Anh Trần Vũ Bình là con trai của chiến sĩ biệt động Trần Văn Lai. Trải qua mấy chục năm, hiện anh đã chuộc lại được nhiều kỉ vật từng gắng bó với hoạt động của ba anh và những người chiến sĩ biệt động Sài Gòn - Ảnh: HỮU THUẬN
Trong 10 năm, anh Bình cất công tìm kiếm khắp nơi như ở huyện Củ Chi (TP.HCM), Long An, Thái Bình... để tìm lại những đồ vật mà cha anh cùng những người lính Biệt động Sài Gòn phục vụ vào mục đích hoạt động cách mạng.
Khi đã có nhiều những kỷ vật đó, anh lại dành ra 2 năm để phục dựng lại một quán cà phê biệt động Sài Gòn với những kỷ vật tìm kiếm lại được. Hiện giờ quán mang tên cà phê Đỗ Phủ - cơm tấm Đại Hàn.
Quán cà phê Đỗ Phủ - cơm tấm Đại Hàn nằm tại căn nhà số 113A Đặng Dung, phường Tân Định, quận 1, TP.HCM được khai trương đúng dịp 30-4 vừa qua, đây là điểm mở đầu cho ý tưởng mở chuỗi cà phê tại những di tích của lực lượng biệt động Sài Gòn.
Sau quán cà phê này, những quán cà phê khác cũng sẽ dần ra đời ở các điểm di tích còn lại. Anh còn ấp ủ thực hiện kế hoạch xây dựng một "tour" du lịch độc đáo, chở khách đi khắp Sài Gòn bằng những chiếc xe cổ của cha, đưa du khách đến các điểm di tích lịch sử, xem những kỷ vật, hình ảnh và hiểu tường tận những câu chuyện về biệt động Sài Gòn huyền thoại.
Những năm kháng chiến, nơi đây là di tích lịch sử Hộp thư bí mật và hầm nổi của Biệt động Sài Gòn. Thời đó, ông Năm Lai dưới vỏ bọc là một nhà thầu xây dựng, lúc đó nhận thầu khoán trang trí đã mua lại căn nhà ở địa chỉ này để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968. Ông giao cho vợ chồng ông Đỗ Miễn, người thợ làm cùng ông quản lý - Ảnh: HỮU THUẬN
Căn nhà được ông Năm Lai tu sửa, mượn thêm phần đất của vị thiếu tướng ở căn nhà sát bên rồi làm phần hầm nổi, cất giấu những thư từ mật, vàng bạc, đô la cũng như thuốc tây để dùng trong lực lượng Biệt động quân ở trong nước cũng như tại Lào, Camphuchia - Ảnh: HỮU THUẬN
Ngoài hầm cất tài liệu, vàng bạc, đô la... chiếc tủ quần áo cũng được thiết kế làm hầm trốn thoát cho các chiến sĩ biệt động quân, đường trốn thoát này dẫn ra phía sau căn nhà, từ đó có thể ra thẳng đường Trần Quang Khải - Ảnh: HỮU THUẬN
Đây là căn hầm nổi trên lầu một của căn nhà, những chiếc lon guigoz của Pháp dùng để cất thư mật ở phía dưới, sau đó tấm ván gỗ sàn được che lên khiến khó lòng phát hiện ra - Ảnh: HỮU THUẬN
Hộp thư bí mật ngay góc chân tường trong bếp của căn nhà. Bên trên là đồ dùng sinh hoạt hằng ngày nên đối phương khó mà phát hiện được - Ảnh: HỮU THUẬN
Hiện giờ, anh Trần Vũ Bình (con trai ông Năm Lai) đã tìm lại được hàng trăm kỷ vật của cha và các chú đã sử dụng trong thời gian tham gia Biệt động Sài Gòn - Ảnh: HỮU THUẬN
Hiện giờ căn nhà đã được sửa sang, duy tu lại để làm một quán cà phê, một địa chỉ mà theo anh Trần Vũ Bình mong muốn là nơi để lưu trữ, giới thiệu tới mọi người về căn cứ hoạt động của những người chiến sĩ biệt động Sài Gòn thuở nào, chứ không đặt nặng vào yếu tố kinh doanh - Ảnh: HỮU THUẬN
Không gian của quán yên tĩnh, nhẹ nhàng với những bài nhạc đỏ khiến người ta cảm thấy thư giãn, thoải mái - Ảnh: HỮU THUẬN
Không gian ấm cúng và được trung bày đủ mọi loại hiện vật còn lưu giữ được tới ngày nay - Ảnh: HỮU THUẬN
Những chiếc cặp, vali chứa tài liệu hoạt động bí mật được người chủ giữ nguyên vẹn - Ảnh: HỮU THUẬN
Máy ảnh Yashica 635 nổi tiếng được sử dụng trong những năm kháng chiến trong lực lượng Biệt động Sài Gòn - Ảnh: HỮU THUẬN
Tuyết Mai và Linh tìm tới quán có một không hai ở Sài Gòn này nhâm nhi cà phê và tìm hiểu thêm về lịch sử - Ảnh: HỮU THUẬN
Một tờ tiền bị xé mất phân nửa, đây là dấu mật khi các chiến sĩ hoạt động ngầm trao đổi với nhau. Mảnh còn lại khớp với phần này thì đúng là người cần gặp... - Ảnh: HỮU THUẬN
Bức hình chụp lại ông Đỗ Miễn và người vợ Nguyễn Thị Sự trong căn nhà từng là nơi hoạt động bí mật của lực lượng Biệt động nổi tiếng một thời - Ảnh: HỮU THUẬN
Bức hình chụp ông Đỗ Miễn (người thợ làm cùng, được ông Năm Lai giao quản lý căn nhà) bên chiếc xe đã chở hơn 2 tấn vũ khi trong cuộc nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 - Ảnh: HỮU THUẬN
Hiên nhà là nơi lý tưởng để khách ngồi nhâm nhi ly cà phê trò chuyện cùng bạn bè - Ảnh: HỮU THUẬN
Địa chỉ gắn liền với lực lượng Biệt động Sài Gòn thời kháng chiến ác liệt nhất - Ảnh: HỮU THUẬN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận