07/05/2019 19:20 GMT+7

10 năm đổi thay ở cực Tây Tổ quốc

L.Đ.DỤC - Đ.BÌNH - N.QUANG
L.Đ.DỤC - Đ.BÌNH - N.QUANG

TTO - Không như thành phố Điện Biên Phủ với những đại lộ, những công trình kỳ vĩ giữa đại ngàn heo hút cực Tây, những đổi thay của từng bản làng, từng số phận cũng nặng đầy ý nghĩa như những công trình thế kỷ mà Điện Biên đang xây dựng.

10 năm đổi thay ở cực Tây Tổ quốc - Ảnh 1.

Trường phổ thông Dân tộc nội trú xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé

Sau mỗi chuyến đi lên miền Điện Biên, khi trở về chúng tôi luôn mở lại những file ảnh của những chuyến đi trước, trên chính con đường, chính ngôi trường, chính nếp nhà, chính con người đó, sau những cột mốc thời gian là hình ảnh của những đổi thay.

Không như ở thành phố với những đại lộ thênh thang, những công trình kỳ vĩ giữa đại ngàn heo hút cực Tây, những đổi thay của từng bản làng, từng số phận cũng nặng đầy ý nghĩa như những công trình thế kỷ mà đang xây dựng.

Bất cứ vùng đất heo hút nào muốn gần lại với thế giới văn minh cũng khao khát một con đường.

Ngày xưa, để vào vùng cực Tây này, phương tiện duy nhất là máy bay trực thăng. Đồn biên phòng Leng Su Sìn ngày ấy là đồn duy nhất đóng quân nơi đây, mỗi năm chỉ có thể tiếp tế thực phẩm, đạn dược, thuốc men... cho anh em và bà con trong vùng nhờ các chuyến bay.

Còn lại, để đến nơi cần đến chỉ có thể là đi bộ, có khi đi hàng tuần lễ mới ra tới huyện.

Hơn mười năm trước, hơn 500km từ Hà Nội lên thành phố Điện Biên Phủ chỉ mất một ngày ngồi ôtô. Còn từ thành phố vào tới cực Tây A Pa Chải này chặng đường chỉ bằng một nửa, nhưng chúng tôi phải đi từ tinh mơ đến tối mịt. Đó là chưa kể những đợt mưa gió, tắc đường, giờ đi thì biết nhưng giờ đến không ai tính được. Nay thì khác, con đường nhựa hơn 200km từ huyện Mường Chà xuyên thẳng lên cực Tây Tổ quốc đã được thảm nhựa đến tận mốc số 3, chỉ một bước là qua đất Trung Quốc.

Ngay điểm cuối của con đường vào cực Tây là một ngôi chợ vùng biên của bản Tá Miếu (phía Việt Nam) giáp với bản Long Phú (của Trung Quốc). Người dân hai bên chủ yếu là dân tộc Hà Nhì. Mười năm trước, chợ còn hoang vắng, lèo tèo hàng quán, còn bây giờ đã rất sầm uất. Chợ được tổ chức họp vào ngày 3, 13, 23 hằng tháng. Hàng ngàn người dân vùng cực Tây nô nức đi chợ, không chỉ để mua sắm mà còn là dịp thăm bà con ghé chợ. Một đường biên giới hữu nghị luôn là mơ ước của bất cứ người dân biên ải này.

Đến với cực Tây, hầu như ai cũng có một khát khao được chinh phục cột mốc số 0 - ngã ba biên giới Việt - Lào Trung. Trong bộ sưu tập của dân "phượt" đó là đặt chân lên bốn điểm cực Đông - Tây - Nam - Bắc của Tổ quốc. Mười năm trước, chúng tôi phải băng xuyên rừng già, mất hơn một ngày ròng rã mới lên tới cột mốc số 0 này. Nay đường tuần tra biên giới đã mở băng qua hệ thống đồi cỏ tranh, tiếp đó đường xuyên khu bảo tồn được đổ bêtông tới chân núi, leo thêm 568 bậc tam cấp là có thể chạm tay vào cột mốc thiêng liêng.

Đổi thay lớn nhất ở vùng cực Tây heo hút này không chỉ ở hệ thống hạ tầng giao thông. Những lớp học rách nát tạm bợ được quây bằng bạt nhựa, trống hơ hoác giờ đây đã được xây mới khang trang. Gần 10 năm trước, khi ghé đến ngôi Trường phổ thông Dân tộc nội trú xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé), thật khó hình dung ra những phòng học như thế này. Giờ đây, trên chính nền những lớp học đó, một ngôi trường mới hai tầng đã mọc lên.

Không xa Trường Sín Thầu là ngôi nhà của nguyên bí thư kiêm chủ tịch xã Sín Thầu Pờ Dần Sinh - một điển hình làm ăn kinh tế nơi cực Tây này. Gần mười năm trước, chúng tôi gặp ông để thực hiện phóng sự "Huyền thoại dòng họ Pờ ở cực Tây Tổ quốc", khi ấy cơ ngơi của ông vẫn là căn nhà gỗ nằm bên mấy ao cá. Bây giờ trở lại, từ flycam chụp xuống mới thấy toàn cảnh "khu nhà mơ ước" của bất cứ người dân Hà Nhì nào trên rẻo cao. Từ chăn nuôi bò lợn, ao thả cá, trồng cây dược liệu, Pờ Dần Sinh đã có cơ ngơi đẹp nhất vùng cực Tây này. Không chỉ dừng lại ở đó, ông đang chuẩn bị trồng nhiều loại cây trái với giống mua từ miền Nam quanh khu hồ cá. Với những gỗ lạt, ông đang chuẩn bị xây một bảo tàng để gìn giữ văn hóa bản địa của người Hà Nhì.

Không chỉ đời sống các cư dân bản địa nơi biên viễn được nâng cao, vùng cực Tây còn là quê hương thứ hai của nhiều thầy cô giáo từ dưới xuôi lên đây gieo chữ và chọn nơi này ở lại. Ngày chúng tôi ghé Trường Sín Thầu, khu tập thể giáo viên là những căn phòng xập xệ, quây tạm bằng bạt nhựa, thương nhất là những đứa trẻ con cái các thầy cô sống với bố mẹ trong những căn phòng ẩm ướt, thiếu thốn. Như cô giáo Lê Thị Dinh trong căn phòng tập thể ở Trường phổ thông Dân tộc nội trú Sín Thầu năm 2011. Lần trở lại này, chúng tôi biết nhiều thầy cô đã làm nhà riêng khang trang như vợ chồng cô Tòng Thị Đại và thầy Lò Văn Thanh, vợ chồng thầy Lương Đình Đoàn... Căn nhà vững chãi nơi biên ải cũng là lời hứa bám biên của các thầy cô đã dâng hiến tất cả thanh xuân cho các em nhỏ miền cao cực Tây.

Và ngày mới ở cực Tây hôm nay có được nhờ một phần công lao của những người lính biên phòng. Đồn biên phòng Leng Su Sìn được xây dựng cùng thời điểm thành lập lực lượng biên phòng (ngày ấy gọi là Công an vũ trang). Phải gần 60 năm sau, cái đồn với những căn nhà gỗ ấy mới được tháo dỡ và xây mới. Nhìn những tòa nhà của Đồn Leng Su Sìn in bóng lên lưng núi, người dân cực Tây sẽ thấy an lòng hơn. Trong ảnh: nhóm PV Tuổi Trẻ chụp ảnh lưu niệm tại Đồn Leng Su Sìn 10 năm trước, nhìn chiếc cổng đồn ngày ấy và khu doanh trại hôm nay sẽ càng thêm tin tưởng vào tương lai của vùng đất này. Người lính biên phòng mãi mãi là điểm tựa tin cậy của bà con nơi cực Tây Tổ quốc.

L.Đ.DỤC - Đ.BÌNH - N.QUANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp