Phóng to |
Trên toàn tuyến ven bờ hữu sông Hồng, từ km67+650 đến km68+787, tức là chỉ trong phạm vi hơn 1km đã có hàng chục điểm sạt lở, xói vào chân đê với mức độ rất nghiêm trọng.
Cụ thể tại đoạn km67+650 đến km67+750, với chiều dài khoảng 100m, tình trạng sạt lở đã tạo thành vách sâu 5-6m, mỗi năm sạt lở sâu vào trong đất liền khoảng 2m. Còn tính theo mốc chỉ giới của Bộ Thủy lợi cắm từ năm 1995 thì tình trạng sạt lở đã ăn sâu vào đất liền khoảng 40m.
Tương tự tại vị trí km67+790 đến km67+870, do chênh lệch về đỉnh bãi và mực nước, đồng thời do địa chất ven bờ sông yếu nên sau một số trận mưa gần đây, tình trạng xói lở đã làm sạt suốt chiều dài 80m, một số điểm sạt lở ăn sâu vào trong gần 20m. Cũng tại đây, tình trạng sạt lở đã làm nứt đường bêtông với khe nứt từ 2-5cm.
Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội, ngoài những điểm sạt lở mới thì tại điểm sạt lở km68+580 đến km68+610 đã diễn ra nhiều năm. Hiện nay, sạt lở tại đây đã ăn sâu vào khu vực trụ sở của Phòng cảnh sát giao thông đường thủy Công an TP Hà Nội. Ngay tại khu vực sân trụ sở của Phòng cảnh sát giao thông đường thủy cũng xuất hiện nhiều vết nứt làm phần đất gần móng nhà có hiện tượng nghiêng về phía sông.
Ngoài các điểm sạt lở điển hình kể trên, trên toàn tuyến bờ hữu sông Hồng từ km67+420 đến km69+650, với chiều dài hơn 2km đã có rất nhiều điểm sạt lở làm tuyến đường bờ sông có nhiều chỗ bị ăn sâu vào đất liền và mức độ đang diễn biến ngày càng nghiêm trọng. Để đối phó với nạn sạt lở tại những điểm này, người dân đã sử dụng các biện pháp trồng cây, đóng cọc tre, chất bao tải cát tại khu vực ven bờ sông nhưng mức độ sạt lở “ăn” vào đất liền vẫn diễn ra với tốc độ bình quân khoảng 2m/năm khiến một số nhà dân ở bên trong đang ngày càng nhích gần ra ven sông.
Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội đề nghị UBND TP cho phép thực hiện dự án xử lý tổng thể nạn sạt lở tại bờ hữu sông Hồng thuộc địa phận P.Chương Dương (Q.Hoàn Kiếm), P.Bạch Đằng, P.Thanh Lương. Với chiều dài cần xử lý hơn 2km, tính từ km67+420 đến km69+650, cần có nguồn kinh phí khoảng 115 tỉ đồng. Một lãnh đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội cho biết sau khi được TP cấp kinh phí, sẽ bố trí khoảng 50 tỉ đồng cho hai quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng thực hiện giải phóng mặt bằng tại một số khu vực. Sau khi có mặt bằng, toàn bộ đoạn từ km67+420 đến km69+650 sẽ được xây dựng kè chống sạt lở từ dưới lòng sông, sau đó sẽ dựng khung bêtông cốt thép để kè toàn bộ khu vực.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận