Tuyến cáp treo lên đỉnh Bà Nà dài hơn 5km - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Ông Trần Chí Cường, trưởng Ban kinh tế - ngân sách Hội đồng nhân dân TP Đà Nẵng, nói về sự đổi thay ngoài sức tưởng tượng của ngọn núi từng bị quên lãng này.
Hơn 20 năm trước, nơi đây vẫn là chốn thâm sơn cùng cốc mà chỉ những người dân địa phương đi đốn củi, tìm lan mới lui tới. Mãi cho đến thời điểm tách tỉnh năm 1997, TP Đà Nẵng mới quyết định xóa đi lớp bụi mờ để gầy dựng lại từ quá khứ huy hoàng của đỉnh núi năm nao.
Mở đường trở lại
Với tham vọng tái sinh khu nghỉ mát xưa, lãnh đạo Đà Nẵng khi ấy đã phê duyệt một quỹ đất lớn trên đỉnh để kêu gọi một số doanh nghiệp lên đầu tư. Một nhiệm vụ cấp bách khi ấy là phải làm bằng được tuyến đường ôtô lên núi đoạn từ quốc lộ 1 lên chân núi và khôi phục con đường từ cầu An Lợi lên đỉnh Núi Chúa năm xưa.
Ra trường vừa về công tác tại Sở Du lịch Đà Nẵng ít lâu thì ông Trần Chí Cường được phân công tháp tùng đoàn khảo sát đánh giá Bà Nà. Đường lên đỉnh mang tiếng là đường ôtô nhưng nửa thế kỷ không sử dụng, cây cối đã mọc dày trên đường. Chỉ dấu cho biết là... đường phải nhờ đến cây hai bên là cây rậm, còn cây trên đường là rừng non.
Đường khó, việc lên xuống chân núi không thể thực hiện trong ngày, còn đường từ chân núi về lại quốc lộ thì như vũng sình mỗi lúc trời mưa. Dù có xe máy nhưng ông Cường đành phải thuê nhà của dân trên núi để ở.
Ông Hồ Văn Ánh và tấm ảnh kỷ niệm ông chụp thời mở đường quay trở lại Bà Nà - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Cho đến bây giờ, những người mở đường năm ấy như ông Hồ Văn Ánh, nguyên trưởng Ban quản lý khu du lịch Bà Nà - Suối Mơ giai đoạn 1997-1999, không quên một kỷ niệm về sự hoang vu của vùng đất này. Đó là lúc chiếc xe Uoát nổ máy vượt qua ngầm nước An Lợi thì cả 13 hộ dân ở đó đều ra vẫy tay chào mừng.
"Lý do là vì với nhiều người, đây là lần đầu tiên nghe tiếng nổ của xe bốn bánh. Sau này thành phố tiến hành di dời các hộ này về trung tâm xã để họ sống bớt khó khăn hơn" - ông Ánh nhớ lại.
Máy móc thiết bị kéo lên, dần dà đến năm 2003 tuyến đường mòn từ An Lợi lên đỉnh núi được mở rộng thêm gần 1m với 28 điểm cua được mở rộng và các hành lang an toàn.
Cũng trong thời gian này, tại đỉnh Bà Nà có ba điểm lưu trú, nghỉ dưỡng quy mô vài chục phòng được mọc lên. Trong đó có một doanh nghiệp vốn nhà nước là Công ty du lịch Danatour đầu tư cáp treo loại nhỏ dài 1,5km qua lại từ đồi Vọng Nguyệt đến đỉnh Bà Nà từ năm 1999.
"Cho đến năm 2007 thì du lịch Bà Nà còn rất khiêm tốn bởi việc di chuyển lên xuống núi ở độ cao 1.500m bằng xe vẫn khiến nhiều người không thiện cảm. Tính mùa vụ lại càng rõ ràng nên gần như chỉ khai thác được vào mấy tháng nắng.
Phải nói thời điểm ấy lãnh đạo thành phố cũng nhìn nhận ra được điều này nên quyết định đi tìm nhà đầu tư chiến lược để đưa Bà Nà trở lại thời hoàng kim. Và cáp treo lên xuống núi Bà Nà ra đời như một sự khác biệt đủ sức cạnh tranh với những điểm du lịch khác" - ông Cường nói.
Cáp treo lên xuống núi Bà Nà ra đời như một sự khác biệt đủ sức cạnh tranh với những điểm du lịch khác.
Ông Trần Chí Cường
Mở lối trên không
Năm 2009, tuyến cáp treo đầu tiên lên đỉnh Bà Nà dài hơn 5km được đưa vào hoạt động, một trong những người lên đỉnh bằng cabin sớm nhất là ông Ánh. Chính ông cũng không tin hành trình mà mới vài năm trước ông và những người mở lối phải mất cả ngày trời di chuyển nay chỉ còn chưa đầy 15 phút ngồi "ngắm mây".
Nếu như hành trình của ông Ánh là cuộc phục dựng con đường cũ thì hành trình đưa Bà Nà tìm lại thời hoàng kim của Sun Group chính là cuộc "mở lối trên không". Từ một mẩu tin tuyển nhân sự trên báo Tuổi Trẻ năm 2007, anh Trịnh Hà, công nhân kỹ thuật, bắt đầu cuộc sống gần như biệt lập gần một năm trời khi nộp đơn vào dự án làm cáp treo lên Bà Nà.
Những ai vào rừng, mà nhất là rừng thiêng nước độc như Bà Nà - Núi Chúa, đều biết mùa mưa lũ là thời điểm nguy hiểm nhất trong năm. Cây rừng có nguy cơ bị đổ bất cứ lúc nào. Có lần giữa khuya mưa lớn, nhóm công nhân của anh Hà đang ngủ trong lán thì nghe tiếng cây đổ. Trong ánh đèn pin leo lét, mọi người vừa kịp chạy ra khỏi lán thì cây đổ đúng vị trí của lán.
Những ngôi nhà cổ của người Pháp còn sót lại trên đỉnh Bà Nà - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Ngoài sự thiếu thốn về vật chất, điều kiện lao động, thử thách thi công tuyến cáp đạt hai kỷ lục thế giới (Suối Mơ - Bà Nà và Debay - Morin hoạt động năm 2009 được Guinness ghi nhận là tuyến cáp treo một dây dài nhất thế giới: dài hơn 5km và có cao độ chênh lệch giữa ga trên và ga dưới lớn nhất thế giới: 1.291m) lúc bấy giờ cũng là bài toán khó cho công nhân Việt.
Thời điểm năm 2007, công nghệ GPS cao tần chưa được phát triển tại Đà Nẵng huống hồ là trên vùng rừng núi dự án Bà Nà. Để có đường thẳng dài 6km trong rừng Bà Nà là một điều không đơn giản với sai số kỹ thuật chỉ cho phép sai số 20mm.
"Có lần giải pháp ban đầu của chúng tôi là chia làm hai đoàn đo đạc. Một đoàn đo từ trên cao xuống, một đoàn đo từ dưới lên. Nhưng khi hai đoàn đo gặp nhau thì cách nhau tới... 5m" - anh Hà nhớ lại.
Trong suốt hành trình băng núi xuyên rừng để tìm đường làm trụ cáp dài đằng đẵng năm ấy, cũng có người phải nằm lại với rừng Bà Nà. Anh Hà nhớ đêm đêm nằm võng nhìn về phía trung tâm Đà Nẵng với ánh đèn lung linh anh lại tự nhủ: mình phải cố gắng bám trụ, làm một cái gì đó thật khác biệt để nói với con cháu sau này...
Từng kêu gọi nhà đầu tư Pháp
Năm 1997 ông Hồ Văn Ánh được lãnh đạo TP Đà Nẵng giao viết đề án báo cáo tiền khả thi về dự án nghỉ mát ở Bà Nà. Thời điểm ấy, lãnh đạo thành phố kỳ vọng sẽ kêu gọi được các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là người Pháp trở lại đỉnh núi này. "Báo cáo của tôi viết xong trang nào, anh Thanh (Nguyễn Bá Thanh - chủ tịch UBND TP Đà Nẵng lúc bấy giờ) yêu cầu người dịch dịch ngay sang tiếng Anh, tiếng Pháp khi ấy. Thế nhưng đã không có nhà đầu tư người Pháp nào quay lại" - ông Ánh nói.
Kỳ tới: Không gian Pháp ở Bà Nà
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận