Phóng to |
Nhiều bệnh nhân phải nằm ngoài hành lang Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - Ảnh: THUẬN THẮNG |
Phóng to |
Bệnh nhi và thân nhân chen chúc ngồi chờ tới giờ đăng ký khám bệnh tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM - Ảnh: T.Thắng |
Theo UBND TP, đây là hai công trình trọng điểm cần được đầu tư nhằm giải quyết tình trạng quá tải. UBND TP cũng kiến nghị được triển khai xây hai bệnh viện trên bằng cơ chế đặc biệt để kịp đưa vào sử dụng cuối năm 2015. Tiến độ thực hiện hai dự án này trong ba năm 2013-2015.
Ba bệnh nhân một giường
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM luôn trong tình trạng quá tải. Số giường bệnh thực kê tại bệnh viện này chỉ có 631 giường nhưng chỉ tiêu giường kế hoạch giao cho bệnh viện hơn gấp đôi (1.300 giường), còn số bệnh nhân nội trú thật sự điều trị trung bình lên tới 1.800 lượt/ngày, gấp gần ba lần số giường thực có, nên bệnh nhân phải nằm chung ba người một giường. Ở khu vực ngoại trú, số lượt bệnh nhân khám tại bệnh viện trung bình lên tới trên 9.500 người/ngày. Là bệnh viện hạng 1 thuộc Sở Y tế TP.HCM nhưng bệnh viện còn gánh trọng trách chỉ đạo tuyến chuyên ngành ung bướu cho tất cả bệnh viện từ Đà Nẵng trở vào.
Trong khi đó, Bệnh viện Nhi Đồng 1 có 1.400 giường bệnh nhưng hai năm gần đây nhận khám và điều trị khoảng 1,7 triệu lượt bệnh nhi/năm. Với số lượng bệnh nhi quá lớn tạo ra tình trạng quá tải trong khám, điều trị, làm xuống cấp nhanh về dụng cụ, trang thiết bị, nhà cửa, vệ sinh môi trường. Bệnh viện Nhi Đồng 2 cũng trong tình cảnh tương tự. Với chỉ tiêu 1.400 giường bệnh, Bệnh viện Nhi Đồng 2 tiếp nhận khám gần 1,4 triệu lượt bệnh và hơn 1 triệu lượt bệnh nhân nội trú. Công suất giường bệnh của hai bệnh viện nhi này luôn ở mức rất cao: 123% (100 giường bệnh “cõng” 123 bệnh nhi).
Theo đề án “Giảm tình trạng quá tải các bệnh viện chuyên khoa, đa khoa trọng điểm trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2012-2015 và giai đoạn 2016-2020” của UBND TP.HCM, ngoài các giải pháp về nhân lực, đào tạo, mô hình... thì TP còn đẩy mạnh việc đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế cho nhiều bệnh viện.
Trong đó, dự án Bệnh viện Nhi Đồng TP.HCM có quy mô 1.000 giường bệnh trên diện tích đất gần 12,5ha tại huyện Bình Chánh và cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu TP. 1.000 giường (giai đoạn 1 đến năm 2015 là 500 giường) trên diện tích đất gần 5,6ha ở Q.9, dự kiến khởi công năm 2013 nhưng đến nay vẫn chưa khởi công xây dựng được.
Chưa nhận được đất
Theo báo cáo của Ban bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Bình Chánh, khu đất xây dựng Bệnh viện Nhi Đồng TP tại xã Tân Kiên, có 35 hộ dân bị thu hồi đất. Hiện nay, UBND huyện Bình Chánh đang tập trung bồi thường để giao mặt bằng cho chủ đầu tư khởi công san lấp mặt bằng, xây dựng bệnh viện trong tháng 7.
Khu đất để xây dựng Bệnh viện Ung bướu 2 tại P.Tân Phú (Q.9) rộng gần 5,6ha ảnh hưởng đến 40 hộ dân và hai đơn vị. Phần đất phải giải phóng mặt bằng của 40 hộ dân có diện tích khoảng 9.200m2, hiện có 37 hộ dân giao đất, UBND Q.9 đã ban hành quyết định cưỡng chế ba hộ dân còn lại. Phần lớn diện tích đất còn lại của dự án này do Trường trung học Kỹ thuật nông nghiệp và Công ty lâm nghiệp Sài Gòn đang sử dụng theo chế độ giao đất không thu tiền sử dụng đất và thuê đất của Nhà nước.
Hai đơn vị này cho nhiều công ty khác thuê lại đất. Khi UBND TP có quyết định thu hồi đất, các công ty trên khiếu nại yêu cầu được hỗ trợ di dời và thuê mặt bằng khác.
Hiện UBND TP đã giao Thanh tra TP giải quyết khiếu nại của các đơn vị sử dụng đất. Các đơn vị này cam kết bàn giao mặt bằng cho Q.9 chậm nhất vào ngày 30-6. Nhưng đến ngày hôm qua, Ban bồi thường giải phóng mặt bằng Q.9 vẫn chưa nhận được đất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận