23/02/2023 06:07 GMT+7

11 kỳ thi để xét tuyển đại học: Mở cơ hội hay thêm rối?

Ngoài kỳ thi tốt nghiệp THPT, năm 2023 có đến 10 kỳ thi khác được tổ chức, sử dụng kết quả xét tuyển đại học. 11 kỳ thi, liệu thí sinh có thêm cơ hội hay càng thêm rối?

Thí sinh làm thủ tục thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2022. Kết quả kỳ thi này được nhiều trường dùng để xét tuyển - Ảnh: NHƯ HÙNG

Thí sinh làm thủ tục thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2022. Kết quả kỳ thi này được nhiều trường dùng để xét tuyển - Ảnh: NHƯ HÙNG

Chỉ tiêu dành cho phương thức thi đánh giá năng lực, tư duy của các trường năm nay cũng tăng so với năm trước. Điều này khiến chỉ tiêu dành cho các phương thức khác giảm nhiều. Nội dung, hình thức thi, cách thức xét tuyển mỗi trường khác nhau.

Tại các buổi tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp mới đây của báo Tuổi Trẻ, không ít học sinh hoang mang, lo lắng, không biết có nên tham dự nhiều kỳ thi khác nhau, nếu không thi thì có mất cơ hội trúng tuyển không.

Khăn gói đi thi để lấy điểm xét tuyển

Năm nay có thêm ba trường đại học tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng, nâng số kỳ thi riêng lên 10. Trong số 10 kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy, có khoảng 1/2 số kỳ thi được tổ chức thi trên máy tính. Số còn lại làm bài trực tiếp trên giấy. Dù thi bằng hình thức nào, thí sinh cũng phải di chuyển về các địa điểm thi do trường quy định để làm bài.

Trong phương án tuyển sinh 2023, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM lần đầu tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển sinh. Chỉ tiêu cho phương thức này chiếm từ 10% đến 15%. Thí sinh làm bài thi trên máy tính. Trong lần đầu tiên tổ chức, kỳ thi này dự kiến chỉ có các điểm thi tại TP.HCM. Thí sinh ở các tỉnh phải khăn gói về TP.HCM dự thi.

Ông Nguyễn Anh Vũ - trưởng phòng tư vấn tuyển sinh và phát triển thương hiệu Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM - cho biết kỹ thuật tổ chức kỳ thi được mô phỏng theo kỳ thi SAT, thí sinh làm bài trên máy tính. Tuy nhiên trong điều kiện hiện nay, thí sinh vẫn phải về các địa điểm thi do trường tổ chức để thi, chưa thể thi trực tuyến.

Tương tự, các kỳ thi đánh giá năng lực, chuyên biệt của ĐH Quốc gia Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng được thực hiện trên máy tính. Tuy nhiên, địa điểm tổ chức thi khá hạn chế, chỉ dừng lại ở một vài địa phương lân cận.

Trường ĐH Sư phạm Hà Nội lần đầu tổ chức kỳ thi chuyên biệt và cũng chỉ được tổ chức ở cơ sở chính của trường và một điểm ở miền Trung là Trường ĐH Quy Nhơn, làm bài thi trên giấy. Kết quả kỳ thi này được tám trường sư phạm sử dụng để xét tuyển nhưng việc chỉ có hai địa điểm thi khiến thí sinh có nguyện vọng phải di chuyển hàng trăm cây số mới có thể dự thi.

Kỳ thi tuyển sinh đầu vào của Trường ĐH Việt Đức chỉ được tổ chức một lần tại trường, không có các địa điểm khác. Chỉ tiêu cho phương thức này chiếm khoảng 70% tổng chỉ tiêu.

Trường ĐH Cửu Long cũng tổ chức thi riêng ba môn toán, hóa, sinh để xét tuyển cho các ngành dược, điều dưỡng và kỹ thuật xét nghiệm y học. Trường tổ chức thi hai đợt, thí sinh phải về trường dự thi.

Một số kỳ thi khác được tổ chức với quy mô rộng hơn. Trong hai đợt thi đánh giá tư duy vào tháng 5 và 6, ĐH Bách khoa Hà Nội chỉ tổ chức thi tại Hà Nội. Đợt tháng 7 mở rộng ra nhiều địa phương hơn. Hình thức và nội dung thi năm nay cũng có nhiều thay đổi so với năm trước theo hướng gọn nhẹ hơn. Thời gian thi rút ngắn từ 270 phút làm bài trên giấy (thi cả ngày) xuống còn 150 phút trên máy tính (thi một buổi). Cấu trúc đề thi cũng thay đổi, thay các tổ hợp môn bằng các tổ hợp tư duy.

Trong số các đơn vị tổ chức thi tuyển sinh riêng, kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM có quy mô tổ chức lớn nhất với số điểm thi bao phủ gần như toàn bộ khu vực từ Đà Nẵng trở vào. Riêng đợt 1-2023, kỳ thi này được tổ chức tại 21 tỉnh thành. Thí sinh vẫn phải di chuyển về địa điểm thi nhưng khoảng cách không quá xa như các kỳ thi khác.

Đồ họa: TUẤN ANH

Đồ họa: TUẤN ANH

Vì sao thi riêng?

Thống kê từ Bộ GD-ĐT cho thấy năm 2022, các trường dành hơn 30.000 chỉ tiêu xét tuyển từ điểm của các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy. Tỉ lệ thí sinh nhập học theo phương thức này chiếm khoảng 2% tổng số thí sinh của các phương thức.

Năm nay, nhiều trường đại học cho biết tiếp tục tăng chỉ tiêu cho kỳ thi tuyển sinh riêng. Thậm chí vài trường năm nay cũng lần đầu tổ chức tuyển sinh riêng với mục đích "chọn được thí sinh có năng lực học tập phù hợp".

Các trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Sư phạm TP.HCM, Ngân hàng TP.HCM tổ chức thi các môn riêng lẻ. Cấu trúc đề thi từng môn khá giống đề thi tốt nghiệp THPT, chỉ khác phần nhỏ có thêm phần tự luận, tự điền câu trả lời hoặc kiểm tra cả bốn kỹ năng môn tiếng Anh (Sư phạm TP.HCM).

Có trường sử dụng điểm bài thi ba môn của kỳ thi riêng, có trường chỉ sử dụng một hoặc hai môn kết hợp với xét kết quả học tập bậc THPT. Phần lớn kiến thức đề thi nằm ở lớp 12, còn lại ở lớp 10, 11 tương tự như thi tốt nghiệp. Vậy vì sao phải tổ chức thi riêng?

Ông Nguyễn Ngọc Trung - phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - cho biết kỳ thi tốt nghiệp phục vụ xét tốt nghiệp trong khi kỳ thi chuyên biệt của trường dùng để đánh giá năng lực học đại học của thí sinh.

"Tuy cấu trúc đề thoạt nhìn giống nhau nhưng đề thi của trường trải qua rất nhiều khâu thử nghiệm trong hai năm trước khi thực hiện. Ngành sư phạm đòi hỏi những kiến thức chuyên biệt nên câu hỏi của đề thi không chỉ về kiến thức mà cách sắp xếp, cách đặt câu hỏi có thể đánh giá năng lực tư duy, lập luận của thí sinh.

Điều này đánh giá đúng năng lực và sự phù hợp với các ngành sư phạm hơn so với các kỳ thi khác. Đó là lý do năm nay trường tăng gấp đôi chỉ tiêu cho phương thức này so với năm trước" - ông Trung nói. Được biết trường lần đầu tổ chức kỳ thi chuyên biệt vào năm 2022 với hơn 2.000 thí sinh dự thi.

Tính phân hóa cao hơn

Ông Nguyễn Anh Vũ cho biết đề thi của Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM có 90% kiến thức lớp 12, còn lại là lớp 10, 11. "Trường đánh giá năng lực học tập của học sinh qua quá trình học phổ thông. Việc đánh giá xa rời kiến thức phổ thông về lâu dài sẽ không phản ánh đúng năng lực người học.

Tuy nội dung đề thi nằm trong chương trình phổ thông như thi tốt nghiệp nhưng tính phân hóa cao hơn để chọn thí sinh có đủ năng lực vào đại học" - ông Vũ lý giải việc tổ chức thi riêng.

Các điểm thi đánh giá năng lực đợt 1-2023 của ĐH Quốc gia TP.HCM trải rộng ở 21 tỉnh, thành phía Nam - Đồ hoạ: ĐH Quốc gia TP.HCM

Các điểm thi đánh giá năng lực đợt 1-2023 của ĐH Quốc gia TP.HCM trải rộng ở 21 tỉnh, thành phía Nam - Đồ hoạ: ĐH Quốc gia TP.HCM

Ngoài lý do này, ông Vũ cũng cho rằng việc thí sinh được thi nhiều lần, chọn kết quả cao nhất sẽ giảm bớt tính rủi ro khi chỉ có một kỳ thi, giải tỏa tâm lý, bớt căng thẳng cho thí sinh. Trong khi đó, đại diện ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết những thay đổi của kỳ thi năm nay nhằm mở rộng khả năng sử dụng kết quả kỳ thi ra các nhóm trường ngoài khối kỹ thuật cũng như phù hợp với nội dung chương trình giáo dục phổ thông mới.

Thi nhiều chưa chắc đã thêm cơ hội

Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Hoàng Minh Sơn - thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - cho rằng việc các trường đại học tổ chức kỳ thi riêng cũng là tạo thêm cơ hội cho thí sinh. Còn thực tế, thí sinh không cần. Đại đa số các trường vẫn sử dụng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển. Chỉ những thí sinh muốn thi vào những trường, ngành có tính cạnh tranh cao mới lựa chọn 1 đến 2 kỳ thi.

Tuy nhiên, thí sinh không cần lựa chọn quá nhiều kỳ thi riêng, thay vào đó có thể chỉ cần tham gia một kỳ thi để xét tuyển vào trường mong muốn. Thi nhiều hơn cũng chưa chắc thêm cơ hội.

Xét tuyển đại học 2023: Điểm học bạ "lên hương"Xét tuyển đại học 2023: Điểm học bạ 'lên hương'

Phần lớn các trường đại học đều xét tuyển dựa vào điểm học bạ THPT. Thậm chí chỉ tiêu cho phương thức này chiếm tỉ lệ áp đảo so với các phương thức khác.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp