấp lên tầm quốc gia, ban tổ chức đã rất cố gắng để có một giải thưởng tạo dấu ấn với người làm nghề và công chúng.
Tuy nhiên, không ít người cho rằng vì là lần đầu tiên nên khâu tổ chức còn bộc lộ những lúng túng.
Đó là việc thiết kế các vòng thi. Ở cuộc thi này, vòng bán kết các thí sinh thi trích đoạn, còn vòng chung kết là hát song ca. Dẫn đến không khí của buổi thi chung kết đã bớt đi sức nóng, nhẹ nhàng và không có dấu ấn gì đặc biệt.
Vòng bán kết và vòng chung kết có ban giám khảo riêng, không có vị nào làm giám khảo từ vòng bán kết đến chung kết.
Điều này khiến những người làm nghề thắc mắc không biết tiêu chí cuộc thi là gì: Chọn giọng ca hay chọn tài năng diễn viên đáp ứng tốt ca - diễn?
Bởi ở chung kết, thí sinh chủ yếu là ca. Và như một vị giám khảo vòng chung kết cho biết khi chấm, họ tham khảo bảng điểm vòng bán kết của thí sinh, vì không chấm vòng đó nên họ đâu thể biết thí sinh trổ tài ca-diễn như thế nào.
Từ việc này, một số người trong nghề lo ngại về chất lượng vàng đã được trao. Ví dụ thí sinh Nguyễn Phương Anh khi thi vòng bán kết anh đã diễn thiếu tinh tế, không ra được thần thái của nhân vật Nguyễn Trung Trực.
Thí sinh Nguyễn Hùng Vương cũng còn non với nhân vật Hồ Quý Ly. Thí sinh Phùng Ngọc Bảy ca tốt nhưng lực diễn của anh không nổi bật.
Thế nhưng, phải nhìn rõ là thí sinh tham gia cuộc thi khá yếu. Cuộc thi dành cho thí sinh chuyên nghiệp nhưng khoảng 1/3 thí sinh được chọn vào vòng bán kết bộc lộ sự nghiệp dư.
Vì vậy đôi khi chọn trao vàng, trao bạc giống như "so bó đũa, chọn cột cờ". Chưa hết, không ít thí sinh đem tiết mục từng dự cuộc thi khác đi thi lại, vì vậy người ta thấy sự lặp lại, ít có sự sáng tạo.
NSND - đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai, thành viên ban giám khảo vòng chung kết, bày tỏ lo lắng: "Tình hình hết sức báo động, chúng ta đang dần cạn nguồn. Ngay cả hai bạn của nhà hát chúng tôi tham gia cuộc thi này cũng đã 40 rồi".
Lo lắng của đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai cũng là lo lắng chung. Từ thực trạng này cần lắm những chiến lược để phát triển nguồn lực trẻ, để cải lương có thể được tiếp nối và phát huy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận