28/10/2008 08:00 GMT+7

100 giờ với Fidel Castro - Kỳ 1: Che Guevara - bài học để lại

Fidel Castro
Fidel Castro

TT - Cuối tháng 1-2003, Ignacio Ramonet - biên tập viên của báo Le Monde Diplomatique (Pháp) - đã được trò chuyện với nhà lãnh đạo Cuba Fidel Castro. Nhiều cuộc phỏng vấn diễn ra suốt những tháng sau đó đến tận tháng 12-2005, và kết quả là cuốn sách 100 giờ với Fidel Castro ra mắt độc giả vào năm 2006. Lần đầu tiên, Fidel Castro kể lại câu chuyện đời mình một cách đầy đủ.

Đến nay, cuốn sách 100 giờ với Fidel Castro đã được xuất bản tại 60 quốc gia. Tuổi Trẻ trích đăng một phần cuốn sách này.

NiCgJUoD.jpgPhóng to

Fidel Castro (trái) và Che Guevara cùng chia lửa trong những ngày hoạt động du kích ở vùng núi Sierra Maestra của Cuba giữa những năm 1950 -Ảnh tư liệu

* IGNACIO RAMONET: Sau cuộc khủng hoảng tháng 10-1962, mối đe dọa của Mỹ xâm lược Cuba đã giảm đi. Cách mạng Cuba tiếp tục củng cố những thành quả của mình. Che Guevara bắt đầu đi vòng quanh thế giới. Ông ấy tỏ ra rất quan tâm đến tình hình quốc tế, và đặc biệt là phong trào chống đế quốc?

- Fidel Castro: Điều hiển nhiên nhất là Che đóng vai trò như một người quan sát tình hình trong khối Thế giới thứ ba. Anh ấy rất quan tâm tới các vấn đề quốc tế. Anh ấy rời Cuba năm 1965 - từ đó anh ấy đã đi vòng quanh thế giới, gặp gỡ Chu Ân Lai, Nehru, Nasser, Sukarno, đơn giản vì lý do anh ấy là một chiến sĩ quốc tế chân chính và đặc biệt quan tâm tới những vấn đề của các nước đang phát triển.

Liên quan đến Trung Quốc, theo tôi nhớ thì Che đã gặp gỡ và trao đổi với một số nhà lãnh đạo Trung Quốc. Anh ấy tiếp xúc với Chu Ân Lai, như tôi vừa nói; anh ấy gặp Mao Trạch Đông, có thể thấy là Che rất quan tâm tới tư duy cách mạng của người Trung Quốc. Thậm chí anh ấy còn tới thăm Nam Tư, cho dù tại đây đang diễn ra những thử nghiệm về mô hình tự hạch toán tài chính của khối Đông Âu, cá nhân tôi khi ấy cũng không hề ủng hộ.

* Tháng 12-1964, Che có mặt tại Liên Hiệp Quốc, sau đó lại tới Algeria, và ông ấy còn đi khắp châu Phi trong những tháng đầu tiên của năm 1965.

- Vâng, nhưng đó là một chiến lược, trong giai đoạn chuẩn bị cuối cùng cho sứ mệnh mà anh ấy tự đặt ra cho mình - Che đã quyết định tới Bolivia. Khi đó anh ấy đang rất sung sức, tràn đầy nhiệt huyết và anh ấy quyết tâm đóng góp cho cách mạng Argentina. Anh ấy đang tạo ra những điều kiện cần thiết cho sự thành công của một cuộc đấu tranh cách mạng, bởi vì khi đó kẻ thù nào cũng muốn hủy diệt chúng tôi và chúng tôi phải phản ứng bằng cách thay đổi cán cân lực lượng - tức là tiến hành “cách mạng hóa”. Đó là chân lý vĩ đại mà chúng tôi vẫn luôn theo đuổi.

* Và Việt Nam cũng là nguồn cổ vũ lớn lao của những người Cuba. Chính Che đã thúc giục các nước Thế giới thứ ba phải “tạo ra hai, ba, thật nhiều Việt Nam hơn nữa”.

- Và theo quan điểm của tôi thì anh ấy hoàn toàn đúng khi nói vậy. Tôi xin nói ngay rằng năm 1979, tức là 12 năm sau khi Che hi sinh, chiến tranh ở Việt Nam đã kết thúc được vài năm, và những chiến sĩ trong phong trào Sandinista ở Nicaragua đang bắt đầu giành được chiến thắng bằng kiểu đấu tranh mà chúng tôi đã phát động, trong đó Che cũng từng tham gia góp sức mình. Và phong trào cách mạng ở El Salvador cũng bắt đầu trỗi dậy mạnh mẽ với khí thế hừng hực… Đó là một trong những cuộc đấu tranh với nhiều bài học kinh nghiệm nhất.

* Ông đã biết tin về cái chết của Che như thế nào?

" Đối với chúng ta, có những người không bao giờ chết; họ có một sự hiện hữu mạnh mẽ, bền bỉ và dữ dội đến nỗi chúng ta không bao giờ có thể nghĩ rằng họ đã chết. Chủ yếu là vì sự hiện hữu không ngừng nghỉ của họ trong tình cảm và ký ức của mỗi chúng ta".

- Đối với chúng ta, có những người không bao giờ chết; họ có một sự hiện hữu mạnh mẽ, bền bỉ và dữ dội đến nỗi chúng ta không bao giờ có thể nghĩ rằng họ đã chết. Chủ yếu là vì sự hiện hữu không ngừng nghỉ của họ trong tình cảm và ký ức của mỗi chúng ta. Chúng tôi - không chỉ cá nhân tôi, mà toàn thể người dân Cuba - đều bàng hoàng trước tin anh ấy đã hi sinh, mặc dù đó không phải là chuyện gì đó hoàn toàn bất ngờ.

Chúng tôi nhận được điện báo về những gì đã xảy ra khi họ đang băng qua một con sông, tại hẻm El Yuro, hôm chủ nhật ngày 9-10-1967. Chúng tôi đã vô cùng đau khổ - đó cũng là điều hết sức tự nhiên - khi nhận được tin về cái chết của anh ấy. Trong lúc đau đớn và thương tiếc Che như vậy, ngay trong ngày hôm đó tôi đã có một bài phát biểu, trong đó tôi đã hỏi: “Chúng ta muốn con cái chúng ta trở thành người như thế nào?”, rồi tôi tự trả lời: “Chúng ta muốn chúng giống Che”, và câu nói đó đã trở thành khẩu hiệu của Đội Thiếu niên tiền phong: “Thiếu niên tiền phong cộng sản: chúng ta sẽ học tập Che”.

Sau đó, cuốn nhật ký của Che được chuyển về. Ông không thể hình dung được là việc biết rõ tất cả những gì đã xảy ra (qua cuốn nhật ký đó) có ý nghĩa đến nhường nào đâu - những ý tưởng, hình ảnh, tinh thần chính trực và tấm gương sáng chói của Che. Một con người thật sự khiêm tốn và giản dị, có tinh thần chính trực và nhân cách lớn, Che là như vậy, và đó cũng là lý do tại sao cả thế giới phải khâm phục anh ấy.

Che đã hi sinh không phải vì bất kỳ lý tưởng hay lợi ích nào khác ngoài lý tưởng, lợi ích của những dân tộc bị bóc lột và bị áp bức ở châu Mỹ Latin. Anh ấy đã hi sinh không vì bất kỳ lý tưởng nào khác ngoài lý tưởng của người nghèo và những người bị đọa đày trên thế giới. Lý tưởng của Che sẽ chiến thắng; lý tưởng của Che đang chiến thắng.

* Vậy bài học lớn nhất mà Che để lại là gì?

- Ông muốn hỏi anh ấy đã để lại những gì ư? Tôi tin rằng thật sự thì điều lớn lao nhất là những giá trị đạo đức và lương tâm của anh ấy. Che tượng trưng cho những giá trị cao quý nhất của con người và anh ấy là một tấm gương phi thường. Anh ấy đã tạo nên một hình ảnh vĩ đại, một huyền thoại lớn. Bản thân tôi cũng vô cùng khâm phục Che và yêu quý anh ấy như bất kỳ ai khác. Lúc nào trong tôi cũng tràn ngập niềm cảm phục và tình yêu đối với anh ấy. Và tôi cũng đã giải thích câu chuyện tại sao tôi lại gắn bó với Che đến vậy.

Có rất nhiều kỷ niệm không thể nào xóa nhòa mà anh ấy đã để lại cho chúng tôi, đó là lý do tại sao tôi nói rằng anh ấy là một trong những người cao quý nhất, phi thường nhất, quên mình nhất mà tôi từng biết, và điều quan trọng là chúng ta phải biết rằng những phẩm chất như của anh ấy tồn tại trong hàng triệu, hàng triệu người.

Những nhân vật phi thường theo một cách đặc biệt nào đó cũng sẽ không thể làm nên sự nghiệp vĩ đại nào trừ phi hàng triệu người khác như họ cũng có mầm mống phôi thai để hình thành những phẩm chất đó. Đây chính là lý do tại sao cách mạng Cuba đặc biệt chú trọng tới việc đấu tranh xóa mù chữ và nâng cao trình độ của nhân dân, phát triển hệ thống giáo dục. Với mục đích cuối cùng là mọi người ai cũng giống Che.

________________________________

Khi Liên Xô sụp đổ, rất nhiều người cho rằng cách mạng Cuba cũng sẽ sụp đổ. Làm thế nào người Cuba vượt qua được giai đoạn khó khăn đó?

Kỳ tới: Không lặp lại sai lầm ở nơi khác

Fidel Castro
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp