Phóng to |
Người dân vẫn sinh hoạt bình thường, trong khi chỉ hai tháng nữa nơi họ ở trở thành lòng hồ thủy điện - Ảnh: Thái Bá Dũng |
Ông Trương Văn Minh - phó Ban quản lý di dân tái định canh định cư các công trình thủy điện Kon Plông - cho biết ngày 8-7, gần 600 bộ đội, cán bộ thuộc các đơn vị đã được huy động vào trung tâm xã Đắk Nên di dời nhà cửa, tài sản người dân lên các khu đồi cao để tránh lũ.
Người dân chưa biết đi đâu
Chủ đầu tư: chậm trễ do thủ tục, thời tiết Ông Đặng Hữu Thắng - phó giám đốc Công ty cổ phần thủy điện Đắk Đrinh (Tập đoàn Dầu khí quốc gia), cũng là chủ đầu tư - giải thích việc di dân tại công trình thủy điện chậm trễ là do trong quá trình thực hiện chủ đầu tư đã mất nhiều thời gian để lo các thủ tục; thời tiết khắc nghiệt, mùa mưa kéo dài khiến việc xây dựng các hạng mục cũng chậm tiến độ. Thủy điện Đắk Đrinh xây dựng trên địa phận huyện Sơn Tây (tỉnh Quảng Ngãi). Lòng hồ công trình thuộc huyện Sơn Tây và huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum). Hai tổ máy có tổng công suất 125MW. |
Trước đó, có mặt tại khu vực lòng hồ công trình thủy điện Đắk Đrinh ngày 4-7, chúng tôi ghi nhận không khí sinh hoạt bình thường. Nếu không có thông tin thì khó có thể biết toàn bộ trụ sở UBND xã Đắk Nên, các trường học, các thôn làng chỉ vài tháng nữa sẽ bị nhấn chìm trong biển nước. “Tới tháng 9 này xã sẽ bị ngập nước nhưng hiện người dân vẫn chưa di dời vì chưa có nơi ở. Chúng tôi rất lo lắng và bất an” - chủ tịch UBND xã Đắk Nên nói.
Theo thống kê, để triển khai dự án thủy điện Đắk Đrinh, 217 hộ dân với gần 1.000 người tại xã Đắk Nên buộc phải di dời nhà cửa. Nhiều người cho biết họ đã nghe thông tin nước hồ thủy điện sẽ ngập hết nhà cửa, ruộng vườn nhưng giờ vẫn chưa biết đi đâu về đâu.
Bà Y Núi (thôn Xô Luông, xã Đắk Nên) cho biết nhà cửa của bà nằm trong phần ngập của lòng hồ nhưng hiện nay mới chỉ nhận được 150 triệu đồng tiền đền bù hoa màu. “Mình nghe nói nước sẽ ngập làng hết nhưng hiện giờ dân làng ở đây vẫn chưa chuyển đi vì không biết ở đâu” - bà Y Núi nói.
Trong khi đó bà Đinh Thị Uông - hộ dân cùng thôn - nói: “Gia đình mình và cả làng ở đây vẫn đi rẫy sản xuất bình thường, nhà cửa, nhiều hàng quán trong làng vẫn chưa chuyển đi, làng vẫn chưa có gì thay đổi cả, khi nào nước lên người làng chạy thì mình cũng chạy thôi”.
Di dời dân vào nhà chưa hoàn thiện
Ông Trương Văn Minh cho biết trong khi việc di dân, tìm chỗ ở chưa thực hiện được thì thân đập của thủy điện Đắk Đrinh đã được triển khai. Đập này chắn ngang sông Đắk Đrinh gồm một cống xả đáy (cao 3,6m, rộng 3m) và cống tràn phía trên.
Bình thường nước sông Đắk Đrinh giữ ở lưu lượng nhỏ nên cống xả đáy lưu thông tốt, nhưng khi mưa lớn đột xuất thì hàng triệu mét khối nước sẽ bị dồn ứ lại và gây ngập toàn bộ xã Đắk Nên. “Kể cả khi không chặn dòng thủy điện mà có bão lớn, xã Đắk Nên cũng sẽ ngập” - ông Minh khẳng định.
Theo UBND huyện Kon Plông, sở dĩ xảy ra nguy cơ trên là do chủ đầu tư công trình thủy điện Đắk Đrinh quá chậm trễ trong việc thực hiện dự án, việc phối hợp triển khai di dân tái định cư diễn ra ì ạch.
Dự án được triển khai từ năm 2007, tới năm 2011 chủ đầu tư mới bắt tay vào việc kiểm đếm, đo đạc, thống kê việc đền bù tái định cư cho dân.
Cuối năm 2012, các thủ tục liên quan đến dự án này được thông qua, tháng 3-2013 việc chi trả đền bù mới được bắt đầu và mới đây những ngôi nhà tái định cư đầu tiên cho dân mới được dựng móng. Ông Minh dự báo với tiến độ như hiện tại thì việc di dân về làng tái định cư không thể thực hiện trước mùa mưa bão.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Kon Tum đã yêu cầu địa phương và chủ đầu tư di dời khẩn cấp toàn bộ 217 hộ dân lên khu vực an toàn. Ông Minh cho biết trong hai ngày qua ở trung tâm xã Đắk Nên có mưa lớn, nước sông Đắk Đrinh lên nhanh.
Hôm nay 9-7, những hộ dân đầu tiên sẽ được đưa về các làng tái định cư. Hiện nhà tái định cư chưa hoàn thiện nhưng trước mắt người dân sẽ dọn tạm vào các ngôi nhà này để ở qua mùa mưa lũ. UBND huyện Kon Plông đã trang bị áo phao, các vật dụng cần thiết và nhân lực để tổ chức cứu dân khi có lũ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận