02/03/2020 07:05 GMT+7

1.001 chiêu giả mạo trong công chứng - Kỳ 1: Bỗng dưng mất nhà

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TTO - Giả từ giấy tờ đến thân chủ, giả ở phòng công chứng này bị phát hiện đi đến phòng công chứng khác giả tiếp... Nạn giả mạo trong công chứng đang làm nhiều người điêu đứng và gây ra hàng loạt hệ lụy pháp lý.

1.001 chiêu giả mạo trong công chứng - Kỳ 1: Bỗng dưng mất nhà - Ảnh 1.

Một số giấy tờ nhà đất giả bị công chứng viên phát hiện tại các phòng công chứng - Ảnh: NGỌC HÀ

Việc làm giả giấy tờ công khai đến độ nhiều trang mạng xã hội, trang thông tin quảng cáo rao làm bằng giả, giấy tờ giả... như thật, uy tín tuyệt đối. Và thực tế, người ta đã lừa được rất nhiều công chứng viên.

Ông NGUYỄN TRÍ HÒA (phó chủ tịch thường trực Hội Công chứng viên TP.HCM, tổng thư ký Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam)

Đã gần hai năm trôi qua, bà Nguyễn Thị Lan (ngụ tại đường Thái Phiên, quận 11, TP.HCM) như ngồi trên đống lửa bởi căn nhà của bà bị người ta ngang nhiên bán cho kẻ khác.

Bà Lan là chủ sở hữu nhà và đất ở tại số 239/41 Khuông Việt, P.Phú Trung, Q.Tân Phú. Năm 2016, bà được UBND Q.Tân Phú cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất và các tài sản khác gắn liền với đất (sổ hồng).

Kêu khát nước để... tráo giấy hồng

Tháng 12-2017, bà Lan rao bán căn nhà này. Đầu tháng 1-2018, có một người phụ nữ tên Hiền đến nhà riêng của bà Lan hỏi mua nhà. Bà Hiền đề nghị được xem giấy tờ nhà, bản photocopy sổ hồng, bản sao hộ khẩu, chứng minh nhân dân của bà Lan để tham khảo. 

Các ngày sau đó, bà Hiền lại đến nhà bà Lan xin xem và chụp hình bản gốc sổ hồng. Lúc bà Lan đưa sổ hồng ra thì bà Hiền kêu khát nước và nhờ bà Lan vào nhà lấy nước. 

Tại các đơn khiếu nại và khởi kiện sau này, bà Lan cho biết trong thời gian bà vào nhà lấy nước thì bà Hiền đã đánh tráo lấy bản gốc sổ hồng và trả lại cho bà Lan sổ giả đã chuẩn bị sẵn.

Bà Lan không hề hay biết chuyện gì cho đến ngày 27-1-2018, cán bộ ngân hàng đến nhà bà để thẩm định. Lúc này, bà mới tá hỏa khi biết căn nhà của mình đã được bà Hiền bán cho ông Phan Thành Hưng (32 tuổi). Hợp đồng mua bán nhà đất được lập tại Văn phòng công chứng Sài Gòn (Q.1).

"Tôi khẳng định chưa hề bán căn nhà của mình cho bất cứ ai. Tôi không biết ông Phan Thành Hưng là ai và cũng chưa gặp ông ta bao giờ. Việc Văn phòng công chứng Sài Gòn và công chứng viên chứng nhận hợp đồng công chứng có mặt tôi là công chứng khống, gây thiệt hại rất lớn đến quyền và lợi ích hợp pháp của tôi" - bà Lan bức xúc. 

Đồng thời, bà gửi đơn tố cáo đến Công an Q.11, nộp đơn khởi kiện văn phòng công chứng ra tòa yêu cầu hủy hợp đồng công chứng mua bán nhà giữa bà và ông Phan Thành Hưng. 

Bà Lan cũng có đơn gửi tòa án đề nghị áp dụng ngay biện pháp ngăn chặn cấm chuyển dịch đối với tài sản là căn nhà đang tranh chấp.

Quá trình điều tra, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Q.11 kết luận: chữ ký đứng tên bà Lan trên hợp đồng công chứng là giả; hai dấu vân tay đứng tên Nguyễn Thị Lan trên hợp đồng công chứng không trùng với dấu vân tay của bà Lan được lưu trữ tại Phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an TP.HCM; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất do bà Lan giao nộp được làm giả bằng phương pháp in phun màu.

Theo đuổi vụ việc, bà Lan càng hoảng khi phát hiện căn nhà của bà đã được ông Phan Thành Hưng bán cho bà Trần Tuyết Hà (41 tuổi) với giá 1,9 tỉ đồng. Biết mình bị lừa, bà Hà liền kiện ông Phan Thành Hưng ra tòa.

Theo bà Hà, tháng 2-2018, bà cùng ông Hưng lập hợp đồng bằng giấy tay để mua bán toàn bộ nhà và đất tại đường Khuông Việt, phường Phú Trung. Bà Hà đã thanh toán trước 900 triệu đồng. Hai người lập hợp đồng chuyển nhượng căn nhà nêu trên tại Văn phòng công chứng Đầm Sen, hẹn đến ngày 28-2-2018 sẽ thanh toán nốt 1 tỉ đồng còn lại. 

Tuy nhiên, đến ngày hẹn, bà liên hệ với ông Phan Thành Hưng nhưng không được. Bà Hà khởi kiện ra tòa buộc ông Hưng phải tiếp tục thực hiện hợp đồng mua bán nhà đất tại đường Khuông Việt.

Nhận hai đơn khởi kiện trong cùng một vụ việc, TAND TP.HCM đã thụ lý vụ kiện của bà Trần Tuyết Hà và xác định bà Lan là người liên quan trong vụ án. 

Tuy nhiên, đến nay vụ án đang bị tạm đình chỉ bởi tòa án phải chờ kết luận của cơ quan điều tra về các đối tượng lừa đảo, làm giả giấy tờ bà Lan trong vụ án này.

Đóng giả chủ đất, lãnh án tù

Những vụ việc bỗng dưng mất nhà vì bị làm giả giấy tờ như câu chuyện của bà Lan nêu trên không phải là cá biệt. Nhiều người thấy số tiền lợi trước mắt đã vô tư nhận lời đóng giả chủ đất để đi công chứng mà không biết rằng hành vi ấy là vi phạm pháp luật. 

Tháng 8-2018, bị cáo Trần Văn Lắm (49 tuổi, ngụ tại huyện Củ Chi) đã bị TAND TP.HCM tuyên phạt 10 năm tù vì đóng giả chủ đất để... bán đất.

Vụ việc bắt nguồn năm 2014, Công an thị trấn Hóc Môn tiếp nhận đơn tố cáo của ông Trần Văn Dinh (54 tuổi) về việc có người đóng giả ông để bán đất thuộc quyền sở hữu của ông. 

Ông Dinh có mảnh đất gần 2.000m2, muốn chuyển mục đích từ đất vườn thành đất ở. Ông giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và ủy quyền cho một người tên Phạm Công Minh để thực hiện các thủ tục.

Một thời gian sau, ông Dinh không thấy ông Minh thực hiện thỏa thuận và cũng không liên lạc được nên đã làm đơn cớ mất và xin cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. 

Trong khi làm thủ tục thì ông Dinh mới biết thửa đất của ông đã được chuyển nhượng cho một người tên Nguyễn Đông Cung. Ông Dinh lập tức đến cơ quan điều tra tố cáo có người đóng giả ông để bán đất cho ông Cung với giá 1,2 tỉ đồng. 

Ông Cung cũng làm đơn tố cáo. Quá trình điều tra, Công an TP.HCM đã xác định Trần Văn Lắm là người đóng giả ông Dinh ký hợp đồng chuyển nhượng thửa đất nêu trên.

Tại các phiên tòa, Trần Văn Lắm khai có quen biết với một đối tượng tên Châu Tấn Thành. Thành nói Lắm đóng giả ông Dinh để ra công chứng ký giấy bán hoặc cầm cố nhà cho người khác lấy tiền tiêu xài nên Lắm đồng ý. 

Sau đó, Thành chở Lắm đến gặp một số đối tượng để hướng dẫn việc đóng giả ông Dinh. Thành đưa cho Lắm giấy chứng minh nhân dân mang tên Trần Văn Dinh nhưng lại dán hình của Lắm. 

Tháng 9-2014, Lắm và ông Cung đến Văn phòng công chứng Lý Thị Như Hòa ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất của ông Dinh. 

Đổi lại, Lắm được đối tượng tên Thành cho 7 triệu đồng. Lắm khai không biết ai là người làm giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu giả và giấy xác nhận tình trạng hôn nhân mang tên Trần Văn Dinh.

Cơ quan điều tra không xác định được ai là người làm giả các giấy tờ đứng tên ông Dinh. Tại tòa, bị cáo Lắm khai được một người cho biết đã cho nhân viên Văn phòng công chứng Lý Thị Như Hòa 3 triệu đồng. Tuy nhiên, tòa án cho rằng lời khai này không có cơ sở nên không xem xét.

Công chứng phải bồi thường vì làm sai

Trong bản án vụ Trần Văn Lắm, hội đồng xét xử cho rằng đối với việc thực hiện các quy định của Luật công chứng, công chứng viên và thư ký của Văn phòng công chứng Lý Thị Như Hòa thực hiện quy trình chưa đầy đủ.

Do đó, hội đồng xét xử buộc Văn phòng công chứng Lý Thị Như Hòa có nghĩa vụ cùng bị cáo Trần Văn Lắm bồi thường cho bị hại là ông Nguyễn Đông Cung 1,2 tỉ đồng.

Tháng 10 vừa qua, TAND TP.HCM cũng đã tuyên một văn phòng công chứng tại quận Phú Nhuận phải liên đới bồi thường cho các bị hại số tiền 6 tỉ đồng.

Vụ việc bắt nguồn từ tháng 10-2016, bà Vương Thị Hiền (ngụ quận 1) đăng báo rao bán thửa đất hơn 250m2 ở quận 2. Sau đó, đối tượng tên Minh chưa rõ lai lịch đến gặp bà Hiền hỏi mua đất, yêu cầu được xem giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu.

Lợi dụng sơ hở, Minh đánh tráo sổ đỏ của bà Hiền, thuê người đóng giả bà Hiền đến văn phòng công chứng làm hợp đồng ủy quyền cho Nguyễn Thị Hồng Hạnh đứng tên mảnh đất. Sau đó, mảnh đất này được sang tên cho nhiều người khác.

Hai bị cáo trong vụ án có hành vi lừa đảo để mua bán đất bị tòa tuyên lãnh án tù. Riêng phần dân sự, tòa án cho rằng văn phòng công chứng có sai sót nên phải có trách nhiệm liên đới bồi thường số tiền 6 tỉ đồng cho các bị hại.

Làm 12 sổ đỏ giả để lừa đảo, lãnh 10 năm tù

20200212-nguyen-cong-minhjpg-1581502695747749093625 1(read-only)

Bị cáo Nguyễn Công Minh - Ảnh: DUY THANH

Ngày 12-2, TAND tỉnh Khánh Hòa đã tuyên phạt Nguyễn Công Minh (44 tuổi, trú TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) 10 năm tù về 2 tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức".

Từ tháng 6-2017 đến tháng 11-2017, Minh thuê một người quen trên mạng xã hội làm giả 12 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà (sổ đỏ) đem cầm ở một ngân hàng thương mại để vay tiền tiêu xài.

Theo cáo trạng, do 2 công chứng viên không phát hiện các sổ đỏ mà Minh đem làm hợp đồng mua bán với người khác là sổ đỏ giả nên không cấu thành tội phạm.

Kỳ tới: Muôn kiểu gian dối

Cố tình "khai tử" người thân để bớt phần chia thừa kế; giả các loại giấy tờ có giá trị như giấy chủ quyền nhà đất, giấy đăng ký xe... đến bằng đại học, bằng dược sĩ, bằng trung cấp nghề... rất tinh vi nên không phải loại giấy giả nào cũng bị công chứng viên phát hiện.


Mảnh đất đánh mất ruột rà Mảnh đất đánh mất ruột rà

TTO - Mảnh đất cha mẹ để lại trước đây nằm trong hẻm, giờ ra mặt tiền đã đánh mất tình máu mủ khi 9 anh em đi kiện người còn lại. Bản án sơ thẩm và phúc thẩm chưa thể kết thúc vụ kiện, khi nguyên đơn cho rằng tòa đã bỏ qua nhiều chứng cứ quan trọng.

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp