Máy bay IL đưa lãnh đạo từ Hà Nội vào Sài Gòn tháng 5-1975 - Ảnh tư liệu |
Súng vẫn còn nổ. Vài chiếc trực thăng vẫn cố gắng rời phi trường rực lửa, đầy lỗ pháo bom. Ngọn cờ cách mạng được treo sớm nhất ở Sài Gòn này đã báo hiệu giờ phút kết thúc chiến cuộc 20 năm. Phi trường lớn nhất Việt Nam rẽ bước ngoặt lịch sử mới...
Nhóm tiếp quản Nam tiến
42 năm trôi qua nhưng đại tá Phan Tương, nguyên giám đốc phi trường Tân Sơn Nhất, vẫn không quên:
“Ngay khi mới giải phóng Buôn Ma Thuột, đại tướng Hoàng Văn Thái đã mời Bộ tư lệnh Phòng không - không quân làm việc. Hôm ấy có mặt tư lệnh, trung tướng Lê Văn Tri và chính ủy, trung tướng Hoàng Phương. Đại tướng nói ngay cần thành lập Bộ tư lệnh tiếp quản hàng không - không quân miền Nam. Bộ này phải gọn nhẹ, cán bộ lấy từ những người am hiểu không quân”.
Ông Tương kể thêm sau đó Bộ tư lệnh này được thành lập với tư lệnh là Đào Đình Luyện, phó tư lệnh Hoàng Ngọc Diêu, tham mưu trưởng Phan Tương, chủ nhiệm chính trị Hồ Luật.
Nhiệm vụ cụ thể là ngay sau khi sân bay, căn cứ không quân nào được giải phóng, họ phải có mặt để nhận bàn giao và quản lý.
Họ chia thành hai đoàn tiếp quản, một đoàn đi đường bộ, một đoàn vào đường biển. Ông Phan Tương thuộc đoàn đường bộ và đã lên chiếc IL14 do cơ trưởng Hoàng Ngọc Trung lái hạ cánh xuống Đà Nẵng ngay sau khi phi trường này được giải phóng.
Sau đó, họ tiếp tục lên một chiếc Jeep chiến lợi phẩm theo đoàn quân Nam tiến lần cuối cùng. 4h sáng 1-5-1975, ông Tương đến sân bay Biên Hòa. Tướng Lê Trọng Tấn đang có mặt ở đây chỉ đạo ngay:
“Phi trường quân sự Biên Hòa cho không quân quản lý. Còn Phan Tương vào Tân Sơn Nhất khôi phục hoạt động, chuẩn bị đón tiếp lãnh đạo trung ương vào thăm miền Nam”.
Cầm giấy ủy nhiệm ký tên Ba Long, tức Lê Trọng Tấn, 3h sáng 2-5 ông Tương có mặt ở Tân Sơn Nhất. Trước đó, Quân đoàn 3 đã giải phóng phi trường, chỉ huy trưởng lực lượng bảo vệ dẫn ông đi xem đường băng, đài kiểm soát, kho xăng dầu, xưởng sửa chữa và nhiều máy bay còn lại...
Nhiệm vụ khôi phục hoạt động phi trường Tân Sơn Nhất rất khẩn cấp, nhưng đội tiếp quản lại thiếu người chuyên môn. Thậm chí, đội ngũ hàng không từ phi trường miền Bắc vào cũng rất khó đảm đương ngay, bởi hai hệ thống kỹ thuật khác nhau hoàn toàn và Tân Sơn Nhất lại quá lớn và hiện đại.
Ngay 10h sáng 2-5, ông Tương phải ra Đài phát thanh Sài Gòn, nhân danh Ban quân quản Tân Sơn Nhất kêu gọi đội ngũ chuyên gia, công nhân viên cũ của phi trường này trở lại làm việc:
“Hỡi anh chị em đã làm việc tại sân bay Tân Sơn Nhất. Miền Nam đã giải phóng, Sài Gòn đã giải phóng... Anh chị em muốn trở lại làm việc cho hàng không, chúng tôi mời đến ghi danh tại nhà ga quốc nội. Chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận anh chị em. Ban quân quản”.
Đầu giờ chiều cùng ngày, bàn đăng ký ở nhà ga đã thấy hơn 100 người tìm đến. Ông Phan Tương ra bắt tay chào và nói nhanh:
“Tân Sơn Nhất bây giờ đã có chủ mới: Anh chị em và chúng tôi”. Sau đó, ông thông báo những công việc cần phải làm như dọn dẹp, sửa chữa đường băng, tổ chức an ninh - an toàn, thiết lập hệ thống liên lạc, rồi cấp lại giấy ra vào cổng tạm thời...
8h tối hôm đó, ông điện về Hà Nội, báo cáo Bộ Tổng tham mưu và Quân chủng phòng không - không quân rằng từ ngày 3-5, Tân Sơn Nhất đã có thể đón máy bay miền Bắc vào.
Qua hôm sau, chuyến bay IL-14 chở theo nhóm cán bộ đầu ngành hàng không - không quân vào hỗ trợ Tân Sơn Nhất. Chiều trở ra, chính chiếc máy bay này đã chở tướng Lê Trọng Tấn đi Hà Nội báo cáo tình hình với Bộ Chính trị.
Những chuyến bay đặc biệt
Hai ngày trước đó, 1-5-1975, chuyến bay đầu tiên mang cờ đỏ sao vàng đáp xuống Tân Sơn Nhất là chiếc trực thăng MI-6 số hiệu 07 của lữ đoàn 919 do phi công Lê Đình Ký lái chính. Chuyến bay này mang theo “kiện hàng” rất đặc biệt là hơn 5 tấn cờ để treo khắp Sài Gòn.
Đến ngày 13-5, Tân Sơn Nhất lại đón nhận một chuyến bay có ý nghĩa lịch sử. Chiếc IL-18 số hiệu VN -195 chở gần 40 lãnh đạo, cán bộ cấp cao gồm Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng... vào thăm miền Nam.
11h45, máy bay hạ cánh xuống đường băng Tân Sơn Nhất. Dẫn đầu đoàn người miền Nam ra chào đón là Bí thư Trung ương Cục miền Nam Phạm Hùng và tư lệnh quân giải phóng miền Nam Việt Nam, tướng Trần Văn Trà...
Nhiều năm nhắc nhớ kỷ niệm những ngày tiếp quản phi trường lớn nhất Việt Nam, ông Phan Tương vẫn chưa quên lần đầu tiên ngồi trên chuyến bay do chính phi công quân sự của Việt Nam cộng hòa cũ lái.
Hôm ấy ông muốn đi kiểm tra tình hình hai sân bay Đà Lạt, Nha Trang và về Tân Sơn Nhất trong ngày. Tuyến bay này chỉ sử dụng phi công và máy bay chế độ cũ là tiện nhất.
Ông gọi nhóm phi công xin tái làm việc và hỏi có ai phù hợp với yêu cầu của mình. Họ giới thiệu ngay một phi công tên Lá có thâm niên lái DC3 và OV10. Anh ta hào hứng vạch ngay đường bay Tân Sơn Nhất - Đà Lạt - Nha Trang - Tân Sơn Nhất.
Mỗi phi trường nghỉ lại khoảng một giờ và sẽ về Tân Sơn Nhất trước 18h cùng ngày. Lá cũng đề nghị chọn OV10, loại trinh sát cơ của không lực Sài Gòn để có thể bay suốt nhiều giờ mà anh ta tự tin mình lái giỏi nhất.
10h sáng, viên cựu đại úy phi công Sài Gòn chở vị đại tá cộng sản miền Bắc rời đường băng Tân Sơn Nhất. Máy bay êm ái, người lái điêu luyện, cất - hạ cánh chính xác lịch trình. Khi hạ cánh xuống Nha Trang, anh ta xin ông Tương cho về nhà 20 phút để báo vợ con biết mình vẫn còn sống sau chiến cuộc.
Ông Tương gật đầu ngay và cho người trợ lý đi cùng để động viên tinh thần gia đình. 17h30, chiếc OV10 lại hạ cánh xuống Tân Sơn Nhất, người phi công Sài Gòn trở lại khu trại mà anh và bạn bè phi công được phân ở đó 24/24 giờ trong thời kỳ đầu quân quản.
Kể chuyện thời kỳ đầu tái vận hành phi trường lớn nhất của chính quyền miền Nam để lại, ông Tương nhớ suốt nửa đầu tháng 5-1975, hầu như ngày nào cũng có 1-2 chuyến bay chở cán bộ và phương tiện kỹ thuật từ miền Bắc vào.
Có một chi tiết đặc biệt là chính phi công Huỳnh Minh Bon và chiếc DC6 của chế độ cũ để lại đã thực hiện nhiều vòng bay chở pháo hoa vào biểu diễn trong Lễ chiến thắng 15-5-1975.
Sau tháng 4-1975, hàng không dân dụng do Bộ Quốc phòng quản lý. Lữ đoàn không quân 919 tiếp quản Tân Sơn Nhất. Ngày 15-5-1975, hai máy bay IL-18 và JAK-40 của lữ đoàn không quân 919 đưa đoàn cán bộ, sĩ quan vào Tân Sơn Nhất. Họ bố trí ở khu doanh trại của sư đoàn 5 không quân Sài Gòn cũ. Số máy bay dân sự ghế mềm của chính quyền cũ để lại gồm 14 chiếc kiểu DC. Trong đó có 7 chiếc DC3, 5 chiếc DC4 và hai chiếc DC6. Đồng thời có 2.166 nhân viên của Nha Hàng không dân sự, Nha Căn cứ hàng không Tân Sơn Nhất và Air Vietnam cũ được gọi trở lại làm việc. Về máy bay vận tải quân sự, Tân Sơn Nhất còn lại 76 chiếc các kiểu C130, C119, C7A, C47, DC4... Về sau, Bộ Quốc phòng thành lập bốn trung đoàn không quân 916, 917, 918, 919. Các máy bay chở khách ghế mềm thuộc trung đoàn 919 quản lý, các vận tải cơ quân sự thu hồi được thuộc trung đoàn 918, các máy bay trực thăng UH1, CH47, L19, U17 về trung đoàn 917. |
- Kỳ tới: Thời kỳ khó khăn
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận