Du khách nhìn về Trung tâm Thương mại thế giới và các tòa nhà của New York trong ngày 11-9 năm nay khi nước Mỹ kỷ niệm 20 năm sự kiện này - Ảnh: Reuters
Nhân kỷ niệm 20 năm sự kiện 11-9, nguyên đại sứ Nguyễn Tâm Chiến gửi tới Tuổi Trẻ bài viết này (tít và tít phụ của Tuổi Trẻ).
Sáng 11-9 năm đó, khi tôi vừa ngồi vào bàn làm việc, anh tham tán chính trị của Đại sứ quán bước vào báo với tôi có tiếng nổ và thấy khói bốc lên ở khu trung tâm thủ đô Washington.
Bàng hoàng
Chúng tôi cùng chạy ra nhìn về phía đó. Chỉ sau vài phút, các đài truyền hình liên tục phát hình ảnh tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại New York bị hai máy bay dân dụng đâm vào đang bốc khói, lửa cháy dữ dội, người dân chạy tán loạn.
Cùng đó là tin Lầu Năm Góc ở thủ đô Washington DC bị một máy bay tấn công, và nơi đó chỉ cách trụ sở làm việc của sứ quán ta chưa tới 4 cây số. Một chiếc máy bay khác nữa bị rơi ở bang Pennsylvania, nằm giữa hai bang New York và Washington.
Tất cả mọi người đều chưa hiểu điều gì đã xảy ra. Không đầy mươi phút sau, cả nước Mỹ bàng hoàng hay tin nước Mỹ bị khủng bố tấn công. Những biểu tượng cho sức mạnh Mỹ về quân sự và kinh tế đều đang bốc cháy!
Tiếp đó là hình ảnh Tổng thống G. Bush đang thăm và nói chuyện ở một trường tiểu học của bang Florida. Khi trợ lý của ông ghé tai báo tin dữ, ông thần người ra một lúc.
Ngay sau đó tổng thống đáp chuyên cơ về thủ đô. Nhưng để phòng ngừa còn các đợt tấn công khác, máy bay của ông hướng tạm về phía tây và hạ cánh xuống sân bay quân sự, sau đó mới bay về Washington trong nỗi sốt ruột của tổng thống vì "người dân Mỹ cần biết tôi đang ở thủ đô".
Sự kiện rung chuyển nước Mỹ đã diễn ra như vậy. Cả thế giới đã chứng kiến những ứng xử tức thời của nước Mỹ sau đó.
Và không phải ai cũng biết hình ảnh người Mỹ rút quân vội vàng khỏi Afghanistan hôm 15-8 vừa qua, kết thúc chuỗi 20 năm mệt nhọc của nước Mỹ ở Nam Á có nguyên do trực tiếp chính là vụ khủng bố ngày 11-9.
Nhớ lại và ngẫm nghĩ
Thực sự, ngày 11-9 đã làm thay đổi hoàn toàn nước Mỹ cũng như chính trị thế giới. Trước hết, nó làm cho nước Mỹ phải tự đặt câu hỏi rằng cách thức ứng xử của họ trong thế giới hiện đại đã đúng và hiệu quả đến đâu. Rằng việc đã chi hàng ngàn tỉ USD và hy sinh hàng ngàn lính Mỹ những năm qua trong cuộc chiến chống khủng bố để "vì mục tiêu cuối cùng là gì?".
Sức mạnh của Mỹ đã được sử dụng phung phí và sai lầm đến mức nào!
Sau 8 năm hai nhiệm kỳ của mình, khi rời Nhà Trắng, Tổng thống G. Bush, người từng phát động ngay sau "11-9" "tiến hành cuộc chiến chống khủng bố và mở rộng dân chủ (kiểu Mỹ) ra toàn cầu", đã tuyên bố ông sinh ra không phải để làm tổng thống thời chiến, và xin lỗi nhân dân Mỹ vì để xảy ra khủng hoảng kinh tế. Hậu quả của sự mở màn từ sau "11-9" đã khiến 3 đời tổng thống Mỹ liên tiếp phải rất chật vật mới có thể rút khỏi vũng lầy về quân sự.
Thứ hai, ngày 11-9 đánh dấu mốc thay đổi vị thế quốc tế của Mỹ. Từ chỗ đang ở thế thượng phong, là siêu cường duy nhất từ sau khi Liên Xô tan rã, Mỹ từng bước thành một cường quốc suy yếu, khó khăn.
Thế giới từ trật tự hai cực Mỹ - Xô đã dần dần đi vào trạng thái đa trung tâm, tùy thuộc nhau ngày càng nhiều, trong đó Mỹ chỉ còn là một trung tâm dù vẫn còn là mạnh nhất.
Các nước lớn là Trung Quốc và Nga tranh thủ sự sa lầy của Mỹ đã lớn mạnh vượt bậc. Những thay đổi trong nền chính trị nước lớn trong quan hệ quốc tế đã và đang diễn ra rất sâu rộng, bắt đầu từ sau vụ khủng bố nước Mỹ năm 2001.
Cuộc chiến Trân Châu cảng cách đây 76 năm là xung đột đầu tiên xảy ra trên đất Mỹ, đưa nước Mỹ vào Thế chiến thứ hai. Cuộc khủng bố 11-9 là cuộc tấn công thứ hai trên đất Mỹ cũng đã kéo theo những hệ quả chiến lược khôn lường đối với nước Mỹ mà tác động của nó chắc sẽ còn lâu dài.
Thứ ba, hệ lụy của "11-9" về chính trị - xã hội đối với nước Mỹ và thế giới đâu đã hết sau 20 năm. Bản thân nước Mỹ vẫn còn nghi ngờ sau từng ấy năm với những tổn thất về người và của, mối lo về chủ nghĩa khủng bố chắc gì đã thành quá khứ với họ?
Xã hội của các nước Hồi giáo như Afghanistan, Iraq qua bao năm bị tàn phá đã trở nên hỗn độn, bất ổn về an ninh, chính trị. Nguy cơ khủng bố trong tương lai với Mỹ cũng như nhiều nước khác vẫn còn để ngỏ. Vùng mềm "liên lục địa Á - Âu" trên bản đồ thế giới tiếp tục là khu vực vô cùng nhạy cảm và phức tạp.
"11-9" và cách ứng xử với nó ra sao vẫn là đề tài thời sự đối với chính trị quốc tế đương đại. Vẫn thấp thoáng đâu đó hình ảnh của Tổng thống Bush đầy quyết tâm ban đầu nhưng rồi rất mệt mỏi về sau trong những năm cầm quyền.
Rồi nữa là kết cục rút lui sau bao cuộc chiến của người Mỹ trong vài chục năm qua, tình hình phức tạp ở các điểm nóng khác hiện nay... Tất cả như đang nhắc nhở các nước về các chính sách hợp dòng chảy chung và hợp lòng người.
Trong số các đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Hoa Kỳ, có lẽ đại sứ Nguyễn Tâm Chiến (giữ cương vị từ tháng 8-2001 đến tháng 9-2007) là người có trải nghiệm đặc biệt nhất khi nói về sự kiện 11-9-2001, bởi biến cố lịch sử xảy ra khi ông vừa qua Mỹ nhận nhiệm vụ và còn chưa kịp trình quốc thư lên tổng thống Mỹ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận