The Bourne Identity |
Tạp chí Esquire điểm lại 10 phim điệp viên hay nhất mọi thời đại, nhân tập phim mới của loạt phim Bourne sẽ ra rạp vào hè năm nay.
The Third man (1949)
Orson Welles thay đổi hình tượng The third man - Ảnh: BFI |
Viện phim Anh từng chọn đây là phim hay nhất thế kỷ 20, bởi ngoài ngôn ngữ điện ảnh đẳng cấp, The Third man là chuẩn mực của thể loại phim điệp viên đặt giữa bối cảnh chiến tranh lạnh.
Lối thoại lên gân nhưng đầy hấp dẫn của nhân vật phản diện Harry Lime đã thuyết phục khán giả mọi tầng lớp, mọi thế hệ.
Đối đầu với vẻ tham mưu của Harry là nhà văn Holly Martins - kẻ vô tình lạc vào thế giới ngầm đáng sợ. Phim thành công đến nỗi, tour du lịch cùng tên diễn ra ở Vienne - nơi quay cảnh phim nổi tiếng, lúc nào cũng tấp nập khách thập phương.
The Lives of others (2006)
Gerd Wiesler - một kiểu điệp viên khó tìm trên màn ảnh, trong The lives of others - Ảnh: Creado Film |
Đặt trong sự kiện bức tường Berlin, cuốn phim tưởng khô khốc và đậm đặc chính trị này lại trở nên hết sức lôi cuốn nhờ kịch bản lắt léo, lãng mạn.
Đặc vụ Gerd Wiesler nhận lệnh bộ trưởng văn hóa Bruno Hempf để theo dõi kịch tác gia Georg Dreyman vì nghi anh này phản động.
Nhưng đằng sau đó, Bruno có tình ý với vợ của Dreyman nên tìm cách hãm hại anh này.
Qua con mắt chất chứa tâm sự, Gerd Wiesler - hình tượng điệp viên sinh động, gần gũi và tinh tế hút hồn khán giả. Phim đoạt giải Oscar Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất, chỉ với kinh phí 2 triệu USD nhưng thu về 77 triệu USD.
North by northwest (1959)
Một đoạn phim vừa hài hước vừa gay cấn trong North by northwest - Ảnh: Metro-Goldwyn-Mayer |
Chủ đề của phim là nguồn cảm hứng cho các đạo diễn đương thời ngày nay: Roger Thornhill - một nhân viên quảng cáo, bị đặt vào tình huống phạm tội, cảnh sát truy bắt… buộc anh phải đi tìm bằng chứng minh oan cho bản thân.
Do Alfred Hitchcook dàn dựng, phim đi theo cách kể chủ quan: dùng điểm nhìn chủ quan thông qua nhân vật chính Roger để đánh lừa khán giả, khiến bộ phim khó đoán. Nhưng để tạo tình huống, phim vẫn có liên kết các điểm nhìn khách quan từ những nhân vật phụ.
Hình ảnh tài tử Cary Grant trong bộ áo vest đã để lại ấn tượng sâu đậm trong mắt khán giả. Sau này, Tom Cruise và Ben Affleck cũng mặc lại y chang trong hai bộ phim trinh thám Collateral và Paycheck.
Zero dark thirty (2012)
Điệp vụ CIA Maya - vai diễn hay nhất trong sự nghiệp Jessica Chastain đến thời điểm này - Ảnh: Columbia Pictures |
Là nữ đạo diễn người Mỹ duy nhất đoạt giải Oscar, Kathryn Bigelow khiến người xem thót tim với tác phẩm thuộc thể loại điệp vụ tình báo, trong cuộc chiến khốc liệt của CIA với kẻ thù số một - Osama Bin Laden.
Nhân vật Maya do Jessica Chastain thể hiện cho thấy rõ hơn tính chất công việc của một nhà phân tích tình huống, dù Maya chỉ là hư cấu giữa vô số chi tiết phim dựa trên sự kiện có thật.
Dù vấp phải chỉ trích, Zero dark thirty xét trên bình diện tác phẩm điện ảnh, vẫn là một phim trí tuệ và đáng thưởng thức.
From Russia with love (1963)
Trước Daniel Craig, Sean Connery mới là người hùng James Bond của mọi khán giả. Cảnh trong phim From Russia with love - Ảnh: United Artists |
Là đại diện duy nhất của loạt phim 007 bởi nhiều yếu tố khách quan, trong đó cốt truyện giật gân chiếm vị trí quan trọng. Trong phim, James Bond được cử đi hỗ trợ hạ sĩ Tatiana Romanova tại Thổ Nhĩ Kỳ - nơi biệt đội bóng ma lên kế hoạch trả đũa Dr. No vì hỗn chiến trong phần trước.
Được thể, chàng James khám phá ra những bí mật kinh khủng của kẻ địch đang rắp tăm thôn tính địa cầu.
Năm 2005, một trò chơi điện tử cùng tên ra đời, dựa hoàn toàn câu chuyện phim, tạo nên cơn sốt suốt một thời gian dài trong cộng đồng giới trẻ.
Three days of the Condor (1975)
Vẻ điển trai hút hồn của Robert Redford trong Three days of the Condor - Ảnh: Paramount Pictures |
Chuyện phim xoay quanh Joe Turner - nhân viên CIA lên đề án cho công việc tình báo. Một ngày kia, Joe bị truy sát mà không hiểu lý do, đồng sự của anh thì chết bất đắc kỳ tử.
Hoang mang lẫn tuyệt vọng, anh trú ngụ trong nhà của một phụ nữ lạ mà anh uy hiếp, rồi lần tìm sự thật ẩn sau những chuyện không tưởng kể trên…
Phim dựa theo cuốn tiểu thuyết Six days of the Condor của James Grady, dựng theo kiểu phim hạng B (tức kém trau chuốt về hình thức) dù có vốn đầu tư cao với hai ngôi sao nổi tiếng thời đó là Robert Redford và Faye Dunaway.
Notorious (1946)
Mối quan hệ thiếu chuyên nghiệp của ba điệp viên trong Notorious - Ảnh: RKO Radio Pictures |
Bộ phim xoay quanh mối tình tay ba giữa ba điệp viên đầy mưu mô nhưng thiếu tỉnh táo trong cuộc thế chiến thứ 2.
Alicia Huberman nhận ra cô đang là con cờ trong nước cờ lớn hơn mà TR Devlin - đồng nghiệp mà cô trót yêu, bày ra. Với tư tưởng xảo quyệt hơn, TR Devlin không dễ dàng từ bỏ tham vọng của anh, bất chấp cả tình đồng đội, tình yêu đôi lứa.
Đây cũng là bộ phim Mỹ hiếm hoi tham gia tranh giải Cành cọ vàng thập niên 50 thế kỷ trước.
The Bourne Identity (2002)
Matt Damon rất thành công với danh tính Bourne trong The Bourne Identity - Ảnh: Universal Pictures |
Khi điệp viên 007 đốt cháy màn bạc với biểu tượng người hùng bằng da bằng thịt, mưu trí hơn người, các nhà làm phim Hollywood tham vọng đưa loạt phim Bourne từ trang giấy lên màn ảnh.
Và kết quả không tồi chút nào, diễn viên Matt Damon phá vỡ hình ảnh điệp viên lịch lãm, tình nhân nườm nượp như James Bond, thay vào đó là vẻ phong trần, gần gũi.
Sau khi chuyển nhượng không thành công vào năm 2012, Matt Damon quay trở lại trong Jason Bourne và nghe đâu, kinh phí phim dội lên 120 triệu USD cao hơn các tập phim trước. Tập phim mới này sẽ ra mắt vào 29-7 tới.
Cảnh trong The Bourne Identity. - Nguồn: Universal Pictures |
No way out (1987)
Hai người đàn ông khó qua ải mỹ nhân trong No way out - Ảnh: Orion Pictures |
Ngay trong lễ nhậm chức trọng đại, Tom Farrell - Trung tá hải quân Mỹ tình cờ gặp Susan Atwell - một phụ nữ có nhan sắc, đang quan hệ yêu đương với David Brice - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. Tom tin vào lời hứa hẹn của mỹ nhân, rằng cô sẽ từ bỏ David.
Tuy nhiên, câu chuyện không chỉ đơn giản có thế, khi hành tung bí mật của Tom bại lộ và đằng sau vẻ hờn ghen của David Brice là những tội ác khác…
Phim dựa theo cuốn sách The big clock năm 1946 của Kenneth Fearing, từng chuyển thể lên màn bạc năm 1948 nhưng không thành công.
The Ipcress File (1965)
Nhân vật Harry Palmer vào hang cọp điều tra tội phạm trong The Ipcress File - Ảnh: Rank Organisation |
Harry Palmer - Trung sĩ từng có quá khứ đen tối, đang làm việc với cho Bộ quốc phòng Quân đội Anh, nay được thuyên chuyển đến tổ chức mới do Major Dalby cầm đầu.
Theo đại tá Ross, cũng là sếp của Harry, tổ chức Major Dalby có một âm mưu thâm độc cần phải vạch trần, và Harry Palmer với kinh nghiệm gạo cội, có thể tìm ra manh mối cái chết của hàng loạt những nhà khoa học tài năng.
Tại giải BAFTA, phim mang về danh hiệu Phim Anh hay nhất năm, dù doanh thu của phim chỉ vào khoảng 3 triệu USD.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận