Đại diện 10 quốc gia ASEAN sẽ tham dự Hội nghị thường niên liên đoàn các tổ chức kỹ sư Đông Nam Á, đại diện VUSTA cho biết tại cuộc họp báo ngày 23-11 - Ảnh: LÊ HỒNG
Trong khuôn khổ Hội nghị thường niên liên đoàn các tổ chức kỹ sư các nước Đông Nam Á lần thứ 38 (CAFEO 38) do Việt Nam đăng cai tổ chức tại Hà Nội, 112 kỹ sư Việt Nam sẽ được nhận chứng chỉ kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN.
Hội nghị thường niên CAFEO 38 do Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đăng cai tổ chức, với sự tham dự của 10 nước với chủ đề "Phát huy sáng kiến và hành động của Liên đoàn Kỹ sư ASEAN trong xây dựng cộng đồng ASEAN bền vững và thịnh vượng" sẽ diễn ra tại Hà Nội trong hai ngày 25 và 26-11.
Ông Nghiêm Vũ Khải - phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam - cho biết lãnh đạo Chính phủ sẽ tham dự phiên khai mạc Hội nghị liên đoàn các tổ chức kỹ sư ASEAN lần thứ 38 và trao chứng chỉ cho các kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN cho 112 kỹ sư Việt Nam".
Chứng chỉ kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN là một chứng chỉ quốc tế quan trọng, có giá trị trong hoạt động chuyên môn.
Theo ông Phan Văn Tân - phó chủ tịch VUSTA: "Việc đăng ký và được cấp chứng chỉ kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN giúp các kỹ sư có nhiều lợi thế khi đấu thầu các dự án có liên quan đến nước ngoài, có yếu tố quốc tế".
Với 112 người được nhận chứng chỉ lần này sẽ nâng tổng số kỹ sư được cấp chứng chỉ kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN của Việt Nam lên 322 người.
Để được công nhận là kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN, người đăng ký phải tốt nghiệp đại học ngành kỹ thuật, hoạt động liên tục trong lĩnh vực 7 năm, trong đó 2 năm giữ vị trí chủ chốt (chủ nhiệm dự án, trưởng nhóm...), tham gia quá trình đào tạo liên tục và có đạo đức nghề nghiệp. Các ngành kỹ thuật có thể đăng bạ kỹ sư chuyên nghiệp gồm 45 lĩnh vực (xây dựng, cầu đường, điện, năng lượng...).
Hiện có gần 3.000 kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN được đăng bạ, trong đó nhiều nhất là Malaysia với gần 1.000 người.
Ông Nghiêm Vũ Khải cho biết thêm CAFEO 38 do Việt Nam đăng cai tổ chức bao gồm nhiều nội dung xoay quanh các vấn đề nóng liên quan đến phát triển bền vững của khu vực như tác động của đại dịch COVID-19 đối với ngành giao thông và logistics ASEAN, quản lý chất thải và vi phạm trong quản lý chất thải độc hại, ứng phó với thảm họa (lập bản đồ khu vực thảm họa và rủi ro nhằm giảm thiểu tác động của thảm họa, thiên tai, trọng tâm sử dụng thiết kế kỹ thuật); phát triển hệ thống năng lượng ASEAN (giải pháp công nghệ và quản lý trong kết nối cơ sở hạ tầng về năng lượng, lấy con người làm trung tâm)…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận