04/01/2016 08:27 GMT+7

10 kịch bản tồi tệ của kinh tế thế giới

NGUYỄN QUÂN
NGUYỄN QUÂN

TT - Những dự báo cho năm mới của Hãng tin Bloomberg nhìn thế giới theo những kịch bản bi quan dựa trên những diễn tiến thời cuộc đã xảy ra trong năm qua (tiếp theo số báo ngày 3-1-2016).

Buổi lễ đóng cửa cuối năm 2015 ở sàn chứng khoán Hàn Quốc tại Seoul - Ảnh: Reuters
Buổi lễ đóng cửa cuối năm 2015 ở sàn chứng khoán Hàn Quốc tại Seoul - Ảnh: Reuters

Trong lịch sử nước Mỹ, kinh tế chưa bao giờ tăng trưởng chín năm liên tiếp, vì vậy trễ nhất là vào năm 2017 kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái

HOLGER ZSCHÄPITZ (chuyên gia kinh tế nhận định trên nhật báo Đức Die Welt)


6. Israel tấn công Iran

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu quyết định tấn công Iran do cho rằng Tehran đang tiến gần đến mức sản xuất được vũ khí hạt nhân. Cuộc chiến sẽ gây rối loạn thêm cho Trung Đông vì Iran chắc chắn đáp trả.

Mức độ khả thi: 4/10. Thỏa thuận kiểm soát hạt nhân đạt được giữa Iran với các cường quốc, theo đó không có yêu cầu thanh tra quá ngặt nghèo, được cho là giúp Iran tăng cường chương trình hạt nhân và cũng khiến Israel càng muốn tấn công Iran dù phải tiến hành một mình.

Nhưng cũng phải thấy rằng Thủ tướng Netanyahu từng có những cơ hội để thực hiện mong muốn trước đây nhưng đã không làm, và có lẽ đã chọn theo các phương pháp phi quân sự để ngăn Iran đạt đến mức sản xuất được vũ khí hạt nhân.

Mức độ nghiêm trọng: 8/10. Nếu xảy ra tấn công, các hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Trung Đông sẽ trở thành lò lửa với những hậu quả chưa thể đo đếm được. Giá dầu lại tăng vọt và suy thoái toàn cầu xảy ra.

7. Nga đạt được các mục đích

Tổng thống Nga Vladimir Putin kiểm soát được Syria nhờ tổ chức được cuộc chuyển giao quyền lực giúp tăng thêm sức mạnh cho chính quyền Bashar al-Assad. Tất cả diễn ra trong khuôn khổ liên minh quốc tế chống IS do Nga lãnh đạo. Mỹ bị gạt khỏi cuộc chơi và mất uy tín. Cuộc khủng hoảng di cư giảm nhiệt, Đức nhượng bộ từ bỏ các biện pháp cấm vận kinh tế với Nga.

Mức độ khả thi: 6/10. Tổng thống Putin biết chơi trò chơi địa chính trị rất giỏi; ở phía bên kia chính quyền Obama đã bị ông Putin qua mặt ngay từ đầu.

Mức độ nghiêm trọng: 7/10. Những hậu quả về ngắn hạn thì không đáng kể, thậm chí kinh tế dễ thở chút vì cuộc khủng hoảng di cư chấm dứt và Nga không còn bị cấm vận. Nhưng về lâu dài, hậu quả sẽ nghiêm trọng bởi Mỹ mất đi uy tín trong vai trò siêu cường dẫn đầu quen thuộc để đảm bảo trật tự địa chính trị quốc tế. Những rối loạn có thể xảy ra sau đó.

8. Biến đổi khí hậu trầm trọng thêm

Thỏa thuận chống biến đổi khí hậu ký kết tại Paris vẫn chỉ là ngôn từ trên giấy. Năm 2016 lập kỷ lục nóng mới. Những hậu quả ngày thêm trầm trọng như cháy rừng ở Đông Nam Á, thiếu nước sinh hoạt ở châu Phi, thiếu điện do không đủ nước làm thủy điện. Vụ mùa ở châu Âu sụt giảm. Hạn hán và thời tiết giá lạnh mùa đông sẽ khiến Mỹ phải ban bố tình trạng khẩn cấp.

Mức độ khả thi: 5/10. Những hiện tượng thời tiết nghiêm trọng thường khó dự đoán. Nhưng thực tế cho thấy có nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan trong thời gian gần đây do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trên quy mô toàn cầu.

Mức độ nghiêm trọng: 9/10. Vấn đề ở đây là chưa thấy giải pháp cho thời gian trước mắt. Mối lo âu phát sinh hoàn toàn có thể dẫn đến suy thoái kinh tế.

9. Khu vực Mỹ Latin mất phương hướng

Tổng thống Brazil Dilma Rousseff bị phế truất do cuộc khủng hoảng tham nhũng, hối lộ. Tình hình kinh tế và chính trị ở Venezuela tiếp tục khó khăn. Tân tổng thống Argentina cũng khó thực hiện lời hứa khi tranh cử do cuộc khủng hoảng kinh tế tiếp tục. Cái vòng luẩn quẩn đáng sợ xuất hiện: kinh tế xuống dốc, doanh nghiệp phá sản, công nhân ra đường, xung đột giữa người dân với chính quyền tái diễn khiến khủng hoảng thêm trầm trọng...

Mức độ khả thi: 4/10. Mỗi sự kiện riêng lẻ có thể xảy ra nhưng để xảy ra cùng lúc đến mức gây ảnh hưởng khu vực thì ít khả năng hơn.

Mức độ nghiêm trọng: 7/10. Hậu quả là rất lớn về kinh tế và thể chế chính trị, xã hội, nhưng ở mức độ khu vực mà thôi.

10. Tỉ phú Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ

Ông ấy sẽ tìm cách thực thi những lời hứa lúc tranh cử như tăng cường kiểm soát biên giới với Mexico, tiến hành chiến tranh kinh tế với Trung Quốc, tăng thêm rào thuế quan...

Mức độ khả thi: 1/10. Dù tỉ phú Trump đang gây nhiều chú ý nhưng các chuyên gia thống nhất cho rằng ông ấy khó qua ải bầu cử sơ bộ.

Mức độ nghiêm trọng: 1-10/10. Vì tỉ phú Trump thể hiện tính khí khó đoán nên rất khó đoán mức độ nghiêm trọng của tình hình nếu ông ấy có cơ hội trở thành tổng thống Mỹ.

Tổng giám đốc IMF dự báo như thế nào?

Trả lời phỏng vấn nhật báo kinh tế Handelsblatt của Đức, tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), bà Christine Lagarde dự báo kinh tế thế giới năm 2016 sẽ “gây thất vọng và tăng trưởng không đồng đều” do lo ngại về những tác động gây mất ổn định có thể xảy ra của việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất cơ bản và việc kinh tế Trung Quốc chững lại.

Các nền kinh tế mới nổi đã trở nên dễ bị tổn thương bởi sự mất giá thường xuyên của đồng nội tệ so với USD do dự trữ ngoại hối giảm, nợ ngoại tệ của doanh nghiệp cao và sự sụt giảm của giá nguyên liệu thô.

Tổng giám đốc IMF cho rằng thương mại toàn cầu sẽ chậm lại hẳn và một số nền kinh tế mới nổi sẽ gặp khó khăn do giá nguyên liệu thô giảm, và sự yếu kém của ngành tài chính một số nước. Bà Lagarde nhận định: “Dự báo về trung hạn cũng không sáng sủa mấy do sức sản xuất kém, dân số già và những hệ quả kéo theo của khủng hoảng tài chính toàn cầu sẽ làm trì kéo sự phát triển”.

Bà Lagarde đặc biệt chú ý đến ảnh hưởng của việc FED tăng lãi suất vừa qua. Theo bà, quyết định đó làm tăng phí tổn đối với một số đối tác đi vay, đặc biệt là các quốc gia mới nổi và đang phát triển.

Tuy vậy bà cũng nhận định quyết định của FED là đúng: “FED phải đưa ra quyết định tạo sự cân bằng: điều chỉnh lãi suất theo thị trường và như thế cũng giúp loại trừ nguy cơ chệch choạc của các thị trường tài chính”.

Ngân hàng Goldman Sachs dự báo lạc quan

Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs của Mỹ dự báo lạc quan về kinh tế năm 2016 dựa trên các chỉ số của châu Âu và tin rằng xu hướng này sẽ tiếp tục đến năm 2018. Ngân hàng Mỹ, với những dự báo được giới kinh tế - tài chính thế giới theo dõi, cho rằng trong bốn năm gần đây giá cổ phiếu tăng khá cao và trong năm nay sẽ giảm theo hướng điều chỉnh đúng với thực tế.

Theo Goldman Sachs, mức lợi nhuận cổ tức ở châu Âu sẽ đạt trung bình 8% trong năm 2016 và 10% vào năm 2017 nhờ vào đồng euro yếu và mức tăng GDP được cải thiện trong toàn châu Âu.

Về dự báo ngành nghề, ngân hàng này nhận định: “Những ngành chúng tôi đánh giá tốt là truyền thông, bảo hiểm, viễn thông, công nghệ, dịch vụ chuyên chở và giải trí, y tế và ngân hàng. Những ngành nghề ít sinh lãi là nguyên liệu thô, thực phẩm và thức uống, thuốc lá, dịch vụ công nghiệp và hóa dược”.

Goldman Sachs cũng dự báo mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu là 3,5% trong năm 2016, nhích hơn một chút so với 3,1% của năm 2015. Dự báo ấy gần như tương đồng với IMF là 3,6% trong năm nay.

Tuy nhiên, một số nhà kinh tế như bà Véronique Riches-Flores, chủ tịch của đơn vị nghiên cứu RF Research, cho rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay chỉ vào mức 2% vì các số liệu tăng trưởng của Trung Quốc không đúng thực tế.

NGUYỄN QUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp