29/09/2016 11:40 GMT+7

10 năm bên mộ cụ Huỳnh

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TTO - 10 năm qua có một ông lão râu tóc bạc phơ tên Nguyễn Tạo (84 tuổi, xã Tịnh Ấn Tây, TP Quảng Ngãi) vì lòng mến mộ cụ Huỳnh đã lên đây lo hương khói và làm người kể chuyện cụ Huỳnh cho khách viếng mộ.

Mỗi lần có du khách đến viếng mộ, ông Tạo lại kể về cụ Huỳnh - Ảnh: Trần Mai
Mỗi lần có du khách đến viếng mộ, ông Tạo lại kể về cụ Huỳnh - Ảnh: Trần Mai

“Ông Tạo giống như cái bóng của cụ Huỳnh. Nhờ có ông mà mộ cụ Huỳnh tươm tất và ai đến thăm mộ cũng mang về được nhiều kiến thức

Người bán nước trên núi Thiên Ấn

Tại ngôi mộ chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng trên đỉnh núi Thiên Ấn (TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi), người dân đã quen hình ảnh ông Tạo với cà mèn cơm treo trên ghiđông cùng chiếc xe đạp lững thững đi lên đỉnh Thiên Ấn lo nhang khói và dọn dẹp mộ cụ Huỳnh.

Ông treo chiếc võng nằm ngay dưới khóm trúc. Mỗi khi có khách đến viếng mộ, ông lại đến chào hỏi, nói chuyện với họ về cụ Huỳnh.

Một đời mến mộ cụ Huỳnh

Hôm đó, đoàn cán bộ lão thành từ TP.HCM ra Quảng Ngãi ghé đỉnh Thiên Ấn viếng mộ cụ Huỳnh, ông Tạo đón những vị khách phương Nam bằng giọng Quảng Ngãi đặc quánh: “Mấy ông ở miền Nam ra viếng cụ Huỳnh à. Khi còn tại thế, cụ sống giản dị và gọn sạch lắm. Mấy ông thắp cho cụ nén hương thôi, đừng nói chuyện ồn ào cụ không thích đâu”.

Từng người thắp hương rồi nghe ông Tạo kể về cuộc đời, gia thế và những đóng góp của cụ Huỳnh với đất nước. Cả giai đoạn cụ Huỳnh bị tù đày ở Côn Đảo 15 năm ông Tạo cũng nhớ rất rõ và gần như thuộc lòng từng giai đoạn trong cuộc đời cụ Huỳnh. Đoàn người lặng nghe và khi hỏi bất kỳ điều gì về cụ Huỳnh, ông Tạo đều trả lời.

Nhiều du khách bất ngờ khi biết người kể chuyện cụ Huỳnh không phải là một nhà sử học hay một hướng dẫn viên du lịch nào, mà là một lão nông râu tóc bạc phơ. Ông Tạo thường nói với du khách rằng: “Cụ Huỳnh là nhà chính trị, chí sĩ, nhà thơ, nhà học giả, nhà văn hóa chuẩn mực, nhà báo chân chính. Ngoài ra, lịch sử còn ghi tên cụ với tư cách là sử gia của tiến trình lịch sử Việt Nam cận đại”.

Từ thời còn cắp sách đến trường, ông Tạo bảo đã nghe những ông giáo làng kể nhiều về cụ Huỳnh và đem lòng yêu quý từ đó. Ông Tạo mến mộ cụ Huỳnh đến mức đã đọc hầu hết tác phẩm và tất cả các bài báo viết về cụ Huỳnh.

“Hồi xưa tôi còn đọc được hai cuốn sách Bức thư bí mật của cụ Huỳnh Thúc Kháng trả lời cụ kỳ ngoại hầu Cường Để 1943Huỳnh Thúc Kháng tự truyện. Hai cuốn này hồi đó tôi đọc mê mẩn. Chiến tranh loạn lạc, tôi làm mất cả hai cuốn tiếc đứt ruột, giờ nhờ con cháu kiếm mua mà không ra” - ông Tạo kể.

Cách đây tròn 10 năm, ông Tạo lên viếng mộ cụ Huỳnh và thấy cỏ cây ở đây mọc um tùm, lại có nhiều rác do khách tham quan bỏ lại, ông tình nguyện quét dọn, giẫy cỏ, thắp hương. Rồi lòng mến mộ thôi thúc để rồi khi bước sang tuổi “thất thập cổ lai hi”, ông lại thực hiện ước muốn “nói về cụ Huỳnh cho người khác nghe”.

Người kể chuyện tự nguyện

Hành trang mỗi ngày đi “kể chuyện cụ Huỳnh” của ông Tạo là vài bó nhang, một chai nước lọc và cà mèn cơm. Thế là thong dong lên đỉnh núi. Mỗi khi có khách đến, ông lại thắp nhang đưa cho khách và hướng dẫn cho người ta thắp nhang. Rồi ông kể chuyện về cụ Huỳnh, nói như ông là “biết bao nhiêu kể bấy nhiêu, dù kể cả ngày cũng còn chuyện để kể”.

Du khách Trần Quang Hiếu (huyện Tiên Phước, Quảng Nam) sau khi nghe ông Tạo kể về cụ Huỳnh bảo rằng rất phục ông Tạo vì “ông ấy nói chuyện chẳng khác nào một hướng dẫn viên du lịch. Mình là người Quảng Nam, quê hương cụ Huỳnh nhưng kiến thức về cụ thì mình khâm phục ông Tạo, nhờ ông mà mình thêm khâm phục nghĩa khí của cụ Huỳnh” - anh Hiếu nói.

Có lần chúng tôi lên núi Thiên Ấn viếng mộ cụ Huỳnh, gặp lúc ông trò chuyện cùng những bạn sinh viên Trường ĐH Phạm Văn Đồng, nghe ông kể về cụ Huỳnh rất... thời cuộc khi nói về việc cụ Huỳnh từng có bài viết trên báo Tiếng Dân vào năm 1938 khẳng định chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa.

Ông bảo rằng: “Thời điểm đó mà cụ Huỳnh đã đưa ra nhiều chứng cứ lịch sử để khẳng định Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam với hàng loạt tài liệu liên quan đến Hoàng Sa như Phủ biên tạp lục, Đại Nam nhất thống chí, Bản triều chính yếu thực lục, Lịch triều hiến chương loại chí...”.

Những đêm có trăng, ông Tạo ở lại trên đỉnh núi đến tận 20g, hỏi ra mới biết khi có trăng sáng thì thanh niên địa phương thường lên đây nhậu, ông Tạo không thích vậy. Ông ở lại giải thích cho bọn trẻ biết đây là nơi an nghỉ tôn nghiêm của một chí sĩ yêu nước, cần phải giữ yên tĩnh, không được nhậu nhẹt la hét, chị Thu - bán nước trên đỉnh Thiên Ấn - cho biết.

Ngày 1-10 sẽ tròn 140 năm ngày sinh cụ Huỳnh Thúc Kháng, với ông Tạo là một ngày đặc biệt bởi những ngày làm quyền chủ tịch nước, cụ Huỳnh đã sống và làm việc tại Quảng Ngãi đến khi qua đời. Ông Tạo lo mình không còn đủ sức coi sóc mộ và tiếp tục kể chuyện cụ Huỳnh cho du khách viếng thăm.

Ông Nguyễn Đăng Vũ, giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Ngãi, bảo rằng ông Tạo là một người rất đặc biệt vì ông “kể chuyện cụ Huỳnh giản dị như chính cuộc đời cụ Huỳnh khi còn sống. Cái hay của ông Tạo là cách kể rất cuốn hút và những tìm hiểu của ông về cụ Huỳnh cũng rất đa dạng”.

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp