Nguyên soái Kim Nhật Thành (trái) ký hiệp định đình chiến Triều Tiên và phụ lục hiệp định tạm thời cho Hiệp định đình chiến vào ngày 27-7-1953 - Ảnh: AFP
Trái với những gì phần đông giới quan sát nghĩ, vấn đề cốt lõi cần giải quyết tại cuộc gặp thượng đỉnh ngày 12-6, cũng như bất kỳ cuộc gặp nào theo sau, giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un không phải là phi hạt nhân hóa Triều Tiên.
Bởi lẽ, quyết tâm giải trừ hạt nhân của Bình Nhưỡng đã quá rõ ràng.
Theo cây bút Michael Pembroke – tác giả quyển sách Korea: Where the American Century Began (tạm dịch: Triều Tiên – Nơi thế kỷ của người Mỹ bắt đầu) được xuất bản đầu năm 2018, thứ vẫn còn mơ hồ là liệu Washington sẵn sàng cung cấp cho Triều Tiên những đảm bảo an ninh hay không, vốn là đòi hỏi chính của Triều Tiên.
Còn việc phá hủy kho hạt nhân của Triều Tiên chỉ là vấn đề về thời gian.
Vòng luẩn quẩn ‘đánh và đàm’
Triều Tiên sẽ bất tuân nếu Mỹ chỉ đòi hỏi phi hạt nhân hóa đơn phương mà không kèm các cam kết với nhau.
Nói như nhà ngoại giao nổi tiếng của Mỹ George Kennan, nhìn nhận về an ninh quốc gia của mình, trong khi lại phớt lờ nhu cầu an ninh của người khác, sẽ chỉ chịu sự trách mắng về đạo đức.
Lịch sử đã cho thấy rằng các chính quyền Mỹ trước đây đã liên tục thất bại trong việc cung cấp đảm bảo an ninh cho Bình Nhưỡng, và họ cũng liên tục để tuột mất nhiều cơ hội để ký kết một thỏa thuận hòa bình.
Những ngày cuối của Thế chiến 2 (1939-1945), Liên Xô và Mỹ thống nhất chia bán đảo Triều Tiên thành hai khu vực dọc theo vĩ tuyến 38.
Năm 1948, Triều Tiên và Hàn Quốc đều trở thành những quốc gia có chủ quyền, miền bắc là chính quyền Kim Nhật Thành được Liên Xô hậu thuẫn và miền nam là chính quyền Seoul dưới sự bảo trợ của Mỹ.
Hai năm sau đó, ngày 25-6-1950, Bình Nhưỡng tấn công Seoul, tìm cách thống nhất bán đảo Triều Tiên bằng vũ lực.
Chiến tranh giữa hai miền kết thúc vào ngày 27-7-1953 bằng một hiệp định đình chiến, mà về lý thuyết cả hai miền bán đảo Triều Tiên cho tới nay vẫn trong tình trạng chiến tranh.
Tại hội nghị Geneva năm 1954, nơi Liên Xô, Trung Quốc, Mỹ, Anh và Pháp họp mặt để quyết định vận mệnh của bán đảo Triều Tiên, Ngoại trưởng Mỹ khi đó là John Foster Dulles (dưới thời cựu Tổng thống thứ 34 Dwight Eisenhower) đã duy trì một thái độ "khó bảo", về cơ bản đòi hỏi những thứ mà gần như là sự đầu hàng từ đối phương.
Mặc dù hiệp định đình chiến tạm thời vào năm 1953 được ký kết mang hàm ý sẽ tiếp tục diễn ra các cuộc đàm phán theo sau để dàn xếp êm xuôi mọi chuyện, ông Dulles lại từ chối ngồi vào bàn đàm phán trực tiếp với Trung Quốc.
Ông còn làm mất mặt đại diện của Trung Quốc là Chu Ân Lai khi từ chối bắt tay và rời khỏi cuộc họp sớm.
Sau đó, vào năm 1957, Mỹ đơn phương hủy bỏ điều khoản số 13 của hiệp định đình chiến khi tuyên bố Washington xem xét mang vũ khí hạt nhân đến bán đảo Triều Tiên.
Vào năm sau đó, nước này đã triển khai các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân Honest John tới Hàn Quốc.
Hậu quả kéo theo là vai trò của Ủy ban giam sát các quốc gia trung lập (NNSC) – cơ quan được lập ra theo hiệp định đình chiến để ngăn các bên mang thêm vũ khí hoặc quân nhân tới bán đảo Triều Tiên, bị xói mòn và hiệp định đình chiến bị phá hoại.
Tiêm kích MIG-21 của Triều Tiên đã bắn hạ máy bay do thám EC-121 của Mỹ vào t háng 4-1969. Trong ảnh là chiếc EC-121 được hộ tống bởi tiêm kích F-4 - Ảnh: US NAVY
Cũng dễ hiểu khi xuyên suốt thập niên 1960 (dưới thời chính quyền tổng thống John F. Kennedy và Lyndon B. Johnson), quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên rơi vào trạng thái đối đầu dữ dội.
Năm 1968, Triều Tiên ngăn chặn và bắt giữ tàu thu thập tình báo USS Pueblo của Hải quân Mỹ. Một năm sau, một máy bay gián điệp EC-121 của Mỹ đã bị chiến đấu cơ MIG-21 của Triều Tiên bắn rơi trên Biển Nhật Bản, khiến 31 quân nhân Mỹ thiệt mạng.
Cho đi nhưng… không được nhận lại
Trong thập niên 1970, Triều Tiên đón nhận một chính sách khác, mà được duy trì cho đến tận nay: Một hiệp ước hòa bình là thủ tục cần thiết để đạt được an ninh trên bán đảo.
Trong lá thư gửi tới Quốc hội Mỹ năm 1974, Bình Nhưỡng đã công khai mời Mỹ tham gia các cuộc đàm phán để đạt được một hiệp ước hòa bình thay cho hiệp định đình chiến.
Cả chính quyền tổng thống Richard Nixon và Tổng thống Gerald Ford đều không đưa ra bất kỳ phản hồi nào đối với lời yêu cầu này.
Chính quyền lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành sau đó đề xuất ý tưởng trên với Tổng thống Mỹ Jimmy Carter nhưng chẳng có kết quả gì. Và mặt dù chính sách của ông Carter là giảm số binh sĩ Mỹ ở Hàn Quốc, nhưng Lầu Năm Góc đã phản đối thành công.
Khi ông Ronald Reagan nhậm chức tổng thống thứ 40 của Mỹ vào năm 1981, ông đã tăng sự hiện diện của quân nhân Mỹ tại miền nam của bán đảo Triều Tiên.
Nhà lãnh đạo Mỹ phản đối việc ký kết một hiệp ước hòa bình và đẩy mạnh ghì chặt Hàn Quốc. Người kế nhiệm của ông, Tổng thống George H. W. Bush sau đó rút các vũ khí hạt nhân triển khai ở nước ngoài về nước, giảm số quân nhân ở Hàn Quốc, nhưng lại không xem xét nghiêm túc việc đàm phán một hiệp ước hòa bình.
Cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter (trái) gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành vào ngày 17-6-1994 trong chuyến thăm mà Tổng thống Bill Clinton gọi là "chuyến đi riêng tư" tới Bình Nhưỡng - Ảnh: AP
Cựu Tổng thống Bill Clinton, với hai nhiệm kỳ từ năm 1993-2001, đã đến gần hơn với chuyện giải quyết cuộc xung đột liên Triều "bị đóng băng" so với bất kỳ người tiền nhiệm nào khác.
Thỏa thuận khung (Agreed Framework) vào năm 1994 và Tuyên bố chung vào năm 2000 là những mốc lịch sử quan trọng.
Tuy nhiên, những tiếp xúc cấp cao mang tính hòa bình giữa Mỹ và Triều Tiên đã đổ vỡ khi Tổng thống George W. Bush (Bush con) lên lãnh đạo nước Mỹ với chính sách ngoại giao "diều hâu". Năm 2002, ông Bush đã liệt Triều Tiên vào danh sách các nước thuộc "trục ma quỷ".
Đến năm 2003, Mỹ đã không đáp ứng cam kết của nước này tại Điều 2 của Thỏa thuận khung nhằm "hướng tới bình thường hóa quan hệ chính trị và kinh tế toàn diện".
Đáp lại, Triều Tiên đã rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NNPT).
Cũng trong năm 2003, các cuộc đàm phán 6 bên sau đó được khởi động để phản ứng với việc Triều Tiên tuyên bố nước này có chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và rút khỏi NNPT.
Tuy nhiên, chính quyền ông Bush vẫn duy trì thái độ thù địch và các cuộc đàm phán cũng bỏ lửng.
Năm 2006, Bình Nhưỡng bắt đầu các vụ thử hạt nhân, mà kéo dài cho tới tận cuối năm ngoái.
Khi lên lãnh đạo nước Mỹ vào năm 2009, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã không tích cực giải quyết vấn đề, mà thay vào đó ưu tiên chính sách "kiên nhẫn chiến lược" và trông mong chế độ Triều Tiên sụp đổ. Tuy nhiên, cách tiếp cận đó không đem lại kết quả như mong muốn.
Trong khi các chính quyền tổng thống Mỹ liên tục thất bại trong việc mang đến hòa bình và an ninh cho bán đảo Triều Tiên, chiến lược của ông Kim Jong Un rất rõ ràng kể từ khi ông lên nắm quyền Triều Tiên vào tháng 12-2011.
Mặc dù liên tục thử tên lửa, hạt nhân và bị trừng phạt, ông Kim vẫn luôn mong muốn đạt được một hiệp ước hòa bình cho bán đảo.
Trong giai đoạn 2012-2016, Bình Nhưỡng đã đưa ra ít nhất 5 tuyên bố chính thức bày tỏ sự cần thiết cần phải có một hiệp ước hòa bình.
Chiến lược này đã được "mắt thấy tai nghe" khi Triều Tiên tiếp phái đoàn Hàn Quốc hồi tháng 3 vừa qua.
Theo tường thuật của văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, Triều Tiên nói rằng nước này "không có lý do gì để mà giữ vũ khí hạt nhân" nếu "mối đe dọa quân sự đối với Triều Tiên chấm dứt và an ninh được đảm bảo".
Tự tuyên bố là một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, Triều Tiên giờ sẽ bước vào cuộc đàm phán với Mỹ trong tâm thế tự tin hơn.
Tiếp tục được chuyền "quả bóng" cơ hội, liệu Tổng thống Trump sẽ "đá" tốt hơn những người tiền nhiệm, "ghi bàn" chấm dứt tình trạng thù địch Mỹ - Triều và ký kết một hiệp ước hòa bình hay không?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận