"Những người di cư đóng góp ra sao cho nền văn hóa ẩm thực đường phố Sài Gòn?" - Nguồn: dự án Make A Statement của Dear Our Community, Oxfam in Vietnam hợp tác cùng RICE
Không riêng cô Năm, theo khảo sát Social Life và Oxfam in Vietnam, có hơn 60% người kinh doanh ở vỉa hè rơi vào tình trạng "cụt vốn". Dù đóng góp đến hơn 13% tổng GDP của TP.HCM, những người lao động di cư đang phải đối mặt vô vàn khó khăn.
Sau dịch bệnh, có bao nhiêu quán quen vỉa hè bán lại, bao nhiêu người bỗng dưng vắng bóng? Những thực khách như chúng ta biết gì về những thân phận đằng sau những gương mặt luôn tươi cười dễ mến của các cô chú buôn bán vỉa hè? Và chúng ta có thể làm gì?
Đặt ra những câu hỏi "nhói lòng" đó, buổi talkshow "Ẩm thực đường phố, ngồi xuống kể nghe!" do Dear Our Community phối hợp cùng RICE Content, Media, Oxfam, Viện Nghiên cứu Social Life và Sài Gòn Ùm tổ chức đã mang đến nhiều câu chuyện đáng suy ngẫm.
Có bao giờ bạn tưởng tượng một Sài Gòn không còn ẩm thực đường phố? Liệu văn hóa ẩm thực đường phố có thể tồn tại lâu dài trong tương lai? - Nguồn: dự án Make A Statement của Dear Our Community, Oxfam in Vietnam hợp tác cùng RICE
Bấp bênh "đồng ra, đồng vào"
Với cô Năm, đó là hành trình 32 năm buôn bán vỉa hè ở Sài Gòn. 27 tuổi rời quê miền Tây lên thành phố kiếm tiền nuôi 2 con, cô không nghĩ chuyến đi của mình kéo dài hơn nửa đời người. 11 năm bán nước mía thuê, học cách nấu nước mắm bán bánh ướt từ một anh bán hàng rong tốt bụng, rồi bán thêm bột chiên lòng đào hai buổi sáng chiều.
Quầy bột chiên giúp cô có đồng ra đồng vào nuôi con trưởng thành, mới có thêm cháu ngoại. Nhưng cũng chính sự bấp bênh đó dễ khiến các quán vỉa hè bị ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch COVID-19, nhất là các hàng quán lâu năm chỉ dựa vào mối quen thân, khó tiếp cận công nghệ như cô Năm.
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Lộc - viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội SocialLife - "đồng ra đồng vào" là một đặc trưng của kinh tế vỉa hè, là chi phí vận hành một gia đình, cũng thể hiện nghị lực của những người lao động nhập cư.
Họ không mong được viện trợ tiền bạc mà chỉ mong hết dịch, xoay xở được vốn để bán lại, tự mình phấn đấu cho cuộc sống và sẵn sàng tương trợ nhau lúc khó khăn. Vốn liếng kinh doanh của họ là cả cuộc đời. Đó cũng là vốn quý giúp TP.HCM trở thành một vùng đất dịch vụ linh hoạt, cởi mở và đầy bao dung.
Tuy nhiên, hành vi tiêu dùng đang thay đổi sau dịch và theo đà phát triển công nghệ. Những người như cô Năm được ví như chiếc lá bay là đà trên hè phố, không bám vào thân cây và rất mong manh trong tương lai. Họ cần được quan tâm hơn từ nhiều phía.
Viết review cho ẩm thực đường phố
Là nhà báo chuyên điều tra các vấn đề xã hội và di cư cho báo quốc tế SCMP, Al Jazeera, Sen Nguyễn chia sẻ: "Văn hóa đường phố được tạo nên bởi rất nhiều người di cư. Chúng ta không cần phải học theo phương Tây mới là xanh sạch đẹp.
Chúng ta có thể giữ văn minh cho ẩm thực đường phố theo cách riêng bằng cách học hỏi từ các quốc gia, vùng lãnh thổ lân cận như Thái Lan, Đài Loan, Singapore…; nên học cách "bán bản sắc" của mình cho thế giới, dung hòa giữa cũ và mới, cân bằng giữa làn sóng số hóa".
"Sau dịch, nhìn những khu chợ, những khu ăn vặt từng rất sầm uất, được các kênh du lịch nổi tiếng của nước ngoài đến review giờ đây trống vắng, mình rất xót xa." - là người thích lê la vỉa hè, đầu bếp Nickie Tran, chủ chuỗi nhà hàng Kậu Ba Quán và admin nhóm Food Review Sài Gòn Ùm với hơn 800.000 thành viên, trăn trở.
"Nét đẹp của ẩm thực đường phố không phải là công nghệ để bấm app book về, mà từ những người như cô Năm, những cô chú luôn cởi mở thân tình, sẵn sàng "cho nợ" khi thấy khách lúng túng vì quên ví, sẵn lòng lấy rẻ hoặc tặng luôn những ai gặp khó.
Ẩm thực đường phố là nét đẹp của Sài Gòn. Thiếu vắng họ thì Sài Gòn cũng không còn là Sài Gòn như vốn có nữa".
"Sài Gòn Ùm là một group cộng đồng chuyên tìm kiếm những người như cô Năm và những bạn trẻ khởi nghiệp để viết review. Các bạn không chỉ viết về món ăn, mà chia sẻ những kỷ niệm, câu chuyện về những con người tạo nên các nét đẹp văn hóa ẩm thực đó.
Dù ít tính thương mại và được cộng đồng tin cậy, nhưng group cũng chưa làm được gì nhiều để hỗ trợ các cô chú.".
Anh cũng mong những người bán vỉa hè sẽ được nhìn nhận công bằng hơn, họ không hề "ăn bám" hay gây mất mỹ quan đô thị, mà đang đóng góp cả vật chất lẫn tinh thần cho xã hội. Quan trọng là cách chúng ta quy hoạch lại ẩm thực đường phố với góc nhìn tử tế và yêu thương hơn.
"Chúng ta cần những dự án thiết thực, và từ nhiều phía" - PGS.TS Nguyễn Đức Lộc nhận xét. "Để những người như cô Năm "lên app" thì khó, nhưng có nhiều người trẻ chung tay xây dựng lại hay. Hãy "bán" những câu chuyện ẩm thực đường phố như một điểm nhấn thú vị cho du khách.
Có những sản phẩm rất cần câu chuyện để quảng bá, ẩm thực đường phố đã có sẵn câu chuyện. Việc của chúng ta là cùng quan tâm, lắng nghe và kể nó ra".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận