Các tình nguyện viên chôn tập thể nạn nhân nắng nóng tại một nghĩa trang ở Karachi hôm 26-6 - Ảnh: Reuters |
"Tính đến ngày 26-5, ít nhất có 1.150 người đã thiệt mạng tại các bệnh viện công", ông Anwar Kazmi thuộc Tổ chức từ thiện Edhi (Pakistan) nói, Reuters đăng tải.
Cũng theo Edhi, trong số người chết có gần 200 người đến nay chưa có người nhận và nhà chức trách chưa thể xác định danh tính họ.
Tờ Dawn của Pakistan cho biết đến trưa nay 27-6, khoảng 140 người trong số này đã được chôn tập thể, trong đó có 50 người được chôn hôm qua, số còn lại dự kiến được chôn cất trong hôm nay.
"Trước khi chôn cất họ, chúng tôi đã chụp ảnh và gắn thẻ đề phòng trường hợp có người sau đó đến tìm thân nhân mình" - ông Amanullah Khan thuộc Edhi nói. Ông cũng nói thêm một số nạn nhân đã được chôn cất dường như là người vô gia cư.
Theo Cơ quan dự báo thời tiết Pakistan, nhờ gió biển thổi vào, nhiệt độ ở TP Karachi và khu vực xung quanh đã dịu đi trong ngày hôm qua 26-6 với nhiệt độ trung bình khoảng 36 độ C.
Trước đó, nhiệt độ ở khu vực này có lúc lên trên 45 độ C, cá biệt có nơi lên tới 49 độ C khiến hàng ngàn người nhập viện và thiệt mạng.
Các nhà khoa học cho rằng trong thập kỷ tới, thế giới sẽ đối mặt với nhiều kiểu thời tiết khắc nghiệt như vậy do biến đổi khí hậu toàn cầu.
Ông Qamar Zaman UZ Chaudhry - cố vấn đặc biệt của Tổ chức Khí tượng thế giới tại châu Á - nói các nước cần phải tự chuẩn bị và có chiến lược ứng phó với thời tiết khắc nghiệt, đồng thời học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau thay vì đổ lỗi.
Bình luận của ông được đưa ra sau khi các bên tại trung ương và địa phương ở Pakistan đổ lỗi cho nhau về cuộc khủng hoảng nắng nóng, trong khi phần lớn hoạt động cứu trợ do quân đội và các tổ chức từ thiện tư nhân như Edhi Foundation thực hiện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận