Từ trái qua: Tháo gỡ cáp viễn thông chằng chịt tại góc đường Pasteur - Lý Tự Trọng để tiến hành ngầm hóa lưới điện và cáp viễn thông l Công nhân thu dọn "mạng nhện" trên đường Trương Định ngày 12-5-2009 l Đường Hai Bà Trưng hiện nay thông thoáng không còn "mạng nhện" - Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH - QUANG ĐỊNH
Để đưa "mạng nhện" này từ trên trời xuống đất, TP.HCM phải trải qua một thập niên với nhiều nỗ lực từ các bên liên quan. Ngành điện trải qua quá trình thực hiện ngầm hóa, còn ngành viễn thông chuyển từ chỉnh trang làm gọn tiến tới ngầm hóa cáp viễn thông.
Được lòng dân
Những con đường vắng bóng dây điện, cáp viễn thông giúp không gian trở nên thông thoáng, mỹ quan đô thị được cải thiện. Việc buôn bán của người dân cũng thuận lợi hơn khi bảng hiệu thoát khỏi cảnh bị che khuất.
Chị Linh có nhà trên đường Võ Thị Sáu chia sẻ, khoảng năm 2016 tuyến đường này vẫn còn nhùng nhằng dây điện và cáp viễn thông.
"Trước đây tui phải làm thêm một bảng hiệu nhỏ để trước nhà, mà để vậy thì vi phạm lấn chiếm. Ngầm hóa xong tui thấy mặt tiền nhà thoáng hẳn, người dân chạy ngang qua nhìn thấy bảng hiệu từ xa cũng dễ. Lượng khách vãng lai cũng tăng hơn so với trước kia", chị Linh nói.
Còn bà Nguyễn Vân Ánh (quận 6) cho biết hệ thống dây điện và cáp viễn thông tại đây được ngầm hóa khoảng năm 2018. Trước đó dây nhợ chằng chịt như tổ nhện nằm kế bên mái che trước nhà bà.
"Tui vừa sợ cháy, vừa thấy nó nặng quá, lỡ gãy trụ điện đè lên nhà chắc sập nhà. Ngầm hóa dây điện, dây cáp xong, thấy không gian đỡ ngột ngạt, mà mình cũng an tâm hơn khi sinh hoạt bên dưới", bà Ánh nói.
Chủ trương ngầm hóa lưới điện của thành phố bắt đầu từ các năm 2003 - 2005, Tổng công ty Điện lực TP.HCM đã thực hiện thí điểm ngầm hóa lưới điện trên các tuyến đường Lê Lợi, Lê Duẩn, Nguyễn Huệ. Tuy nhiên, việc ngầm hóa này chưa triệt để, do chỉ mới ngầm hóa lưới điện, chưa kết hợp được việc ngầm hóa dây thông tin và chiếu sáng, nên tình trạng "mạng nhện" chưa được cải thiện triệt để.
Đến 2009 - 2010, Tổng công ty Điện lực TP.HCM tiếp tục triển khai thực hiện 5 công trình ngầm hóa thí điểm lưới điện kết hợp ngầm hóa cáp viễn thông tại một số khu vực trung tâm. Đến 2015, việc ngầm hóa bắt đầu mở rộng ra quy mô lớn hơn.
Ngành điện phối hợp với ngành viễn thông tập trung ngầm hóa lưới điện trung, hạ thế trên các tuyến đường trung tâm các quận huyện, đồng thời triển khai việc ngầm hóa tại các hẻm đã được xây dựng ổn định theo quy hoạch trên địa bàn quận 1, quận 3.
Và đến hết năm 2020 đã cơ bản hoàn tất ngầm hóa lưới điện trung, hạ thế cho khu vực trung tâm thành phố. Đối với các quận, huyện còn lại thực hiện ngầm hóa tại các khu trung tâm hành chính, thương mại.
Thành lập ban chỉ đạo, đồng bộ ngầm hóa
Giai đoạn đầu ngầm hóa xảy ra tình trạng mạnh ai nấy làm dẫn tới tình trạng ngầm hóa không đồng bộ. Có thời gian trong khi ngành điện thi công hào kỹ thuật để đưa "mạng nhện" xuống đất thì ngành viễn thông cũng thực hiện ngầm hóa dây thông tin. Mỗi đơn vị phần mình mình làm khiến đường sá bị đào liên tục, công trình thi công mọc lên ngổn ngang gây bức xúc người dân.
Trước thực trạng này, năm 2014, UBND TP.HCM đã giao cho Sở Thông tin - Truyền thông phối hợp với Sở Công thương, Tổng công ty Điện lực TP.HCM và các đơn vị có liên quan đề xuất thành lập ban chỉ đạo thực hiện việc ngầm hóa lưới điện kết hợp với dây thông tin trên địa bàn thành phố, xây dựng quy chế phối hợp giữa các đơn vị để việc ngầm hóa đồng bộ, tránh lặp lại các khúc mắc trước đó.
10 năm qua, thành phố đã quyết liệt chỉ đạo trong công tác ngầm hóa, đến nay việc ngầm hóa tại nội thành đã cơ bản hoàn thành.
Theo số liệu vào cuối năm 2020, Tổng công ty Điện lực TP.HCM đã phối hợp các chủ đầu tư cáp viễn thông (Viettel, VNPT, FPT, SCTV, Tradincorp) thực hiện hoàn thành 240 dự án ngầm hóa tại 195 tuyến đường.
Trong đó, giai đoạn 2011 - 2015, hoàn thành 97 dự án ngầm hóa tại 74 đoạn tuyến đường với khối lượng 350km lưới điện trung thế, 576km lưới điện hạ thế. Giai đoạn 2016 - 2020, hoàn thành 143 dự án ngầm hóa tại 121 đoạn tuyến đường với tổng khối lượng 675km lưới điện trung thế, 1.160km lưới điện hạ thế.
Hiện nay đã cơ bản hoàn tất ngầm hóa lưới điện và cáp viễn thông khu vực quận 1 và quận 3. Đối với khu vực các quận 4, 5, 6, 10, 11, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Bình, Tân Phú và Gò Vấp đã đạt tỉ lệ 60%.
Theo kế hoạch trong giai đoạn 2021 - 2025, thành phố sẽ hoàn tất ngầm hóa các tuyến đường liên quận, các tuyến đường đã được UBND TP.HCM thông qua. Trong giai đoạn này, mục tiêu sẽ ngầm hóa 500km lưới điện trung thế, 800km lưới điện hạ thế.
Để có thể triển khai tốt hơn nữa công tác ngầm hóa trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Thanh, tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM, nhận định thành phố cần nhanh chóng xây dựng quy hoạch hạ tầng ngầm đô thị, làm cơ sở cho các đơn vị quản lý hạ tầng, trong đó có ngành điện, làm căn cứ triển khai thực hiện. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về hiệu quả, lợi ích các dự án ngầm hóa để tạo sự đồng thuận của dư luận, sự ủng hộ của người dân, doanh nghiệp trong các khu vực thi công.
Ông Bành Đức Hoài (phó tổng giám đốc EVNHCMC):
Cố gắng thi công không ảnh hưởng người dân
Ông Bành Đức Hoài
Để triển khai tốt hơn nữa công tác ngầm hóa, thời gian tới, chúng tôi sẽ kiến nghị thành phố nâng cấp hơn nữa hệ thống quản lý dữ liệu, tạo thuận lợi cho quá trình thiết kế, thỏa thuận tuyến, đến giai đoạn thi công, hạn chế việc đầu tư chồng chéo, thiếu đồng bộ. Nghiên cứu các phương án thi công mới tránh việc đào đường gây ảnh hưởng người dân.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng kiến nghị thành phố đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ, cơ chế ưu đãi như hỗ trợ lãi vay (chương trình kích cầu đầu tư), xem xét nâng tỉ lệ hỗ trợ lãi suất từ 50% như hiện nay lên 100% cho các đơn vị thi công nhằm đẩy nhanh tiến độ.
Ông Lê Quốc Cường (phó giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông):
TP.HCM là địa phương tiên phong
Ông Lê Quốc Cường
TP.HCM là địa phương đi đầu trong việc thu gọn cáp viễn thông và tiến tới ngầm hóa. Đối với lĩnh vực viễn thông, TP.HCM không sử dụng tới ngân sách nhà nước để ngầm hóa, công tác này được xã hội hóa hoàn toàn.
TP.HCM cũng tiên phong vận hành quản lý hạ tầng đô thị bằng hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu (GIS) đối với các lĩnh vực điện, nước, cáp viễn thông. Sau đó để tiếp nhận ý kiến của người dân, doanh nghiệp, TP.HCM đã xây dựng Cổng thông tin 1022, sau này đầu số này đã được nhân rộng ra cả nước.
Đối với ngầm hóa, công trình thí điểm đầu tiên của ngành viễn thông được làm khoảng năm 2000 trên tuyến đường Lê Duẩn do Đoàn khối bưu điện thực hiện. Chủ trương của TP.HCM là không để "mạng nhện" từ trên trời thành "mạng nhện" không gian ngầm, do đó Sở Thông tin - truyền thông đã quản lý chặt chẽ vấn đề này.
Đến nay, công tác chỉnh trang, tái chỉnh trang hệ thống cáp viễn thông đã làm gọn được hơn 5.500km tuyến đường.
Việc làm của TP.HCM đã lan tỏa đến các địa phương khác, nhiều thành phố lớn cũng bắt đầu thực hiện ngầm hóa, chỉnh trang đô thị. Ngay tại TP.HCM, nhiều người dân cũng phối hợp với cơ quan chức năng chủ động ngầm hóa tại các hẻm để tạo mỹ quan đô thị và đảm bảo an toàn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận