29/03/2019 12:29 GMT+7

100 năm Bà Nà - Kỳ 5: Không gian Pháp ở Bà Nà

Đ.CƯỜNG - TR.TRUNG
Đ.CƯỜNG - TR.TRUNG

TTO - Trải qua 100 năm, thời gian và chiến tranh đã hủy hoại "Mùa xuân nước Pháp "trên đỉnh Bà Nà. Và hôm nay, Bà Nà đã có nhiều thay đổi với những công trình gợi nhớ về một thời xa xưa của nước Pháp.

100 năm Bà Nà - Kỳ 5: Không gian Pháp ở Bà Nà - Ảnh 1.

Phía trong hầm rượu Debay - một điểm đến yêu thích của du khách - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Chúng tôi mong muốn người Việt Nam và du khách quốc tế có thể trải nghiệm một nước Pháp thu nhỏ ngay tại Bà Nà

KTS Philip Andrew Hocking

Hầm rượu Debay

Tiếng nhạc Pháp du dương, trời se se lạnh, sương trắng bồng bềnh ngỡ như có thể với tới, những nhóm du khách Hàn Quốc thích thú ngồi ở Debay bar nhấm nháp từng ngụm vang ngon lành.

Ở Bà Nà hiện nay, có lẽ hầm rượu là nơi mà dấu tích xưa của người Pháp thuở sơ khai còn lại nguyên vẹn nhất. Hầm được đào sâu vào lòng đất, vách hầm được xây bằng đá núi, vữa làm từ hỗn hợp đường - nhựa cây bời lời, vòm được làm hình vòng cung để đảm bảo sự an toàn. 

Vì vậy mà đến ngày nay hầm rượu vẫn khá nguyên vẹn trong khi hàng trăm ngôi biệt thự đã trở thành phế tích. Trong hầm, các thùng rượu bằng gỗ sồi được xếp ngăn nắp bên đường đi. Căn hầm có diện tích rất nhỏ nhưng đủ các phòng: phòng lớn, phòng tiệc và kho để rượu...

Năm 1997 khi đoàn công tác của Sở Du lịch Đà Nẵng đi khảo sát Bà Nà để thực hiện ý tưởng khôi phục khu nghỉ dưỡng này, họ đã phát hiện hầm rượu mà người Pháp bỏ hoang từ những năm 1945. Năm 2011, Bà Nà Hills tiến hành khôi phục căn hầm rượu này và đặt tên là hầm rượu Debay.

Có nhiều năm làm việc tại Bà Nà, chị Nguyễn Thị Thanh Huyền, HDV của Công ty CP Dịch vụ cáp treo Bà Nà, cho biết hầm rượu này được xây dựng từ năm 1923. Đó là một công trình sở hữu tập thể gồm 14 người Pháp góp tiền để xây dựng. 

Nhưng đến nay chỉ xác định được hai người là ông Morin và luật sư Beisson. Khi hầm được xây dựng xong, những chai rượu vang của Pháp được vận chuyển tới Bà Nà để bảo quản và phục vụ các buổi tiệc dành cho người Pháp.

Năm 2013, có một du khách Pháp lớn tuổi đến thăm hầm rượu Debay. Khi đứng trước cửa hầm, ông ta đã xúc động bật khóc. Hướng dẫn viên hỏi chuyện mới hay vị khách là con cháu của ông Morin. "Ở nhà tại Pháp còn vài bức hình của ông Morin từng ở Việt Nam và hình ông trong căn hầm rượu này" - chị Huyền cho biết.

Hầm rượu Debay có nhiệt độ từ 16-20 độ C, có 14 hốc rượu, gồm 11 hốc nhỏ và ba hốc lớn. Thời Pháp thuộc, mỗi hốc rượu này đều có chủ nhân đăng ký gửi rượu cất giữ trong hầm. Họ là chủ nhân những ngôi biệt thự hoặc khách sạn tại Bà Nà. Rượu được mang ra tiếp đãi khách quý trong những buổi khánh tiết...

100 năm Bà Nà - Kỳ 5: Không gian Pháp ở Bà Nà - Ảnh 3.

Phía trong hầm rượu Debay - một điểm đến yêu thích của du khách - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Làng Pháp thu nhỏ

Cách hầm rượu Debay không xa là một ngôi làng Pháp. Ngôi làng hiện lên như một nước Pháp thu nhỏ ẩn hiện mờ ảo trong màn sương. Những dòng người thích thú đổ về đây để đắm chìm trong một không gian Pháp.

Đại diện Sun World Ba Na Hills chia sẻ trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, Bà Nà thuở sơ khai với các dấu tích Gothic đã dần bị lãng quên. Tới những năm của thập niên 2000, Bà Nà mới được tập đoàn này nâng cấp và đầu tư bài bản để thành khu nghỉ dưỡng đẳng cấp. Làng Pháp được tái hiện, lấy cảm hứng từ những phác thảo chân thực trong cuốn nhật ký hành trình xuyên nước Pháp đầy thú vị của nhà truyền giáo người Pháp Pign De Aune - người đã được Nguyễn Ánh tặng món quà là Bà Nà.

KTS Philip Andrew Hocking - phụ trách đơn vị tư vấn thiết kế cho dự án Làng Pháp - cho biết Làng Pháp được tái hiện theo phong cách kiến trúc vào khoảng thế kỷ thứ 12, 13, 14 của nước Pháp.

100 năm Bà Nà - Kỳ 5: Không gian Pháp ở Bà Nà - Ảnh 4.

Cầu Vàng trên đỉnh Bà Nà - Ảnh TTO

Làng có bảy khu vực, mỗi khu đều có cái "chất" riêng, là những miền đất đã để lại trong Pign Aune nhiều xúc cảm. Ngay trước quảng trường trung tâm, nơi diễn ra các lễ hội âm nhạc hấp dẫn du khách là thánh đường St. Denis. 

Đây là một trong những công trình đầu tiên mang dấu ấn của kiến trúc Gothic. Nét độc đáo của thánh đường này chính là những mái vòm, tường đá xù xì, các khung cửa kính đầy sắc màu, được thiết kế mềm mại mang hình dáng những cánh hoa hồng bên cạnh dàn đồng ca lộng lẫy.

Thánh đường St. Denis cũng là nguồn cảm hứng khi Pign Aune xây dựng làng Pháp ở Nam Kỳ. "Tôi tâm đắc nhất là nhà thờ St.Denis. Đây là công trình được mô phỏng theo Vương cung thánh đường Denis rất nổi tiếng của Pháp" - KTS Philip Andrew Hocking cho biết.

Đến Làng Pháp, du khách có thể tản bộ trên những con phố của thị trấn cổ Britany, nơi gắn liền những tuyệt tác kiến trúc mang đậm phong cách châu Âu truyền thống; hay chìm đắm trong thị trấn Dennis - nơi Pign Aune cùng thái tử Nguyễn Phúc Cảnh ghé qua khi còn là sứ thần Pháp và Sarlat - ngôi làng được mệnh danh là đẹp nhất nước Pháp.

Đó là chưa kể đến Paris hoa lệ được nhắc đến trong nhật ký của Pign rồi Conques Aveyron - ngôi làng nguyên sơ nhất thời Trung cổ với hình dáng vỏ sò; Eze - thị trấn miền duyên hải nước Pháp và ngôi làng nhỏ yên bình Apremont sur Allier... Tất cả đã được tái hiện ở Bà Nà.

"Có thể nói Làng Pháp là những gì tinh hoa nhất, đẹp đẽ nhất. Chúng tôi mong muốn người Việt Nam và du khách quốc tế có thể trải nghiệm một nước Pháp thu nhỏ ngay tại Bà Nà" - KTS Philip Andrew Hocking cho biết thêm.

Tàn tích Pháp

Tàn tích của những công trình được người Pháp xây gần 100 năm trước ngoài hầm rượu được xây dựng năm 1923 còn có nền móng một số căn biệt thự. Tuy nhiên số lượng nền móng chỉ được đếm trên đầu ngón tay.

Nhờ vào bản đồ quy hoạch của người Pháp thời xưa, có thể tìm được vị trí một số gạch đá biệt thự còn sót lại. Theo thiết kế, chúng được bố trí nằm biệt lập ở những góc đồi nhìn sang các hướng khác nhau.

Trong cuốn Những người bạn Huế xưa xuất bản năm 1924, bác sĩ Gaide có đề nghị những người được thừa hưởng thành quả của Bà Nà thời bấy giờ phải vinh danh, tạc tượng những người khai phá là đại úy Debay và trung úy Decherl - người đã tử nạn trong lúc làm đường lên Bà Nà.

Theo ông Hồ Văn Ánh - một trong những người tham gia khai phá Bà Nà năm 1997, lúc ấy ông và mọi người có phát hiện một tảng đá trên đó có khắc khuôn mặt người trên đường lên đỉnh.

"Là Debay hay Decherl thì không ai biết nhưng đó là hình một người phương Tây quay mặt vào núi. Tôi nói anh em làm đường phải cẩn thận với tảng đá này để sau đó mang lên đỉnh vinh danh. Tiếc là thời đó nổ mìn làm đường anh em công nhân đã không bảo vệ được chứng tích này" - ông Ánh tiếc nuối.

__________________________________

Kỳ tới: Biểu tượng mới giữa ngàn mây

Đ.CƯỜNG - TR.TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp