Thủ môn đau đớn khi pham sai lầm dẫn đến bàn thua đầu tiên của Argentina trước Croatia - Ảnh: REUTERS
Sự chỉ trích nhắm vào De Gea bắt nguồn từ việc anh để bóng bật tay đi luôn vào lưới sau cú sút của Ronaldo vào phút 44, giúp Bồ Đào Nha dẫn trước 2-1. Còn Caballero chuyền bóng lên hơi non khiến Rebic chớp thời cơ, ghi bàn mở tỉ số vào lưới Argentina.
Nếu là người xem bóng đá thường xuyên, đặc biệt là với những pha dứt điểm như "trời giáng" của Ronaldo thì sẽ nhận thấy rằng quả bóng bay với lực rất cao đi kèm với độ xoáy khó chịu, và rất khó đoán với các thủ môn. Đó là một thứ ma thuật mang thương hiệu Ronaldo.
Trở lại với cú sút ghi bàn thứ hai trong trận nói trên, bóng đi rất căng khi rời chân Ronaldo rồi bất thình lình hạ độ cao xoáy thẳng xuống đất. Tích tắc trước đó, De Gea mở rộng hai tay chuẩn bị bắt bóng. Chính vì việc trái bóng xoáy bật xuống đất khiến anh lỡ bộ, không phán đoán được nên để bóng bật trúng tay đi luôn vào lưới.
Một tai nạn nghề nghiệp mà chỉ có những ai từng đứng giữa hai trụ thành mới cảm thông được cho De Gea.
Viết đến đây, tôi chợt nhớ lại câu nói vui nổi tiếng khắp cả nước của cựu HLV thủ môn đội tuyển quốc gia, ông Dương Ngọc Hùng - người đào tạo ra nhiều thế hệ thủ môn xuất sắc cho đội tuyển VN như Nguyễn Văn Cường, Nguyễn Văn Phụng, Trần Minh Quang, Tô Vĩnh Lợi - rằng: "Mười thằng gôn thì hết 9 thằng khùng…".
Thủ môn De Gea để bóng tuột khỏi tay đi vào lưới - Ảnh: REUTERS
Vì sao như vậy?
Trong một cuộc trà dư tửu hậu, tôi hỏi ý nghĩa của câu nói nổi tiếng nói trên thì ông Hùng trả lời tỉnh bơ: "Không khùng sao được. Này nhé,trong mỗi buổi tập thì thủ môn là người vất vả nhất trên sân khi phải nhào lộn liên tục giữa hai trụ thành từ lúc làm nóng cho đến khi chia đôi đội hình đá tập. Cuối buổi, anh ta còn phải đứng chịu trận, trỗ tài bay lượn cản phá những quả đá phạt trực tiếp, phạt 11m của đồng đội.
Té ngã trên sân hàng trăm lần/buổi tập, cảm giác ê ẩm luôn đến với người chơi bóng bằng tay của một đội. Bên cạnh sự ngã té để cản phá bóng, thủ môn là người luôn phải tập trung cao độ để phán đoán rằng khi nào nhào sang trái, lúc nào bay sang phải, bao giờ thì rời vòng 5,50m để bắt bóng, cản phá.
Người ngợm ê ẩm, thần kinh luôn căng thẳng, tập trung hết mức để suy nghĩ chọn giải pháp thích hơn nhất để đội nhà không thua trận. Chuyện đó cứ lập đi lập lại hết ngày này sang tháng khác với thủ môn, do vậy họ không bị khùng mới là chuyện lạ…".
Và cũng từ kinh nghiệm trận mạc dày dạn của mình, cựu HLV Dương Ngọc Hùng đúc kết rằng: "Chơi bóng đá, không ai muốn mắc sai lầm để bị chỉ trích, bị chửi bới. Với một tiền đạo, nếu sút hỏng quả phạt đền hay bỏ lỡ tình huống ngon ăn thì cũng bị la ó, phản đối. Nhưng không lâu sau đó anh ta ghi bàn thì được tung hô như người hùng, được nhắc tên, được ca ngợi dài dài và ít ai nhớ đến pha hỏng ăn bàn trước đó.
Với thủ môn thì lại khác. Chỉ cần một sơ suất, hớ hênh rồi bị lọt lưới thì cái sai của anh ta luôn là câu cửa miệng để mọi người đàm tiếu dài dài, cho dù trước đó hoặc sau đó anh ta bay lượn như cánh chim để cứu cho đội nhà nhiều bàn thua trông thấy.
Cũng là dân đá bóng như nhau, nhưng thủ môn là người tội nghiệp nhất trong đội bóng vì thường được ví von là chiếm giữ 50% sức mạnh của đội bóng, nhưng cũng là người bị chỉ trích nhiều nhất nếu mắc sai lầm.
Tội nghiệp thay cho những thằng khùng, và có một thời tôi cũng là một thằng khùng trong đội Nghĩa Bình sau này là Bình Định rồi đội tuyển Việt Nam…".
Công của thằng "khùng" ít khi được nhắc đến. Nhưng lỗi của thằng "khùng", chẳng hạn như tai nạn nghề nghiệp của De Gea vào tối 16-6 hay Caballero rạng sáng 22-6, thì vẫn còn được nhắc mãi…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận