Sáng 7-10, tại họp báo thường kỳ quý 3 năm 2024, ông Đỗ Xuân Quý, chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Tư pháp, cho biết Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Công an ban hành quy trình thực hiện thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID, triển khai thực hiện thí điểm trên toàn quốc từ ngày 1-10-2024 đến 30-6-2025.
53/63 tỉnh hoàn thành thử nghiệm
Trong đó, việc này giúp rút ngắn thời gian cấp phiếu lý lịch tư pháp từ 10 ngày xuống còn 3 ngày trong trường hợp thông thường, từ 15 ngày xuống còn 9 ngày trong trường hợp cần xác minh.
Bộ Tư pháp cũng đã hướng dẫn các địa phương kết nối hệ thống giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh, thành phố với ứng dụng VNeID và phần mềm quản lý lý lịch tư pháp dùng chung của Bộ Tư pháp.
Tại họp báo, bà Đỗ Thúy Lan, phó giám đốc điều hành Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, cho biết kết quả thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID tại Hà Nội và Thừa Thiên Huế trong hơn 4 tháng qua đã đạt được kết quả tích cực.
Hơn 70% tổng số yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp của người dân tại hai thành phố này được thực hiện qua VNeID.
Trên cơ sở kết quả này, Bộ Tư pháp đã ban hành kế hoạch triển khai cụ thể việc cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID trên toàn quốc. Bộ cũng phối hợp Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) ban hành quy trình thí điểm về việc cấp phiếu lý lịch tư pháp.
"Bộ Tư pháp đã có văn bản gửi 63 sở tư pháp trên toàn quốc để hướng dẫn cụ thể việc cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID. Đồng thời, bộ tổ chức tập huấn cho các cán bộ sở tư pháp, sở thông tin - truyền thông.
Ngoài ra bộ cũng phối hợp với Cục Công nghệ thông tin để điều chỉnh phần mềm để kết nối giữa các hệ thống", bà Lan nói.
Theo bà Lan, đến sáng nay (7-10) đã có 53/63 tỉnh đã hoàn thành việc thử nghiệm toàn trình.
"Thử nghiệm này bắt đầu từ hệ thống VNeID khi người dân truy cập sẽ kết nối sang hệ thống một cửa điện tử của tỉnh, thành phố.
Sau đó sẽ kết nối với phần mềm của Bộ Tư pháp, Bộ Công an. Cuối cùng sẽ ra kết quả phiếu lý lịch tư pháp điện tử cấp, trả trên VNeID", bà Lan lý giải.
Phó giám đốc điều hành Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia cho biết trong 53 tỉnh hoàn thành việc thử nghiệm toàn trình đã có 11 tỉnh hoàn thành việc rà soát, quét an toàn, an ninh, bảo mật thông tin để sẵn sàng thực hiện thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID.
"Đây là điều kiện bắt buộc vì khi triển khai kết nối thì phải rà soát an toàn mới kết nối được với hệ thống VNeID. 11 tỉnh này đã quét xong và sẵn sàng kết nối chính thức với VNeID", bà Lan cho biết.
Cần làm gì khi chưa thể đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID?
Nói về những khó khăn khi rút ngắn thời gian cấp phiếu lý lịch tư pháp, bà Lan cho rằng "đây là áp lực rất lớn đối với cán bộ làm công tác lý lịch tư pháp tại các sở và các cán bộ tại bộ phận một cửa, các cơ quan phối hợp tra cứu xác minh".
Theo bà, để cấp được phiếu lý lịch tư pháp cần phải có sự phối hợp rất chặt giữa cơ quan cấp phiếu và các cơ quan khác vì đây là thông tin liên quan đến án tích của một cá nhân.
Vì vậy, rút ngắn thời gian cấp là một thách thức rất lớn, trong khi điều kiện hạ tầng của các tỉnh chưa đồng đều.
Song, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và các đơn vị liên quan "sẽ quyết tâm, nỗ lực" để hoàn thành nhiệm vụ.
Cũng theo bà Lan, trong trường hợp công dân chưa thực hiện được việc đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID thì có thể thực hiện qua hình thức trực tuyến trên hệ thống thông tin điện tử của các tỉnh, thành phố.
Bên cạnh đó, công dân có thể lựa chọn phương thức đăng ký cấp qua bưu điện. Người dân ở nước ngoài có thể gửi hồ sơ qua bưu điện về sở tư pháp và sở cũng có thể cấp phiếu, trả kết quả qua bưu điện đến công dân.
Trước đó, Thủ tướng đồng ý với đề nghị của Bộ Tư pháp về việc mở rộng thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID toàn quốc từ ngày 1-10.
Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, ngoài Hà Nội và Thừa Thiên Huế thì các tỉnh thành khác vẫn chưa thể đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận