Nếu lập ra một danh sách đầy đủ những vụ lùm xùm của Tổng thống Trump sẽ tốn khá nhiều giấy mực. Dưới đây là 10 vụ lớn nhất theo tổng hợp của báo The Hill:
1. Vụ sa thải James Comey
Quyết định sa thải giám đốc FBI James Comey được mô tả là đòn tự gây tổn thương lớn nhất của ông Trump trong năm 2017.
Nó trực tiếp dẫn đến việc Phó tổng chưởng lý Rod Rosenstein chỉ định cố vấn đặc biệt Robert Mueller điều tra nhóm vận động tranh cử của ông Trump. Việc nói dối về mối liên hệ với người Nga đã khiến vài cố vấn cấp cao của ông Trump bị truy tố, bản thân ông thì đối mặt với nghi vấn cản trở công lý.
Một vài cố vấn thân tín của ông Trump, bao gồm chiến lược gia trưởng Stephen Bannon, được cho là đã can ngăn ông đừng sa thải ông Comey, nhưng có thể thấy ông đã không nghe lời.
2. Bạo lực ở Charlottesville
Phản ứng của ông Trump trước cuộc biểu tình của các nhà hoạt động cực hữu ở Virginia gây ồn ào suốt tháng 8, thậm chí khiến nội bộ đảng Cộng hòa phải lên tiếng chỉ trích.
Các vụ đụng độ giữa phe cực hữu mang tư tưởng phát xít và các nhóm thiên tả đối lập dẫn đến cái chết của một người. Cảnh sát kết luận đó là hành động cố tình.
Ban đầu ông Trump tuyên bố "sự hận thù và bạo lực đến từ nhiều phía", hàm ý đánh đồng cả nhóm tân phát xít và những người phản đối chúng đã gây nên căm phẫn trong công luận.
Khi vụ việc trở nên nghiêm trọng, ông chuyển tông thành "cả hai bên đều có những con người rất tốt".
Trong số thành viên Cộng hòa chỉ trích phát ngôn của ông Trump có cựu tổng thống George H.W. Bush và George W. Bush, thượng nghị sĩ John McCain, cựu ứng viên tổng thống Mitt Romney...
Khi bất đồng quan điểm và mâu thuẫn lên tới cực độ, con người ta sẵn sàng chống lại chính đồng loại của họ. Trong ảnh: Nhiều người bay lên không khi một chiếc xe ôtô lao vào đám đông biểu tình chống những người theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng ở thành phố Charlottesville, bang Virginia ngày 12-8 - Ảnh: AP
3. Lệnh cấm đi lại
Chỉ một tuần sau khi nhậm chức, ông Trump ký sắc lệnh hành pháp cấm phần lớn công dân 7 nước Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ. Lệnh cấm này đã dẫn đến nhiều vụ biểu tình phản đối trên đường phố lẫn sân bay,
Nhà Trắng bào chữa rằng động thái này là cần thiết để bảo vệ nước Mỹ khỏi nguy cơ khủng bố. Tuy nhiên, nó lập tức vấp phải các vụ kiện tụng và bị một số tòa án ngăn chặn.
Các luật sư tố cáo hành động của ông Trump mang động cơ thù địch và phân biệt tôn giáo, dẫn chứng rằng ông này từng hứa sẽ "cấm hoàn toàn" người Hồi giáo đi vào nước Mỹ.
Người Hồi giáo cầu nguyện tại khu vực nhận hành lý của sân bay quốc tế Fort Worth trong cuộc biểu tình phản đối lệnh cấm nhập cư đầu tiên của ông Trump ngày 29-1 - Ảnh: REUTERS
4. Quỳ gối ở giải NFL
Ông Trump có một mối quan hệ khá lộn xộn với giải bóng bầu dục NFL từ tận thập niên 1980, khi đó ông là nhà đầu tư cho giải đối thủ United States Football League.
Tranh cãi mới nhất liên quan đến việc ông Trump chỉ trích dữ dội các cầu thủ NFL quỳ gối trong lúc phát quốc ca - hành động nhằm phản đối bất công chủng tộc.
Trong một bài diễn văn ở Alabama hồi tháng 9, Tổng thống Mỹ kêu gọi giải NFL sa thải các cầu thủ có hành động quỳ gối, nhấn mạnh người dân sẽ "rất thích" điều này. Sau đó ông tiếp tục đả kích họ vài lần trên Twitter.
Các cầu thủ bóng bầu dục Mỹ quì gối khi nghe quốc ca - Ảnh: REUTERS
5. Gã lùn tên lửa
Là biệt danh ông Trump đặt cho nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Trong bài diễn văn trước Liên Hiệp Quốc hồi tháng 9, ông đã dùng cụm từ này để gọi ông Kim và tuyên bố sẽ "hủy diệt hoàn toàn" Triều Tiên nếu cần thiết.
Phản ứng lại, ông Kim Jong Un gọi ông Trump là "lão già người Mỹ thần kinh loạn trí", dọa sẽ bắt Mỹ trả giá vì giọng điệu này.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên thăm núi Paektu trong tấm ảnh được hãng thông tấn trung ương Triều Tiên công bố ngày 9-12. Các phân tích cho rằng mỗi khi thăm núi này là ông sắp có quyết định quan trọng. Trong năm 2017, Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục khiến thế giới lên ruột với những lần phóng tên lửa và thử hạt nhân - Ảnh: REUTERS
6. Lời chia buồn thiếu tế nhị
Trong thời gian tranh cử, ông Trump đã cho thấy sự thiếu kiên nhẫn với những người chỉ trích ông, kể cả đó là thân nhân của các quân nhân Mỹ tử trận ở nước ngoài.
Tháng 10 vừa qua, nghị sĩ Frederica Wilson tố ông Trump đã thiếu tế nhị khi gọi điện chia buồn với bà Myeshia Johnson - vợ của một trong 4 lính Mỹ bị giết ở Niger. Không chỉ không nhớ tên người quá cố, ông Trump đã nói một câu là "chị biết đấy, anh ấy hẳn đã biết chuyện gì có thể xảy ra khi đăng ký nhập ngũ".
Phản ứng lại trên Twitter, ông Trump cáo buộc bà Wilson "nói láo", tuy nhiên gia đình Johnson đứng về phía viên nghị sĩ.
7. Dàn cố vấn bị truy tố
Cuộc điều tra "Nga can thiệp bầu cử" do công tố viên đặc biệt Robert Mueller dẫn đầu đã bắt đầu gây phiền toái cho ông Trump từ cuối tháng 10, khi đó cựu chủ tịch chiến dịch tranh cử của ông Trump là Paul Manafort và cố vấn Richard Gates bị truy tố tội rửa tiền.
Một viên cố vấn cấp thấp khác là George Papadopoulos cũng bị truy tố. Nhưng đó cũng chưa nguy hiểm bằng việc ông Papadopoulos có thái độ hợp tác với các công tố viên.
Đến tháng 12, cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn thừa nhận tội nói dối FBI. Và ông này cũng hợp tác với nhóm của ông Mueller. Đây có thể xem là khoảnh khắc nguy hiểm nhất đối với ông Trump và dàn nhân viên thân cận.
Tướng Michael Flynn (phải) vốn là đồng minh đắc lực của ông Trump - Ảnh: REUTERS
8. "Kirsten Gillibrand cái gì cũng làm được"
Tổng thống Mỹ phản ứng giận dữ khi thượng nghị sĩ Kirsten Gillibrand nói ông nên từ chức sau hàng loạt cáo buộc tấn công tình dục chống lại ông.
"TNS Kirsten Gillibrand 'hạng cân nhẹ', tay sai của TNS Charles E. Schumer, người cách đây không lâu đến văn phòng của tôi năn nỉ xin tài trợ (và sẽ làm mọi thứ để có tiền), bây giờ lại ở trên sàn đấu với Trump" - ông Trump viết trên Twitter.
Cụm từ "bà Gillibrand sẽ làm mọi thứ để có tiền" được nhiều người hiểu là một lời bóng gió về tình dục. Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders phải nhanh miệng bào chữa rằng "chỉ có ai đầu óc đen tối mới hiểu theo cách đó".
Tổng thống Donald Trump đã gây không ít tranh cãi trên chính trường trong và ngoài nước bởi kiểu phát ngôn mạnh mẽ trong lối làm chinh trị "phi qui tắc" một cách đầy cố tình của mình - Ảnh: REUTERS
9. Lời nói dối của Sean Spicer
Thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer từng tuyên bố đám đông chứng kiến lễ nhậm chức của ông Trump là "đông nhất trong lịch sử" và chỉ trích các cơ quan truyền thông không công nhận điều này.
Ông giữ nguyên quan điểm đó và một số thứ (sai) khác trong suốt thời gian còn làm việc. Sau khi rời Nhà Trắng, ông Spicer được báo New York Times hỏi rằng "ông có hối tiếc thời gian đã qua không".
"Đương nhiên tôi hối tiếc, trăm phần trăm" - ông Sean Spicer trả lời.
Ông Sean Spicer khi còn làm thư ký báo chí Nhà Trắng - Ảnh: AFP
10. "Gã ăn mày" xuất hiện
Giám đốc truyền thông Nhà Trắng Anthony Scaramucci được ông Trump chỉ định ngày 21-7 và bị sa thải chỉ 10 ngày sau đó - một tốc độ kỷ lục.
Thư ký báo chí Sean Spicer từ chức đúng vào ngày ông Trump tuyển dụng Scaramucci. Nối gót Spicer, Chánh văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus cũng ra đi.
Rắc rối chưa kịp lắng dịu, ông Scaramucci xuất hiện trên truyền thông chỉ trích nặng nề ông Priebus và chiến lược gia trưởng Stephen Bannon.
Thế là không còn đường quay đầu. Sự xuất hiện của tướng về hưu John Kelly trong vị trí Chánh văn phòng đặt dấu chấm hết cho nhiệm kỳ ngắn ngủi của Scaramucci.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận