Những bể chứa khí phát nổ sau động đất ở nhà máy lọc dầu Cosmo, thành phố Ichihara, tỉnh Chiba - Ảnh: Reuters
Hơn 27.000 người thiệt mạng, 6.152 người bị thương, 2.572 người mất tích tại 18 tỉnh của Nhật Bản và hơn 125.000 công trình nhà ở bị hư hại hoặc phá hủy hoàn toàn. Nhìn những con số mới thấy được sự khủng khiếp của động đất và sóng thần gây ra.
Chưa dừng lại ở đó, thảm họa kép này đã xóa sổ nhiều ngôi làng, thị trấn và khiến người dân vùng này phải rời bỏ quê hương mang theo nỗi đau mất người nhà vĩnh viễn.
Giờ phút đau thương
Ngày đau thương đó tôi ở thành phố Koriyama, cách nhà máy hạt nhân Fukushima 70km, nơi chịu thảm họa khốc liệt và trực tiếp chứng kiến cảnh tượng động đất, sóng thần gây đau thương cho người dân Nhật Bản, trong đó có gia đình bé nhỏ của mình.
Thứ sáu ngày 11-3-2011, mặt trời chào ngày mới bằng những tia nắng lung linh. Nhưng không ai ngờ rằng sau đó là một trận đại địa chấn xảy ra. Sau đó, sóng thần ập vào đất liền, con người, nhà cửa, ôtô đều bị sóng cuốn đi. Nhà máy hạt nhân Fukushima thì phát nổ.
Đau lòng nhất là khi tôi xem lại đoạn video do chính người dân ở khu vực sóng thần quay. Người đó đã tìm được chỗ cao an toàn, nhưng dưới mặt đường vẫn có những chiếc ôtô đang cố thoát sóng thần, rồi hình ảnh cụ ông cố trèo lên cột điện nhưng chỉ vài giây sau thì bị sóng cuốn mất.
Nhiều ngôi nhà, xe cộ, tàu bè đều ngập trong nước tạo thành đống đổ nát, bi thương. Người may may mắn sống sót tuyệt vọng tìm kiếm người thân dưới đống đổ nát. Ít ai ngờ họ và người thân yêu đã vĩnh viễn cách xa.
Những tưởng mọi thứ đã kết thúc sau cơn động đất và sóng thần dữ tợn. Tuy nhiên, người dân Fukushima lại một lần nữa lâm vào đường cùng khi chính quyền Nhật ban bố "tình trạng khẩn cấp điện hạt nhân" ngay trong đêm 11-3-2011 kinh hoàng ấy.
Nhà máy điện hạt nhân Fukushima I, II bị rò rỉ vật chất có phóng xạ. Mấy ngày sau, nhà máy điện hạt nhân bị nổ khiến môi trường ảnh hưởng nặng nề, ô nhiễm đến nguồn nước và thức ăn.
Bên trong nhà máy, dù đã 10 năm sau vẫn không thể có sự tồn tại của con người. Những khu phố gần nhà máy điện Fukushima I dường như bị bỏ hoang hoàn toàn. Những chiếc ôtô, xe máy, nhà cửa giờ bị phủ lấp bởi cây cỏ. Cùng với đó là sự di cư của hơn 73.000 người tại vùng này do ảnh hưởng rò rỉ hạt nhân.
Còn tôi, thời khắc 14h44’ của 10 năm trước, sau khi làm ca trưa, đón con trẻ từ trường mẫu giáo về đến văn phòng, trời đột nhiên trở nên tối sầm, tuyết rơi dày đặc, mặt đất và nhà cửa ầm ầm rung chuyển, chao đảo.
Tôi ôm con trốn dưới gầm bàn. Xung quanh là đổ vỡ, là xiêu vẹo. Tiếng kèn xe cấp cứu, xe cảnh sát, tiếng trực thăng trên đầu. Hai mẹ con tôi và nhân viên phải cố chạy thoát ra ngoài vì sợ văn phòng sập.
Tâm trạng tôi càng thêm rối bời ông xã đi công tác ở Iwaki, nơi gần biển và không thể nào bắt liên lạc được. Điện cúp, đường ống nước bị vỡ, nước từ nhà vệ sinh tràn ra, bùn từ cống tràn lên đen ngòm, dơ bẩn. Cứ mấy phút dư chấn lại rung lắc, liên tục bao nhiêu lần không thể đếm hết.
Rồi chúng tôi trải qua những ngày không điện, nước, nhà hàng không kinh doanh được do bị nghiêng... Mọi thứ thật tệ đối với chúng tôi!
Người phụ nữ dắt em bé đi giữa đống đổ nát ở Miyako, Iwate ngày 5-4-2011 trở thành một trong những hình ảnh biểu tượng của thảm họa năm 2011 - Ảnh: Reuters
Ở lại để vượt qua
Dự định về Việt Nam vào cuối tháng 3 nên tôi đã mua vé sẵn. Gia đình, bạn bè ở nhà lo lắng, phía gia đình bên Nhật cũng khuyến khích rời Fukushima vì tôi có con nhỏ. Đại sứ quán Việt Nam bấy giờ cũng thông báo sẽ nhanh chóng tìm các phương án đưa xe buýt xuống cứu trợ cho công dân Việt ở Fukushima.
Là người mẹ muốn bảo vệ con an toàn nhất, tôi luôn trong tư thế sẵn sàng ra sân bay về nước bất cứ lúc nào cho phép.
Nhưng cuộc đời và cách nghĩ của tôi cũng thay đổi từ sau ngày hôm ấy! Khi nhìn thấy một trong những cửa hàng của hệ thống Tập đoàn Sawakami & Son Group của nhà chồng bị sập dưới đống đổ nát, cả nhà tôi đã quá ngỡ ngàng mà không biết phải làm gì nữa.
Hôm ấy, chúng tôi đã muốn từ bỏ ý định khôi phục cửa hàng. Nhưng rồi dù vẫn còn rất nhiều dư chấn, những tình nguyện viên dọn dẹp đã cùng với gia đình bỏ ra một ngày rưỡi để thu dọn hết đống đổ nát và làm sạch bùn đất.
Không tưởng tượng được là chỉ với một ngày rưỡi mà làm được những việc như thế này. Sức mạnh của các tình nguyện viên đã giúp cho gia đình có thêm lòng dũng cảm để bắt tay khôi phục cửa hàng.
Và chỉ với một ngày rưỡi đã tác động mạnh vào tâm hồn, làm cách nghĩ của mình chuyển hẳn sang một hướng khác. Dù khó khăn thế nào đi nữa, nếu không bắt đầu từ việc dọn dẹp đống đổ nát trước mắt thì sẽ chẳng đi tới đâu. Chỉ im lặng làm những việc trước mắt thôi.
Hành động tưởng như nhỏ bé này lại có sức mạnh to lớn làm thay đổi cuộc đời của cả một con người tôi. Không được bỏ cuộc. Tôi đã cảm nhận được ý nghĩa và giá trị to lớn của điều này. Đau thương rồi sẽ khép lại nhờ những bàn tay ấm áp xung quanh. Hoa sẽ nở, mặt trời sẽ mọc và chúng ta vẫn sống!
Tôi quyết định đổi vé máy bay, ở lại cùng gia đình chồng làm cơm hộp từ thiện dành cho các khách hàng không thể đi mua sắm được vì thiếu hụt hàng hóa nghiêm trọng. Mỗi sáng sớm, chúng tôi đi xếp hàng xin nước và mua rẻ rau quả từ các nông trại, thịt cá từ các gian hàng về làm cơm hộp.
Những lời cảm ơn mãi không ngưng, những cái ôm thật chặt mãi không ngừng làm cho chúng tôi quên hết mệt mỏi và tiếp thêm sức mạnh.
Trong những tháng sau đó khi cuộc sống dần ổn định hơn, hai mẹ con có về Việt Nam. Nhiều phóng viên nghe tin có đến phỏng vấn và đăng bài trên báo điện tử.
Trong đó có một doanh nghiệp đến gửi tặng 200 con thú nhồi bông nhờ đem sang Fukushima cho dự án "Vì nụ cười trẻ em" do tôi được kết hợp với Hiệp hội quốc tế Karumia tư vấn, giúp đỡ, bảo vệ và chăm sóc đời sống tinh thần đối với các trẻ đi lánh nạn tại các trạm tị nạn tạm thời.
Vì tôi có con nhỏ được sinh ra và lớn lên ở Fukushima, trong những ngày tháng đầu rò rỉ ở nhà máy hạt nhân, các trẻ không được ra ngoài chơi tự do vì sợ ảnh hưởng nên rất dễ buồn, tự kỷ.
Với sức nhỏ bé của mình, tôi cùng các các thành viên thiện nguyện khác đã đến những nơi đó đọc truyện, chơi trò chơi dân gian, hát hò, đặc biệt đại diện phía Việt Nam tặng những con thú nhồi bông nho nhỏ dành cho các bé.
Trong ảnh là hình ảnh những tình nguyện viên người nước ngoài đang động viên, chơi cùng trẻ. Bức tường ngăn cách giữa người Nhật và người nước ngoài lúc này đã biến mất tự lúc nào. Được nhìn thấy các em cười vui sướng trong chốc lát mà mình đã khóc.
Cười trong lúc vui là bình thường, cười trong lúc buồn, lúc khó khăn là phi thường. Các bạn nhỏ trong trại lánh nạn đã làm được điều phi thường đó. Đấy là chuỗi ngày tình nguyện có ý nghĩa rất lớn đối với cá nhân mình.
Dù có khác nhau về ngôn ngữ, văn hóa, nhưng nỗi đau thương và niềm vui sướng của con người thì ở đâu trên thế giới cũng giống nhau. "Tôi muốn bạn biết là bạn không cô độc" - lời của những thiện nguyện viên luôn khắc sâu vào lòng.
Các tình nguyện viên người nước ngoài động viên, chơi cùng trẻ em bị ảnh hưởng bởi thảm họa ở Fukushima - Ảnh: THÙY TRANG
Tác giả Ngô Lê Thùy Trang là kế toán - hỗ trợ điều hành cho Tập đoàn Sawakami & Son Group về lĩnh vực nhà hàng, khách sạn của gia đình chồng ở TP Koriyama, tỉnh Fukushima.
Đặc biệt, chị là chủ tịch Hội người Việt tại tỉnh Fukushima và là cố vấn giáo dục cho trẻ em và học sinh nước ngoài tại thành phố Koriyama.
Ngày 11-3-2011, ngoài khơi bờ biển Nhật Bản xảy động đất mạnh 9 độ Richter, gây sóng thần khiến nhiều người thiệt mạng, ảnh hưởng ít nhất 20 quốc gia.
Ở Fukushima, sóng thần gây sự cố rò rỉ phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, khiến hàng chục ngàn người phải sơ tán và biến nhiều nơi thành khu vực cấm.
Năm 2016, Nhật Bản ước tính thiệt hại do thảm họa kép ở Fukushima lên đến hơn 188 tỉ USD.
MINH KHÔI
************
>> Kỳ tới: Đất chết dần hồi sinh
Nếu có ai hỏi vì sao vẫn chọn Fukushima để sống sau thảm họa kinh hoàng, tôi sẽ không ngần ngại bảo Fukushima là quê hương thứ hai trong tim dù đã, đang và sẽ trải qua bất hạnh hay hạnh phúc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận