Cơ sở vật chất, thiết bị và đội ngũ giáo viên là điều kiện cần để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo tinh thần nghị quyết 29 nhưng hiện vẫn thiếu và là tình trạng khá phổ biến ở nhiều địa phương.
Tâm sự của một cô giáo
Một video mô tả việc triển khai nghị quyết 29 được phát tại hội nghị khá dài nhưng phần thu hút sự chú ý của nhiều người và khiến không khí hội nghị chùng xuống lại là đoạn chia sẻ của một cô giáo. Cô nói về cảm xúc của mình khi phải đặt bút viết vào lá đơn xin nghỉ việc, chia tay với nghề dạy học mà cô từng chọn, từng gắn bó.
Đoạn tâm sự rất ngắn chạm đến một vấn đề lớn là làn sóng giáo viên bỏ nghề. Bỏ nghề vì lương thấp, vì thu nhập không đủ sống, vì áp lực quá lớn, vì môi trường không làm họ hạnh phúc...
Bên lề hội nghị, một cán bộ cấp sở chia sẻ với Tuổi Trẻ "tâm sự của cô giáo chính là điều đáng chú ý và suy nghĩ nhất ở hội nghị".
Khi nói về nguồn lực cho giáo dục, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh đến hai từ khóa quan trọng là "tiền và con người". Ông nhấn mạnh: "Càng ngày chúng ta càng nhận thức sâu sắc và toàn diện vai trò có tính chất quyết định của lực lượng nhà giáo trong công cuộc đổi mới này và chắc chắn chúng ta sẽ phải làm nhiều việc hơn nữa phát triển đội ngũ nhà giáo để hoàn tất các mục tiêu đổi mới giáo dục trong thời gian sắp tới.
Cả nước thiếu 110.000 giáo viên
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông có nơi phân bố chưa hợp lý, còn tình trạng thiếu trường, lớp ở các thành phố lớn, khu công nghiệp, khu vực đông dân cư và miền núi.
Tương tự, cơ cấu, số lượng đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông còn bất cập, vẫn còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ; chất lượng đội ngũ chưa đồng đều giữa các vùng, miền.
Theo số liệu của bộ, hiện nay cả nước còn thiếu khoảng 110.000 giáo viên các cấp. Thiếu nhiều nhất là giáo viên mầm non, giáo viên đảm nhiệm các môn học mới của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định thiếu các cơ chế, chính sách ưu tiên cho giáo dục và đào tạo, chưa thể hiện được quan điểm "Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu". Ngân sách nhà nước chi cho giáo dục chưa bảo đảm tối thiểu 20% trong tổng chi ngân sách nhà nước theo yêu cầu của nghị quyết 29.
Trong khi đó cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục chưa được tham gia nhiều trong việc thẩm định, phân bổ kinh phí và tuyển dụng viên chức, bổ nhiệm viên chức quản lý trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Lãnh đạo nhiều địa phương như Lạng Sơn, Bạc Liêu, Kon Tum khi trao đổi tại hội nghị trên cũng cho biết những khó khăn mang tính phổ biến khi triển khai đổi mới giáo dục vẫn là thiếu trường lớp, thiếu thiết bị dạy học, thiếu giáo viên.
Ông Dương Xuân Huyên, phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, cho biết tỉnh này còn đến 730 điểm trường lẻ với 694 lớp ghép, thiết bị dạy học còn thiếu thốn, thiếu trên 1.000 giáo viên theo định mức quy định. Tương tự, ông Phan Thanh Duy, phó chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cũng cho biết khó khăn lớn nhất hiện vẫn là thiếu giáo viên.
Sáng kiến xây dựng "ngân hàng giáo viên"
Có một thông tin cụ thể được ông Dương Anh Đức, phó chủ tịch UBND TP.HCM, đề cập trong hội nghị là TP.HCM đã dành kinh phí khoảng 2.000 tỉ đồng/năm để hoàn thiện mạng lưới trường lớp, tăng số thiết bị hỗ trợ dạy học.
Hay ở Hà Nội, ông Trần Thế Cương, giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết về sáng kiến xây dựng "ngân hàng giáo viên" để gia tăng sự chia sẻ, hỗ trợ giữa trường với trường, giáo viên với giáo viên, tận dụng "tài nguyên" chung và thu hẹp khoảng cách chất lượng giáo dục giữa các nhà trường.
Hà Nội cũng kiến nghị việc ưu tiên quỹ đất của các đơn vị khác di dời khỏi nội đô để xây thêm trường phổ thông công lập, kiến nghị có cơ chế pháp lý cho việc thực hiện tự chủ trong trường phổ thông, tương tự như đại học đang làm.
Ông Đức cũng chia sẻ về mục tiêu tạo nên những thế hệ công dân trẻ đủ điều kiện hội nhập quốc tế mạnh mẽ. Theo đó, TP.HCM đi đầu trong nỗ lực đưa các chứng chỉ quốc tế về tiếng Anh và tin học vào nhà trường.
Cụ thể đã triển khai thực hiện hoạt động dạy học tiếng Anh tự chọn từ lớp 1, chủ động trong việc phát triển loại hình tăng cường tiếng Anh và đưa việc dạy học toán và khoa học bằng tiếng Anh vào thực hiện từ nhiều năm qua. Ông Đức khẳng định sẽ tiếp tục hướng đi này, trang bị cho học sinh những kỹ năng cần thiết để hội nhập quốc tế.
Cần nghị định mới về tự chủ đại học
Trao đổi về lĩnh vực giáo dục đại học tại hội nghị tổng kết nghị quyết 2, ông Bùi Anh Tuấn, hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương, đề cập sâu vào vấn đề tự chủ vì cho rằng đây là giải pháp mạnh mang lại sức sống cho giáo dục đại học.
Nhưng theo ông Tuấn, hiện nhận thức của các bên liên quan về tự chủ đại học còn khác nhau. Nhiều quy định hiện hành chưa phù hợp với chủ trương này. Việc triển khai tự chủ còn thiếu lộ trình rõ ràng. Còn có những trường e ngại, hiểu sai về tự chủ và chưa làm đúng quy định pháp luật.
Ông Bùi Anh Tuấn kiến nghị cần rà soát văn bản để điều chỉnh, sửa đổi hợp lý. Cần xem xét xây dựng nghị định mới về tự chủ đại học, tăng cường giám sát của Nhà nước và hoàn thiện mô hình tự chủ đại học.
Ông Đặng Hoài Bắc, giám đốc Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông, cũng cho rằng cần phải có các quy hoạch về giáo dục đại học rõ ràng hơn, nhất là về tự chủ. "Nếu tự chủ nhưng không được hỗ trợ từ xã hội thì sẽ còn nhiều khó khăn", ông Bắc nhận xét.
Ông Đặng Hoài Bắc kiến nghị nghiên cứu việc thí điểm đầu tư vào một số cơ sở đại học có tầm ảnh hưởng với nước ngoài trong tầm nhìn đến năm 2030 để nâng tầm chất lượng giáo dục Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn:
Hành động tương xứng với nhận thức
Nghị quyết 29 là đổi mới về quan điểm đối với giáo dục nhưng nhận thức ở các cấp, các ngành trong giáo dục vẫn là một vấn đề lớn. Tới đây sẽ còn phải tiếp tục chuyện nhận thức trong đầu tư cho giáo dục, tự chủ trong giáo dục, xã hội hóa trong giáo dục và nhận thức trong các vấn đề chuyên môn của ngành.
Bên cạnh một nhận thức cho đầy đủ và thấu đáo, quan trọng hơn cần sự hành động tương xứng và đến nơi đến chốn. Nếu chỉ gia tăng về nhận thức thì hằng ngày chúng ta vẫn nói với nhau rằng "Giáo dục là quốc sách hàng đầu" nhưng sẽ chỉ dừng ở đó mà thôi. Câu chuyện hành động cho tương xứng với nhận thức vẫn là câu chuyện lớn cần làm tiếp để nghị quyết 29 được thực hiện một cách đầy đủ và triệt để trong thời gian tới.
Sau hội nghị này, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục các ý kiến và tiếp tục hoàn thiện dự thảo đề án tổng kết 10 năm thực hiện nghị quyết 29.
Chuyển từ truyền thụ kiến thức sang phát triển phẩm chất, năng lực
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, qua 10 năm thực hiện nghị quyết 29 đã thực hiện được một số nội dung sau:
- Hệ thống các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện đã được ban hành tương đối toàn diện, bao quát...; hệ thống giáo dục quốc dân cơ bản được hoàn thiện theo hướng mở, liên thông giữa các cấp học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục và đào tạo...; ban hành và tổ chức triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, chuyển từ nặng về truyền thụ kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực học sinh...
- Chất lượng giáo dục nghề nghiệp có chuyển biến tốt hơn, công tác đào tạo nghề cho công nhân và lao động nông thôn được quan tâm. Đổi mới giáo dục đại học gắn với tăng cường tự chủ đã tạo ra động lực mới, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; nghiên cứu khoa học, nhất là công bố khoa học quốc tế tăng mạnh...
- Đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá, đặc biệt là thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm, giáo dục nghề nghiệp ngày càng thực chất và hiệu quả hơn, cơ bản khắc phục tình trạng học lệch, học tủ và giảm áp lực, tốn kém cho xã hội; công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống và giáo dục thể chất cho học sinh, sinh viên ngày càng đi vào nề nếp, thực chất và hiệu quả...
Ông Huỳnh Thành Phú (hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM):
Giảm bệnh thành tích, cải thiện đời sống giáo viên
Năm 2025 sẽ bắt đầu kỳ thi tốt nghiệp THPT mới theo Chương trình giáo dục 2018. Tôi nghĩ đây là bước đầu để tiếp tục thay đổi toàn bộ cục diện kiểm tra đánh giá theo hướng thực tiễn, giảm bệnh thành tích.
Bên cạnh đó, nhiều năm qua ngân sách dành cho kỳ thi tốt nghiệp THPT quá lớn, nên tiến đến giao lại kỳ thi này cho địa phương và việc xét tuyển đại học, cao đẳng sẽ giao về cho các trường. Như vậy sẽ giảm được rất nhiều áp lực học tập cho học sinh.
Đời sống của giáo viên cần được quan tâm nhiều hơn nữa, đặc biệt khi bức tranh kinh tế đang gặp nhiều khó khăn. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tiếp tục tham mưu cho Chính phủ cải thiện đồng lương nhà giáo. Một số hỗ trợ thiết thực khác cho thầy cô có thể bao gồm tính toán lại số tiết nghĩa vụ của thầy cô để họ có thêm thời gian đầu tư vào chuyên môn, hoặc hỗ trợ nhà công vụ cho những giáo viên trẻ hoặc giáo viên về công tác ở những địa bàn xa...
Về tuyển dụng giáo viên, tôi nghĩ cần tăng quyền tự chủ cho các trường. Hiện nay, phần lớn các trường đang nhận giáo viên theo phân bổ của Sở Giáo dục và Đào tạo. Đồng nghĩa, đơn vị tiếp nhận hoàn toàn lệ thuộc việc tuyển dụng cho đơn vị mình từ một bên thứ ba. Trường tiếp nhận không thể can thiệp vào đánh giá chuyên môn của những người mình sẽ tiếp nhận. Như thế theo tôi là bất hợp lý.
Ông Hoàng Quốc Long (hiệu trưởng Trường trung cấp Nguyễn Tất Thành, TP.HCM):
Tiếp tục công tác phân luồng
Phân luồng giáo dục là một trong những nội dung quan trọng trong chiến lược đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo. Trong 10 năm qua, theo góc nhìn cá nhân tôi, công tác phân luồng đã có sự tiến triển rõ nét. Tỉ lệ người học sau lớp 9 chọn vào các trường thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp đã gia tăng. Các chính sách hỗ trợ về học phí cho người học cũng phát huy tác dụng.
Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ cần được liên tục cập nhật. Hiện tại mức hỗ trợ cho các em chỉ đáp ứng khoảng 60 - 70% học phí ở nhiều trường cao đẳng, trung cấp, nên gia đình nhiều em vẫn còn phải lo lắng tiền học.
Hỗ trợ cũng nên được áp dụng cho học sinh lớp 12 bởi tỉ lệ học sinh vào các trường nghề sau lớp 12 đang bị chững lại. Ngoài tài chính, một hỗ trợ khác cũng cần được tăng cường là mở rộng hướng đi của các em sau phân luồng, trong đó có liên thông lên đại học.
TS Hoàng Ngọc Vinh (nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo):
Quan tâm hơn tới giáo dục đạo đức
Mục tiêu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn hiện nay, nhưng không phải không gặp nhiều rào cản. Một trong những thách thức là đội ngũ giáo viên.
Nhiều trường đại học sư phạm hiện còn đào tạo nặng về lý thuyết, hàn lâm nhưng thiếu trang bị cho sinh viên năng lực thực tế cuộc sống. Các giáo viên tương lai cũng cần được đào tạo toàn diện và luôn được trang bị các kỹ năng xử lý trong thực tế giảng dạy.
Bên cạnh đó quy mô lớp học cần tiếp tục được tinh gọn. Một lớp học quá đông học sinh thì thầy cô không thể sâu sát các em. Nguồn lực dành cho cơ sở vật chất cũng cần được ngành giáo dục và các địa phương cân đối.
Về chương trình, tôi nghĩ trong thời gian tới chúng ta cần dành sự quan tâm nhiều hơn đến giáo dục đạo đức cho người học. Hiện nay, dường như trường học đang chú trọng quá nhiều vào các môn chính như khoa học, công nghệ mà đang xem nhẹ gốc rễ giáo dục đạo đức cho học sinh trong xã hội hiện đại.
Ông Lâm Thành Hiển (hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng, Đồng Nai):
Cần có chỉ tiêu định lượng rõ ràng
Chiến lược đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo nên được tiếp tục phân loại và chia nhỏ thành nhiều yếu tố. Đặc biệt, mỗi yếu
tố cần có một bộ tiêu chí đánh giá với những số liệu rõ ràng. Nếu không có những con số để đo lường, rất khó để xác định có hoàn thành những gì mà chúng ta đặt ra hay không. Chẳng hạn trong lĩnh vực giáo dục đại học, tiêu chí đổi mới sẽ gồm những gì, bộ tiêu chí đánh giá ra sao?
Theo tôi, cần có thêm những chỉ tiêu định lượng rõ ràng, không nên chỉ mang tính định tính.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận