Những tập đoàn, doanh nghiệp mà các doanh nhân này điều hành cũng đều nằm top những đơn vị nộp thuế lớn nhất cả nước, đóng góp lớn vào sự phát triển chung của nền kinh tế.
Khát vọng những doanh nhân giàu nhất sàn
Vị trí top 1 tiếp tục thuộc về doanh nhân Phạm Nhật Vượng - chủ tịch Vingroup (VIC), với khối tài sản gần 87.000 tỉ đồng. Trên Forbes, khối tài sản ròng của ông Vượng được thống kê tới ngày 12-10 là 4,2 tỉ USD.
Ông Vượng quê Hà Tĩnh, là tỉ phú USD đầu tiên của Việt Nam, đồng thời liên tiếp giữ vị trí người giàu nhất sàn chứng khoán. Vingroup - tập đoàn của ông Vượng cũng là doanh nghiệp tư nhân nộp ngân sách lớn nhất cả nước.
Hoạt động đa ngành, Vingroup ghi dấu ấn trên nhiều lĩnh vực, từ nhà bất động sản lớn nhất Việt Nam đến công ty xe điện đầu tiên và duy nhất cả nước.
Dù khát vọng làm xe điện gặp không ít thách thức nhưng ông Vượng từng khẳng định trước cổ đông, VinFast là "sứ mệnh", là tương lai của Vingroup nên "không bao giờ buông".
Theo báo cáo tài chính bán niên 2024, Vingroup của ông Vượng ghi nhận doanh thu hơn 64.000 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 2.053 tỉ đồng. Tổng tài sản Vingroup đến cuối tháng 6 năm nay đạt hơn 722.130 tỉ đồng, tăng hơn với đầu năm.
Tài sản thống kê dựa trên việc nắm giữ cổ phiếu
Người giữ vị trí ngay sau là doanh nhân Trần Đình Long với tài sản vượt 45.000 tỉ đồng. Trên Forbes, tài sản ròng của ông Long được thống kê 2,5 tỉ USD.
Nếu ông Vượng dồn sức làm xe điện, thì ông Long - vị doanh nhân quê Hải Dương thành công và giàu có nhất ngành thép Việt Nam, muốn tham gia làm "siêu" dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam.
Từng chia sẻ với Tuổi Trẻ, ông Long thừa nhận việc làm đường ray đường sắt cao tốc... là cực kỳ khó. "Nhưng chúng tôi không ngại khó, không sợ khó", ông Long nói.
Theo báo cáo tài chính, doanh thu của Hòa Phát 6 tháng đầu năm nay đạt hơn 70.407 tỉ đồng, lãi sau thuế hơn 6.188 tỉ đồng. Tổng tài sản thời điểm cuối tháng 6 này đạt hơn 206.609 tỉ đồng.
Những doanh nhân lĩnh vực hàng không, bán lẻ, công nghệ, bất động sản góp mặt
Các vị trí tiếp theo góp tên nhiều doanh nhân từ các lĩnh vực hàng không, ngân hàng, bán lẻ, công nghệ đến bất động sản, vật liệu xây dựng...
Nữ doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo - người giàu thứ ba có giá trị tài sản ròng 25.000 tỉ đồng. Bà Thảo vừa được xướng tên trong sanh sách "Những người phụ nữ quyền lực nhất châu Á năm 2024" do tạp chí Fortune của Mỹ bình chọn.
Hệ sinh thái của bà Thảo đứng đầu đa lĩnh vực, từ ngân hàng đến hàng không, bất động sản. Nhưng vai trò của bà Thảo ghi dấu ấn nhiều hơn trước truyền thông là chủ tịch Vietjet Air.
Dự hội nghị Thường trực Chính phủ cuối tháng 9, bà Thảo đề xuất đầu tư, nâng cấp hệ thống sân bay quốc tế để Việt Nam trở thành trung tâm trung chuyển hành khách và hàng hóa thế giới.
Theo báo cáo tài chính, Vietjet ghi doanh thu hơn 34.000 tỉ đồng nửa đầu năm nay, lợi nhuận ròng hơn 830 tỉ đồng. Tổng tài sản đạt vượt 92.200 tỉ đồng.
Danh sách giàu nhất sàn còn có ông Hồ Hùng Anh - chủ tịch Techcombank với hơn 23.400 tỉ đồng; ông Nguyễn Đăng Quang - chủ tịch Masan với hơn 22.300 tỉ đồng;
Doanh nhân Trương Gia Bình - chủ tịch FPT với hơn 12.400 tỉ đồng, ông Đào Hữu Huyền - chủ tịch Hóa chất Đức Giang với hơn 8.200 tỉ đồng, hay ông Hồ Xuân Năng - chủ tịch Vicostone với hơn 8.000 tỉ đồng...
Tính đến ngày 13-10-2024, top 10 doanh nhân giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam đang sở hữu khối tài sản hơn 260.000 tỉ đồng (hơn 10 tỉ USD).
Mức tổng không thay đổi quá nhiều so với cuối năm ngoái. Nhưng giá từng cổ phiếu biến động khác nhau, tài sản các doanh nhân ít nhiều đều có sự thay đổi.
Trong đó, người có tài sản tăng tốt nhất từ đầu năm đến nay là ông Trương Gia Bình (tăng hơn 5.000 tỉ đồng) khi cổ phiếu FPT tăng gần 70% sau một năm.
Ông Bình từng là người giàu nhất sàn chứng khoán khi FPT lên sàn chứng khoán và góp mặt trong top 10 cho đến năm 2008. Những năm sau đó, tài sản của ông Bình tăng chậm hơn so với các tỉ phú khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận