Đi bộ là hình thức rèn luyện thể lực tốt cho sức khỏe - Ảnh: QUANG ĐỊNH |
Tại buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo TP.HCM với đội ngũ trí thức ngày 20-12 vừa qua, bác sĩ ĐỖ THỊ NGỌC DIỆP, giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP, đưa đề xuất như trên, nhằm xây dựng một xã hội vận động, tăng cường sức khỏe cho cộng đồng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Ngọc Diệp nói:
- Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), để phòng ngừa các bệnh mạn tính không lây và phòng ngừa các bệnh thừa cân béo phì, đồng thời giúp chúng ta có sức khỏe tốt, nên vận động hằng ngày bằng cách đi bộ khoảng 10.000 bước chân. Nhưng hiện nay, qua khảo sát cho thấy ở TP.HCM, nhiều lao động văn phòng chỉ đi bộ khoảng 600 bước mỗi ngày. Điều này gây ra những hệ lụy vô cùng lớn cho sức khỏe.
Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp - giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH |
"Cỡ như tôi mà đi bộ và kêu gọi thì chỉ được vài chục hoặc vài trăm người theo là cùng, một giám đốc sở thì cũng vài ngàn người theo, nhưng các vị lãnh đạo cao nhất TP mà tham gia thì hàng triệu người tham gia theo, sẽ hình thành được phong trào" |
BS Đỗ Thị Ngọc Diệp |
Thừa cân, béo phì ngày càng trẻ hóa
* Theo bà, tình trạng ít vận động ở TP.HCM đáng báo động hay chưa?
- Hiện TP.HCM có hai chỉ số về sức khỏe rất tốt. Một là tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng chỉ 4,1% so với mức 14,6% của cả nước. Hai là chiều cao trung bình của trẻ em tiểu học của TP.HCM đang cao hơn mức trung bình của WHO tính chung cho trẻ em toàn thế giới khoảng 1,2cm.
Nhưng bên cạnh đó cũng có một vấn nạn mà tôi nghĩ rằng cần quan tâm là sự gia tăng kinh khủng của tình trạng thừa cân béo phì, đặc biệt là ở trẻ em. Theo số liệu mới nhất mà Sở Y tế TP mới làm, hiện nay TP có khoảng 41% học sinh trong tuổi học đường (từ 6-18 tuổi) rơi vào tình trạng này.
Đây là một vấn đề sức khỏe rất lớn trên toàn cầu. Ở Việt Nam, TP.HCM có bình quân thu nhập cao nhất, lối sống đô thị là yếu tố thuận lợi hàng đầu của thừa cân béo phì. Vấn đề là tỉ lệ này rất cao, tăng nhanh và ngày càng trẻ hóa.
Hậu quả của thừa cân béo phì là bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch và ung thư, cơ xương khớp, vô sinh, mỡ máu, trầm cảm... Có thể nói, TP có tỉ lệ tăng huyết áp, đái tháo đường cao nhất VN và tương đương với các nước phát triển trên thế giới. Gánh nặng bệnh tật rất lớn, chi phí để điều trị những căn bệnh này là suốt đời.
Nguyên nhân chính của tình trạng này là do chế độ dinh dưỡng không hợp lý, thiếu vận động. Ở TP.HCM, việc hoạt động thể lực của người dân giảm đi rất nhiều, trong khi hoạt động tĩnh tại lại tăng. Là người làm công tác dinh dưỡng sức khỏe, chúng tôi rất lo lắng.
* Vậy nguyên nhân là do đâu?
- Cái khó nhất là điều kiện để luyện tập thể lực của người dân TP hiện nay có những hạn chế nhất định. Trước hết là chúng ta phải ngồi rất nhiều khi đi làm, đi học. Về đến nhà thì các loại màn hình tivi, máy tính lại giúp chúng ta... ngồi yên.
Thứ hai là các phương tiện cơ giới, tiến bộ khoa học làm cho người ta không có hoạt động thể lực nữa. Nhà nhà đều có máy giặt, máy sấy. Rất nhiều nhà dân xây thang máy ở trong nhà, dù nhà có 3 tầng thôi, có thang máy rồi thì tâm lý chung của người ta không muốn đi bộ nữa.
Điều kiện để thực hành lối sống năng động cũng rất khó khăn. Vỉa hè của chúng ta không phải chỗ nào cũng đi được, mấp mô lên xuống, bị lấn chiếm để buôn bán. Đó là chưa kể không an toàn, tôi từng bị một chiếc xe lao vào khi đang đi bộ, bị ngã vỡ đầu gối, phải mổ.
Không gian để vận động gần như rất hạn chế. Nhiều trường học sân trường quá chật. Công viên rất ít và cũng bị lấn chiếm, các cơ sở thể dục thể thao thì không gần khu dân cư, không thuận tiện cho việc tới tập luyện...
Người dân đi bộ và chạy bộ trong công viên Gia Định, Q.Gò Vấp, TP.HCM chiều 27-12 - Ảnh: QUANG ĐỊNH |
Vận động tối thiểu 30 phút/ngày
* Trước tình trạng béo phì đang ngày càng gia tăng, theo bà, cần một phong trào kêu gọi quần chúng tích cực vận động rèn luyện thân thể...
- Để tăng sự vận động hằng ngày, tôi có đề xuất xây dựng một phong trào quần chúng về một lối sống năng động, vận động thể lực tối thiểu 30 phút mỗi ngày, trong đó đo bước chân là một dấu hiệu khách quan. Phong trào rộng khắp, giải quyết tốt hơn vấn đề sức khỏe thì năng suất lao động xã hội sẽ cao hơn.
Nhưng phải tạo điều kiện cho người ta đi bộ. Còn bây giờ hô hào là đi bộ 10.000 bước chân, nhưng nếu vỉa hè không có, công viên không có, không có chỗ nào để đi hết thì mình hô hào cũng như không.
Thứ nhất, vỉa hè đương nhiên phải dành cho người đi bộ. Bây giờ mình phải cải tạo vỉa hè. Kênh Nhiêu Lộc cũng là điều kiện tốt, nhưng phải cố gắng mới tạo ra phong trào quần chúng được.
Những khu dân cư cũ thì cố gắng tận dụng những khoảng không để cho người ta vận động, như đặt những chiếc máy tập. Các khu dân cư mới xây dựng cần phải thực hiện nghiêm quy định có công viên.
Nói về các khu thương mại, công trình công cộng. Ở Nhật, Úc, từ chỗ đậu xe hơi để lên được ga đi tàu điện ngầm bao giờ cũng phải đi bộ từ 10 đến 15 phút.
Từ khi nước Nhật thua trận trong Thế chiến thứ hai và xây dựng chính sách sức khỏe, họ có quy định như vậy, tối thiểu 30 phút vận động mỗi ngày. Cho nên họ mới xây bãi giữ xe cách xa từ 10-15 phút đi bộ, tính cả lượt đi lượt về là 30 phút.
* Để phong trào này phát triển rộng rãi thì cần làm gì?
- Tôi rất mong muốn ở TP.HCM có một phong trào vận động để giải quyết vấn nạn thừa cân béo phì. Tôi có đặt vấn đề lãnh đạo nên nêu gương. Bản chất là truyền cảm hứng vận động cho đông đảo người dân.
Ở nước ngoài, việc này chẳng có gì lạ. Chẳng hạn như khi Tổng thống Putin tập thể thao, ông Obama đi bộ, chạy bộ, bà Obama tham gia vận động cho chiến dịch giảm béo bằng cách không ăn uống những món ngọt... thì thu hút được rất nhiều người tham gia. Những hình ảnh đó đưa lên truyền thông, người dân rất quý mến.
Tôi rất mơ ước ở Việt Nam mình có một lãnh đạo nào đấy, có thể chưa thực sự thon thả, nhưng tham gia phong trào đi bộ thì quần chúng sẽ đi theo người đấy, giống như tấm gương Bác Hồ trước đây, già trẻ lớn bé đều tích cực học tập theo.
* Bà hi vọng các vị lãnh đạo cấp cao sẽ tham gia?
- Tôi nghĩ rằng người lãnh đạo tham gia phong trào rèn luyện sức khỏe phải ở tầm càng cao càng tốt. Và họ phải là người truyền cảm hứng cho người dân. Tất nhiên họ rất bận nhưng tôi tin rằng họ sẽ đồng ý.
Giải pháp để làm mọi người đi bộ là một chính sách sức khỏe. Đầu tư cho phòng ngừa là đầu tư hiệu quả, còn đầu tư cho điều trị là tốn kém hơn nhiều. Chúng ta không thể đòi hỏi tất cả người dân thực hiện điều này. Nhưng một xã hội tốt là xã hội tạo điều kiện cho người dân được thực hành những gì tốt nhất.
Bây giờ TP.HCM đang xây dựng TP thông minh, TP có chất lượng sống tốt, thì việc tạo điều kiện như trên là rất phù hợp.
Cơ hội ngàn vàng * Khi đề xuất xây công trình công cộng, trung tâm thương mại phải có bãi giữ xe cách xa, cho người dân đi bộ 15 phút mới đến nơi cần tới, bà có nghĩ rằng đề xuất này sẽ bị người dân phản ứng hay không? - Mấu chốt là phải làm cho người dân hiểu rằng đây là cơ hội ngàn vàng để vận động, có sức khỏe tốt mà không phải mất tiền, mất thời gian đến phòng tập. Chúng ta tạo điều kiện để người dân thực hành lối sống tích cực, đồng thời cũng tạo điều kiện cho người tàn tật, người già không phải đi bộ, chứ không phải đưa ra quy định là tất cả mọi người đều phải dừng lại cách đó 10-15 phút. Tôi được biết, trước đây khi TP định cho đường Đồng Khởi thành phố đi bộ, các khách sạn phản đối, cho rằng du khách vào không được. Nhưng thực chất, nếu làm phố đi bộ thì xe chở hành lý, xe lăn... vẫn chạy vào tận nơi được. |
Thủ tướng Thái buộc công chức tập thể dục Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha vừa ban bố chính sách quy định việc tập thể dục của viên chức nhà nước, theo đó cán bộ công chức phải tham gia tập thể dục vào mỗi thứ tư hằng tuần, từ 3g30 - 4g30 chiều, bắt đầu từ ngày 30-11. Theo báo Bangkok Post, chính sách này được đưa ra sau khi thủ tướng Thái nghe báo cáo tại một hội nghị quốc tế về hoạt động thể chất trước đó. Báo cáo cho biết người dân Thái Lan, cả già lẫn trẻ, đều dành nhiều giờ trong ngày cho các hoạt động ít mang tính vận động, đặc biệt là xem tivi và mê mẩn smartphone. “Sức khỏe của các bạn sẽ được cải thiện, đồng thời đây cũng là cơ hội quý báu cho các bạn thực hiện nhiệm vụ của mình đối với đất nước”, báo The New York Times trích lời kêu gọi của Thủ tướng Prayuth. Ngày 21-12 vừa qua, Thủ tướng Prayuth cũng lãnh đạo một nhóm cán bộ công chức và nhân viên Tòa nhà Chính phủ tiến hành buổi tập thể dục hằng tuần lần thứ 5. Buổi tập bắt đầu bằng một bài khởi động, trước khi người tham gia bước vào bài tập aerobic dài 15 phút dưới sự hướng dẫn của cán bộ từ Cơ quan Thể thao Thái Lan. Sau đó thủ tướng còn chơi bóng bàn với cán bộ Bộ Văn hóa và phóng viên. Sáng kiến của thủ tướng Thái Lan nhận được sự ủng hộ của WHO. Theo Văn phòng thông tin quốc gia Thái Lan, tiến sĩ Margaret Chan - tổng giám đốc WHO - gửi lời chúc mừng Thủ tướng Thái Prayuth Chan-ocha trong việc phát động sáng kiến tập thể dục cho công chức. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận