14/09/2016 09:00 GMT+7

11 vị thanh tra giao thông Cần Thơ sao là “luân chuyển”?

TRẦN HIỆP THỦY
TRẦN HIỆP THỦY

TTO - Việc luân chuyển tạm thời 11 công chức, viên chức ra khỏi vị trí công tác thanh tra giao thông ở Cần Thơ cần được nhận thức rõ ở góc độ pháp lý để tránh cái nhìn không đúng về “cán bộ luân chuyển”.

Ba cán bộ thanh tra giao thông bị bắt (trái) và
Ba cán bộ thanh tra giao thông bị bắt (trái) và "cò" Nguyễn Văn Cẩn (phải)

Xử lý “cái đuôi” của vụ án “3 cán bộ thanh tra nhận bảo kê 3,5 tỉ đồng”, mới đây Sở GTVT Cần Thơ đã gửi “thông cáo” đến các cơ quan báo chí trung ương và địa phương trên địa bàn TP Cần Thơ về việc luân chuyển tạm thời 11 công chức, viên chức ra khỏi vị trí công tác thanh tra giao thông (TTGT).

Việc luân chuyển này được cho là theo đề nghị của Công an Cần Thơ, nhiều báo đã loan tin nhưng nhìn ở góc độ pháp lý, cần được nhận thức rõ để tránh những tác động tiêu cực, liên quan đến một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta về luân chuyển cán bộ và một cái nhìn không đúng về “cán bộ luân chuyển”.

Thông tin công khai mà dư luận biết được thì chánh thanh tra và 2 phó chánh TTGT Cần Thơ trong nhóm cán bộ được “luân chuyển” đã bị đề nghị hình thức kỷ luật từ cảnh cáo đến cách chức do có trách nhiệm liên quan đến vụ án.

Để xây dựng nền hành chính hiện đại, công chức chuyên nghiệp, yêu cầu bắt buộc là phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính. Để tránh tình trạng “bất lực”, “trên bảo dưới không nghe”, phải tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, chấn chỉnh việc lạm dụng hình thức kỷ luật “nghiêm khắc phê bình” và “luân chuyển cán bộ”

Trong khi đó, nghị quyết 11-NQ/TW ngày 25-1-2002 của Bộ Chính trị về việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý là để “tạo điều kiện rèn luyện, bồi dưỡng, thử thách cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, có triển vọng, giúp cán bộ trưởng thành nhanh hơn và toàn diện, vững vàng hơn, đáp ứng yêu cầu cán bộ trước mắt và lâu dài của toàn bộ hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, các lực lượng vũ trang... Không điều động về trung ương, địa phương hoặc sang địa phương, đơn vị khác những cán bộ bị kỷ luật, năng lực yếu, uy tín giảm sút, không có triển vọng phát triển”.

Các trường hợp cán bộ TTGT Cần Thơ nêu trên cũng không thuộc diện “định kỳ chuyển đổi vị trí công tác”.

Mặc dù thanh tra là 1 trong 21 vị trí công việc phải “định kỳ chuyển đổi” trong thời hạn 36 tháng (theo nghị định số 158/2007/NĐ-CP ngày 27-10-2007 của Chính phủ quy định danh mục các vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức), nhưng tại điều 6 của nghị định này quy định rõ không được chuyển đổi đối với các trường hợp “đang trong thời gian bị xem xét, xử lý kỷ luật hoặc có liên quan đến công việc đang bị thanh tra, kiểm tra”.

Cho nên đây chỉ có thể là trường hợp “tạm thời chuyển vị trí công tác khác” do “có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tham nhũng” theo nghị định 59/2013/NĐ-CP ngày 17-6-2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật phòng chống tham nhũng, thời hạn tạm thời này được xác định là 90 ngày.

Cần được xác định rõ về các trường hợp này như vậy để dư luận giám sát bước xử lý tiếp theo. Họ có thể bị “xử lý kỷ luật hoặc hình sự”, hoặc được “phục hồi” vị trí công tác nếu không xác định vi phạm hành chính hay hành vi phạm tội hình sự; nhưng chắc chắn không phải là “cán bộ luân chuyển” để đào tạo, bồi dưỡng để bổ nhiệm vị trí cao hơn.

"Phê bình nghiêm khắc" coi như... không bị kỷ luật gì hết

Tương tự, nhiều năm qua đang xảy ra tình trạng “phê bình nghiêm khắc” khiến người nhận “kỷ luật” như chưa hề “bị kỷ luật”. Còn nhớ cách đây 2 năm, người đứng đầu ngành công thương đã “nghiêm khắc phê bình” nguyên cục trưởng Cục Quản lý thị trường liên quan đến vụ “lộ đề thi, cháu cục phó trúng tuyển” phải hủy bỏ kết quả, tổ chức thi lại, “làm ảnh hưởng lớn tới uy tín của bộ”.

Tương tự, tư lệnh ngành GTVT cũng đã xử lý “phê bình nghiêm khắc” tập thể lãnh đạo Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc, chủ tịch Tổng công ty Đường sắt do có sai phạm trong quản lý, điều hành. Không chỉ ở hai bộ này, hình thức “phê bình nghiêm khắc” đã được vận dụng phổ biến ở các ngành, các cấp và đã đến lúc cần chấn chỉnh.

Trong Luật xử lý vi phạm hành chính, Luật cán bộ công chức và các văn bản hướng dẫn thi hành không hề có hình thức kỷ luật hành chính nào được gọi tên là “phê bình nghiêm khắc”. Cho dù các “quan chức” là đảng viên thì theo quy định, cũng không hề có hình thức kỷ luật Đảng nào là “nghiêm khắc phê bình”.

TRẦN HIỆP THỦY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp