28/01/2016 10:42 GMT+7

10.000 tỉ đồng bay theo khói thuốc lá lậu mỗi năm

L.SƠN - N.Đ.THẮNG - Đ.VỊNH
L.SƠN - N.Đ.THẮNG - Đ.VỊNH

TT - Dù các biện pháp chế tài đối với hành vi buôn bán, vận chuyển thuốc lá nhập lậu đã được điều chỉnh lên mức “nặng đô”, nhưng tình trạng này vẫn không giảm. Ước tính thiệt hại ngân sách mỗi năm lên đến 10.000 tỉ đồng.

Số lượng thuốc lá “khủng” bị đồn biên phòng Phú Hội (An Giang) thu giữ  - Ảnh: N.Đ.Thắng
Số lượng thuốc lá “khủng” bị đồn biên phòng Phú Hội (An Giang) thu giữ - Ảnh: N.Đ.Thắng

Ngày 27-1, Bộ đội biên phòng An Giang đã bắt giữ một vụ vận chuyển thuốc lá lậu qua biên giới với số lượng lên đến 18.500 gói. Đây được xem là vụ vận chuyển thuốc lá lậu có quy mô lớn nhất từ trước đến nay bị đơn vị này bắt giữ.

Tuồn hàng với số lượng “khủng”

Thượng tá Lê Quốc Việt, đồn trưởng đồn biên phòng Phú Hội, xác nhận vụ việc bị bắt giữ tại khu vực ấp Phú Trung, xã Phú Hội, huyện An Phú (An Giang) khi hai chiếc vỏ lãi chạy từ hướng Campuchia về Việt Nam có biểu hiện khả nghi bị dừng lại kiểm tra.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã thu giữ 18.500 gói thuốc các loại với tổng trị giá hàng hóa và phương tiện trên 320 triệu đồng.

Theo thượng tá Việt, các đối tượng vận chuyển thuốc lá lậu tỏ ra khá tinh vi và liều lĩnh khi tập kết hàng ở khu vực sông Long Tiên thuộc xã Boreycholasar, huyện Boreycholasar, tỉnh Ta Keo (Campuchia), sau đó tháo thuốc ra khỏi thùng, cho vào các bao đựng thức ăn gia súc rồi để vào vỏ lãi, dùng vải và lưới ngụy trang giống như người mua bán cua qua biên giới.

Không chỉ ở tuyến biên giới An Giang, Kiên Giang, tại tuyến biên giới Long An, Tây Ninh..., tình trạng buôn lậu thuốc lá cũng nhộn nhịp không kém. Các điểm tập kết thuốc lá lậu thường ở vị trí “đắc địa” nằm giáp ranh huyện Trảng Bàng (Tây Ninh) và huyện Đức Hòa (tỉnh Long An).

Sau khi tập kết thuốc lá lậu từ biên giới về, các đầu nậu phân cho hàng trăm nài chuyển bằng xe máy đổ bộ đến các điểm tiêu thụ bằng tỉnh lộ 9 đến đường Phan Văn Hớn (H.Hóc Môn) hoặc tỉnh lộ 7 sau đó chia đi các quận nội thành.

Có mặt tại tuyến đường này chiều 25-1, chúng tôi ghi nhận nhiều đoàn xe 5-6 chiếc được “độ lại” phóng hết tốc lực, trên xe chở thùng hàng che kín bạt xanh. Thời điểm này, thay vì tung hoành vào “giờ vàng” từ 4g30 sáng đến tầm 8g30 như trước, nài thuốc lá đang hoạt động liên tục không ngưng nghỉ.

Theo tìm hiểu, ngoài các nhãn hiệu thuốc lá ngoại nhập lậu quen thuộc trước kia, gần đây có thêm nhiều chủng loại mới với giá bán khá rẻ, chỉ 4.000-7.000 đồng/gói.

Dẹp loạn cách nào?

Ông Phan Lợi - phó giám đốc Sở Công thương, thường trực Ban chỉ đạo 389 tỉnh An Giang - cho biết từ đầu năm 2015 đến nay, các lực lượng của tỉnh bắt giữ, tiêu hủy gần 1,5 triệu gói thuốc lá các loại.

Các đơn vị quản lý thị trường, hải quan, biên phòng, công an tập trung kiểm soát, ngăn chặn nhưng tình trạng nhập lậu vẫn chưa giảm, thuốc lá ngoại vẫn có mặt đều trên thị trường.

Đặc biệt, dân buôn lậu chuyển sang vận chuyển nhỏ lẻ, ngụy trang và cất giấu rất tinh vi, tổ chức bố trí người cảnh giới để đối phó, trong khi lực lượng chống buôn lậu thiếu phương tiện, công cụ hỗ trợ, dụng cụ tác nghiệp ban đêm nên khó ngăn chặn.

“Việc xử phạt tiền đối với hành vi buôn bán, vận chuyển thuốc lá nhập lậu theo quy định mới ở mức khá cao. Tuy nhiên, trên thực tế các đối tượng đai vác, vận chuyển phần lớn nghèo và không có nghề nghiệp ổn định nên không có khả năng nộp phạt” - ông Lợi phân tích.

Ở góc độ khác, thượng tá Phạm Quảng Ngãi - chính trị viên đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên - cho rằng cần phải tổ chức lực lượng chuyên trách chống buôn lậu có khả năng triển khai trên nhiều loại địa bàn như vùng biển, vùng giáp biên, khu vực biên giới, kể cả các kho hàng trong nội địa.

“Hiện tại, lực lượng biên phòng gặp khá nhiều khó khăn, trang bị, công cụ hỗ trợ của chúng tôi rất hạn chế” - ông Ngãi giải thích.

Tại buổi tổng kết về phòng chống thuốc lá lậu vừa tổ chức tháng 12-2015, ông Vũ Văn Cường - chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam - cho rằng thiệt hại do thuốc lá lậu rất lớn, ước tính ngân sách thất thu trên 10.000 tỉ đồng mỗi năm cùng hàng triệu lao động thất nghiệp.

Do vậy, để ngăn chặn tình trạng trên Hiệp hội Thuốc lá đã kiến nghị các cơ quan chức năng tiếp tục đẩy mạnh việc kiểm tra, xử phạt. Hiện mức chế tài cho hành vi vận chuyển, kinh doanh thuốc lá lậu từ ngày 5-1-2016 (nghị định 124/2015/NĐ-CP có hiệu lực) đã được điều chỉnh lên mức khá cao.

Cụ thể, hành vi buôn bán thuốc lá lậu có số lượng từ 500 bao trở lên sẽ bị khởi tố thay vì 1.500 bao như trước.

Thuốc lá lậu chứa nhiều thành phần độc hại

Theo báo cáo của Viện Kinh tế kỹ thuật thuốc lá Việt Nam, sau khi phân tích thành phần hóa học trong mẫu sợi và thành phần khói trên máy hút phân tích chuyên dụng phát hiện thấy hai loại thuốc lá điếu nhập lậu Jet và Hero có nhiều chất cấm độc hại với hàm lượng cao.

Cụ thể Coumarin được tìm thấy với hàm lượng khá cao trong cả hai mẫu thuốc lá. Coumarin cùng với các chất độc hại khác hàm lượng cao, vượt mức cho phép gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng và gây ra yếu sinh lý ở nam giới.

Ngăn từ biên giới đến các điểm bán lẻ

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phan Hoàn Kiếm - Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM - cho biết thuốc lá lậu tiếp tục là mặt hàng trọng điểm trong các đợt truy quét thời gian tới. Trong đó tập trung ngăn chặn thuốc lá lậu từ đầu nguồn tại các tỉnh Long An, Tây Ninh chuyển về.

Đồng thời, tại các điểm tập kết thuốc lá lậu lớn như Học Lạc (Q.5), khu vực Q.Tân Phú... được thực hiện gắn camera giám sát hoạt động kinh doanh thuốc lá.

Ngoài việc vận động các chủ kinh doanh ký cam kết không buôn bán thuốc lá lậu, đơn vị kiểm tra thường xuyên, mạnh tay chuyển cơ quan điều tra tiến hành khởi tố nhiều vụ để răn đe, ngăn chặn.

L.SƠN - N.Đ.THẮNG - Đ.VỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp